Quốc hội tranh luận nảy lửa về thực trạng 'cán bộ sợ sai, không dám làm gì'
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:44, 31/05/2023
Xuất phát từ phần thảo luận của đại biểu tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn về thực trạng một bộ phận cán bộ công chức có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và sợ sai, nhiều tấm biển tranh luận lần lượt được giơ lên trong hội trường Diên Hồng. Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5 dần nóng lên xung quanh câu chuyện này.
Vòng luẩn quẩn
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tranh luận với ông Trần Quốc Tuấn về hai nhóm cán bộ sợ sai, điển hình là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Theo ông Hậu, nhận định này đúng nhưng "không chỉ như vậy".
Bởi khi thực thi công vụ mà có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp, chắc chắn phần đông cán bộ sẽ nỗ lực làm tốt hơn mà "chẳng có gì phải sợ". Nhưng thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, đại biểu Hậu cho rằng cán bộ phải quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên không ít thì nhiều, sẽ vi phạm các quy định.
Cùng vì vậy, vị đại biểu cho rằng việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm trở thành việc rất khó khăn, thậm chí bất khả thi bởi bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Và khi ấy, lại cần cơ chế bảo vệ người bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Theo ông Hậu, cái vướng hiện nay do sự chưa phù hợp, mâu thuẫn của các luật hiện hành.
Thực tế này đang tạo ra vòng luẩn quẩn cấp dưới đã được cấp trên chỉ đạo nhưng vẫn hỏi xin ý kiến cấp trên rồi mới dám làm.
Việc xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cũng đang đi theo vòng luẩn quẩn này, theo đại biểu tỉnh Tây Ninh.
Bởi Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 của về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 cũng yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 đã giao Bộ Nội vụ khẩn trương tham mưu thể chế hóa việc này, song đến nay, Bộ Nội vụ vẫn thấy vướng nhiều quy định sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến.
Bộ Nội vụ đang tham mưu, báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, sau đó Thủ tướng ban hành nghị định.
Từ câu chuyện thực tế ấy, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh cần làm sao để cán bộ các cấp không phải "dám nghĩ, dám làm", mà chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo", thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất.
"Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn", ông Hậu cho rằng hiện nay, việc những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra đang quá khó khăn.
"Cái đúng đi với cái đúng phải đem đến sự thông thoáng, giúp đất nước phát triển, không thể dẫn đến sự trì trệ, làm nghèo đất nước", đại biểu Hậu nêu quan điểm.
Nguồn cảm hứng phá rào, tự cởi trói đến nay đã không còn
Tiếp tục giơ biển xin tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm đã có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn.
Nguyên nhân, theo ông Tám, do một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Ông Tám đề nghị rà soát, xác định rõ tỷ lệ cán bộ này là bao nhiêu để có giải pháp xử lý.
Hơn nữa, ngoài cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, ông Tám để nghị cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
"Yêu cầu của sự phát triển ở mỗi giai đoạn có tính kế thừa, nhưng cũng có tính riêng biệt. Nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70 hay tinh thần tự cởi trói trước đổi mới nay đã không còn. Vì thế, trong điều kiện hiện nay rất cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", ông Tám nêu quan điểm.
Cũng dùng quyền tranh luận để thể hiện quan điểm về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) nhấn mạnh cần "bắt đúng bệnh" thực trạng cán bộ sợ sai.
Dẫn câu chuyện đầu tư công, ông cho biết Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, Thủ tướng đã phân cấp, phân quyền và ban hành 2 công điện chấn chỉnh, nhưng "vẫn không được".
Vấn đề chính ở đây, theo ông Hạ, chính là trách nhiệm của người đứng đầu. "Phải tổng kết xem xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho đứng sang một bên khi không làm được việc", ông Hạ đề nghị xử nghiêm trách nhiệm trong câu chuyện này.