Hóa đơn tiền điện cao kỷ lục: Thợ sửa điều hòa chỉ sai lầm nhiều người mắc
Gia đình - Ngày đăng : 14:00, 30/05/2023
"Sốc" với hóa đơn tiền điện
Nhận hóa đơn tiền điện tháng vừa rồi, anh Nam Trung (30 tuổi, quận Hoàng Mai) "sốc" khi chi phí tăng gấp đôi, dù Hà Nội chưa bước vào cao điểm nắng nóng. Khoản tiền 2 triệu đồng được xem là "cao kỷ lục" đối với gia đình bốn thành viên.
Nhà anh Trung lắp hai điều hòa dòng Inverter (tiết kiệm điện) công suất 9.000BTU và 24.000BTU tại hai phòng ngủ. Ngày thường, họ chủ yếu sử dụng điều hòa vào buổi tối, từ 22h đến 7h hôm sau. Cuối tuần, khi các thành viên ở nhà đầy đủ, hai chiếc máy gần như hoạt động hết công suất, đặc biệt giờ trưa.
"Đợt rồi nhiều ngày Hà Nội trên 40 độ C, chúng tôi thoải mái sử dụng điều hòa khiến mức điện tiêu thụ tăng vọt", anh Trung cho hay.
Điều hòa có thể chiếm tới 60 - 65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình (Ảnh minh họa: M.N.).
Chị Minh Hiền (29 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cũng "choáng" khi điện thoại thông báo tiền điện hơn 1,2 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với tháng trước.
Tra cứu ứng dụng quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện trong nhà, chị phát hiện công suất điện chiếm nhiều nhất là điều hòa.
"Phòng ngủ của tôi chỉ khoảng 15m2. Tôi thường bật điều hòa đến khi phòng mát thì tắt, khi nào nóng lại bật tiếp", chị nói, không biết rằng đây chính là nguyên nhân khiến tiền điện "tăng không phanh".
Sống một mình, lại không có nhiều kỹ năng về điện lạnh, cô gái thừa nhận không vệ sinh điều hòa định kỳ. Tuần trước, thiết bị không mát, chị gọi thợ đến kiểm tra mới tá hỏa bên trong tràn ngập bụi bẩn. Việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa đã gây lãng phí điện năng, giảm hiệu quả làm lạnh từ 10 đến 15%.
Sau khi thợ bơm gas, vệ sinh cục nóng và dàn lạnh, điều hòa hoạt động bình thường trở lại. Chị nói một triệu đồng bảo dưỡng là chi phí của "sự thiếu hiểu biết".
Tiền điện tháng 5 của chị Hiền tăng 400.000 đồng so với tháng trước (Ảnh: NVCC).
Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), điện năng tiêu thụ của điều hòa có thể chiếm tới 60 - 65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.
Để tiết kiệm, cơ quan này nhiều lần khuyến cáo người dân bật điều hòa ở mức nhiệt từ 26 độ C trở lên. Nếu nhiệt độ cài đặt trong phòng để thấp xuống 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5 đến 3%. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà còn tốn điện, giảm tuổi thọ của máy và không đảm bảo sức khỏe.
"Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn", EVN Hà Nội cho biết.
Những sai lầm khi dùng điều hòa gây tốn điện
Anh Phan Tuấn (43 tuổi, chủ một cửa hàng sửa chữa điện lạnh) cho biết nhiều khách hàng có những suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng về việc "dùng điều hòa tiết kiệm điện".
"Họ cho rằng đã biết cách dùng điều hòa thông minh và tiết kiệm, nhưng thực ra vừa gây hại sức khỏe vừa tốn tiền điện", anh Tuấn nói.
Anh chỉ ra một số sai lầm cơ bản để người dùng cần tránh:
1. Mua điều hòa đã quá cũ để tiết kiệm chi phí:
Nhiều người chọn phương án mua điều hòa cũ để tiết kiệm chi phí, mà không biết rằng hiệu suất làm mát không cao do động cơ yếu, sẽ tiêu hao lượng điện lớn.
Chưa kể máy dễ hỏng hóc, trục trặc, cần được bảo trì liên tục. Chi phí của khoản này cũng không phải là nhỏ.
2. Bật/tắt liên tục:
Một số người có thói quen bật điều hòa đến khi phòng mát thì tắt, khi nào nóng lại bật tiếp. Mục đích của việc này là để tiết kiệm điện, nhưng lại khiến hóa đơn tiền điện mỗi tháng tăng lên nhiều lần.
Khi bật điều hòa, máy cần tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện một loạt tác vụ, như khởi động máy nén, động cơ quạt và làm mát không khí đến nhiệt độ yêu cầu. Việc bật/tắt nhiều lần khiến quá trình này lặp đi lặp lại, gây tốn điện hơn, thậm chí khiến cục nóng lẫn dàn lạnh kém bền.
Thợ bảo dưỡng, bảo trì định kỳ điều hòa (Ảnh minh họa).
3. Tăng/giảm nhiệt độ liên tục:
Khi nhiệt độ phòng đã hạ thấp, người dùng nghĩ rằng tăng nhiệt độ lên để máy tạm thời ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết điều hòa hiện nay có hệ thống cảm biến để duy trì mức nhiệt độ ổn định nên thao tác chỉnh tay có thể khiến quá trình vận hành thông thường của máy đảo lộn, giảm độ bền và gây tốn điện.
4. Bật nhiệt độ thấp nhất ngay khi vào phòng:
Có người muốn phòng mát nhanh nên đã hạ nhiệt độ xuống thấp nhất (khoảng 16 - 18 độ C) khiến thiết bị phải vận hành hết công suất nên gây tốn điện và nhanh hỏng.
Việc hạ thấp nhiệt độ nhanh cũng khiến người sử dụng sốc nhiệt. Các chuyên gia khuyến cáo nên bật máy lạnh ở nhiệt độ khoảng 26 độ C trở lên.
5. Bật điều hòa liên tục trong ngày:
Thói quen bật điều hòa liên tục trong ngày là nguyên nhân chính dẫn đến hao phí điện năng và làm giảm đáng kể tuổi thọ của máy vì phải hoạt động trong suốt khoảng thời gian dài. Người dùng không nên bật máy lạnh vào những thời điểm không quá nóng trong ngày.
6. Không bật thêm quạt cây/ quạt trần:
Nhiều người không bao giờ dùng điều hòa và quạt điện cùng lúc, vì cho rằng gây lãng phí điện.
Trên thực tế, hai thiết bị này hoạt động bổ trợ lẫn nhau, giúp luồng khí lưu thông tới toàn bộ phòng nhanh hơn, giảm bớt công suất và tần suất làm việc của điều hòa, từ đó tiết kiệm điện.
7. Không vệ sinh điều hòa định kỳ:
Nếu bụi bẩn lọt vào, khả năng làm mát của điều hòa sẽ giảm và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Trên dàn lạnh, bụi bẩn sẽ ngăn điều hòa thổi khí lạnh vào phòng. Ở cục nóng, bụi khiến quạt tắc nghẽn, không thể thông gió, từ đó gây hỏng hóc, cháy nổ.
Do đó, để đảm bảo điều hòa cung cấp đủ nhiệt độ, người dùng cần thường xuyên vệ sinh cho cả cục nóng và dàn lạnh.
"Người dân nên vệ sinh điều hòa định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần để tránh mảng bám, bụi bẩn dính vào thiết bị, gây tốn điện", anh Tuấn nói.
Theo Dân Trí