Không phải bị hại, con trai bà Hằng có được tố cáo ông Dũng 'Lò Vôi'?

Pháp luật - Ngày đăng : 19:07, 31/05/2023

Theo luật sư, mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm, bất kể người đó có phải là bị hại hay không. Việc ông Tuấn tố giác cha dượng hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa tiếp nhận từ Bộ Công an đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng), tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò Vôi") về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo nội dung tố giác, ông Tuấn cho rằng cha dượng là người ủng hộ tinh thần, thúc giục bà Phương Hằng moi móc việc làm từ thiện của người khác ra để livestream. Theo con trai bà Hằng, vụ án của mẹ mình đã trải qua hơn một năm với nhiều kết luận điều tra nhưng vẫn bỏ lọt ông Dũng.

Người này cho rằng hành vi của ông Dũng đã rõ ràng khi lấy tên các cá nhân đặt cho gia súc là chó, ngựa đua và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ, xử lý sai phạm của ông Dũng.

Độc giả Dân trí đặt vấn đề rằng trong trường hợp này, không phải là bị hại, con trai bà Phương Hằng có được quyền tố cáo ông Dũng "Lò Vôi"?

Không phải bị hại, con trai bà Hằng có được tố cáo ông Dũng

Bà Nguyễn Phương Hằng (Ảnh: Chụp màn hình trước khi bà Hằng bị bắt).

Viện dẫn quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, luật sư Lưu Kiều Trang - Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Bất kỳ công dân nào khi phát hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, xâm phạm tới các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân hay người khác đều có quyền làm đơn tố giác gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ hợp pháp của công dân.

Con trai bà Phương Hằng có quyền độc lập tố giác cha dượng!

Theo luật sư Trang, pháp luật Việt Nam không giới hạn việc người dân được tố giác tội phạm chỉ trong trường hợp hành vi đó xâm phạm tới quyền lợi của bản thân. Bất kỳ ai, dù là người bị hại, người bị buộc tội hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan, đều có thể tố giác tội phạm nếu họ biết về hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật đó.

Tố giác tội phạm là cách để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng cũng như sự an toàn của bản thân mỗi người và cộng đồng.

Đối với trường hợp này, luật sư khẳng định ông Tuấn hoàn toàn có quyền độc lập tố giác cha dượng là ông Huỳnh Uy Dũng nếu có đủ căn cứ thể hiện dấu hiệu phạm tội của người này. Việc tố giác là đúng quy định của pháp luật, còn việc phân loại và giải quyết sẽ được cơ quan có thẩm quyền, mà cụ thể ở đây là Cơ quan CSĐT Công an TPHCM phân loại, thụ lý, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Do ông Tuấn là người đã trưởng thành và có đầy đủ năng lực hành vi, người này sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố giác. Nếu trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra phát hiện có việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ của hành vi đó, người tố giác có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống.

Về nhóm tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nữ luật sư cho biết, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong số các tội mà cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại không có tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, bất kể việc bà Phương Hằng hay ông Tuấn có đơn tố giác tội phạm đối với ông Dũng hay không, cơ quan công an vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Đối với quyền lợi của bà Phương Hằng khi bị tạm giam, luật sư Trang cho biết theo pháp luật Việt Nam, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án. Do đó, dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội nêu trên, người bị tạm giam trong trường hợp này là bà Hằng sẽ chưa được coi là có tội và được hưởng các quyền, lợi ích cơ bản của công dân.

"Theo Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, người bị tạm giam vẫn có các quyền như được bảo vệ an toàn về tính mạng, thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm; được thực hiện quyền bầu cử, bỏ phiếu trưng cầu ý dân; được gặp thân nhân, người bào chữa; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự, được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, dù bị tạm giam nhưng bà Phương Hằng vẫn có quyền tố giác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội của người khác. Việc thực hiện tố giác sẽ tiến hành bình thường theo quy định của pháp luật về tố giác tội phạm", luật sư Kiều Trang phân tích.