Phát hiện mới về khả năng ngôn ngữ của trẻ em những năm đầu đời
Tin tức - Ngày đăng : 06:12, 02/06/2023
Ảnh minh họa.
Ngày 31/5, nghiên cứu khoa học trên tạp chí iSience cho thấy các bé trai có khả năng nói chuyện nhiều hơn bé gái, phá bỏ định kiến rằng các bé gái thường có lợi thế về ngôn ngữ hơn trong những năm đầu đời.
Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học D.Kimbrough Oller thuộc Đại học Memphis, Tennessee (Mỹ) đứng đầu đã sử dụng thuật toán phân tích bộ dữ liệu hơn 450.000 giờ âm thanh liên tục của 5.899 trẻ sơ sinh, được ghi lại bằng một thiết bị cỡ máy iPod trong vòng hơn hai năm.
Đây là thí nghiệm với mẫu thử lớn nhất trong lịch sử nghiên cứu phát triển ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy các bé trai nói nhiều hơn 10% vào năm đầu tiên của cuộc đời, trong khi các bé gái nói nhiều hơn 7% trong năm thứ hai.
[Phát hiện cho thấy “ngôn ngữ của cha mẹ” mang tính toàn cầu]
Kết quả nghiên cứu đầy bất ngờ trên đã đảo ngược nhiều ý kiến cho rằng bé gái tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn bé trai, hay giả định bé gái phát âm nhiều hơn bé trai tồn tại từ lâu trong giới khoa học.
Trên thực tế, những người chăm sóc trẻ cũng trò chuyện với bé gái nhiều hơn bé trai trong hai năm đầu tiên của cuộc đời.
Một giả thuyết cho rằng bé trai nói chuyện nhiều hơn bé gái do thể chất năng động hơn, song dữ liệu không ủng hộ nhận định này khi cho thấy bé trai nói nhiều hơn bé gái trong vòng 16 tháng nhưng hoạt động thể chất lại không cao hơn.
Thay vào đó, nhóm nghiên cứu gợi ý kết quả trên phù hợp với một lý thuyết tiến hóa cho rằng trẻ sơ sinh phát ra âm thanh để báo hiệu người chăm sóc, qua đó thu hút thêm năng lượng và sự chú ý từ họ.
Các bé trai có tỷ lệ tử vong cao hơn trong năm đầu đời, vì thế phát ra nhiều âm thanh nhằm nâng cao khả năng sống sót hơn. Tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể với cả hai giới trong năm thứ hai cuộc đời kéo theo áp lực phát ra tín hiệu đặc biệt trên giảm.
Ông Oller cho biết kế hoạch tiếp theo của mình là nghiên cứu cách người chăm sóc phản ứng khi trẻ em trò chuyện./.