Cần Thơ phát triển du lịch gắn với lợi thế nông nghiệp văn hóa, làng nghề
Du lịch online - Ngày đăng : 15:06, 31/05/2023
Tam Giác Mach Farm nằm ở quận Cái Răng,gần trung tâm thành phố Cần Thơ.Ảnh: luhanhvietnam.com.vn
Theo đó, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...
Để đạt được mục tiêu, thành phố Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc đặc trưng của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.
Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và phát triển với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.
Những đóa tam giác mạch trăng trắng, hồng hồng cực xinh ở Tam Giác Mạch Farm Cần Thơ. Ảnh: luhanhvietnam.com.vn
Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng OCOP địa phương để đảm bảo kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố Cần Thơ và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát triển...
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy, Cần Thơ có nhiều tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên như: có hơn 60% diện tích vùng nông thôn được bao quanh bởi nhiều sông, rạch nên có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt là kết hợp để phát triển du lịch sông nước. Trên địa bàn thành phố đã phát triển nhiều điểm nhà vườn làm du lịch ở các quận huyện như: Tam giác mạch farm (quận Cái Răng), Cồn Sơn (quận Bình Thủy) làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt),...
Thành phố có trên 35 khu điểm du lịch; khoảng 30 homestay; 2 điểm du lịch cộng đồng (cồn Sơn, cù lao Tân Lộc). Điểm nổi bật của Cần Thơ là một đô thị ven sông với tổng chiều dài 65km sông Hậu chảy qua. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc với hơn 158 sông rạch lớn nhỏ có vai trò quan trọng đối với nông dân trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới giao thông thủy, điều hòa nhiệt độ và đặc biệt là tạo nên nét đặc sắc, đặc trưng cho cảnh quan của thành phố. Đó là cảnh quan đô thị sông nước với sự đan xen kết hợp giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa những khu đô thị trung tâm thương mại với những vùng sản xuất nông nghiệp được kết nối với nhau bằng những dòng sông.
Cảnh quan thiên nhiên của thành phố Cần Thơ được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao. Thành phố Cần Thơ từng được vinh danh cảnh quan đô thị châu Á vào năm 2016.
Với lợi thế về diện tích đất nông nghiệp và những vườn cây ăn trái được phù sa sông Hậu bồi đắp, Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động nông thôn; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, gia tăng các trải nghiệm của du khách. Từ đó, nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch Cần Thơ.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp không nhỏ và tổng doanh thu của ngành du lịch thành phố. Để du lịch nông nghiệp phát triển bài bản, bền vững, bà Đào Thị Thanh Thúy cho biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án là khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên nông nghiệp, hướng dẫn các hoạt động triển khai cụ thể, giúp nâng cao sức cạnh tranh của loại hình du lịch nông nghiệp. Từ đó, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành du lịch.
Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% điểm du lịch nông nghiệp được số hóa; 100% điểm đến du lịch nông nghiệp được giới thiệu, quảng bá; 70% lực lượng lao động du lịch nông nghiệp được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng sáng tạo phục vụ khách du lịch....
Cần Thơ dự kiến đến năm 2025 sẽ thu hút khoảng 1,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch nông nghiệp với doanh thu khoảng 910 tỷ đồng; đến năm 2030, thu hút 2,4 triệu lượt khách và đạt doanh thu 1.920 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu Cần Thơ đã xây dựng Kế hoạch Phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp thành phố Cần Thơ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có kiến thức sâu rộng về văn hóa bản địa, về nông nghiệp và có khả năng thuyết minh nhiều thứ tiếng; tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức vận hành quản lý và phát triển mô hình vườn du lịch nông nghiệp bền vững cho chủ nhà vườn và người lao động.
Thu Hiền