Muốn con thành công, cha mẹ phải cho con trải qua 3 loại cay đắng
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:45, 29/05/2023
Đại bàng mẹ vì muốn dạy cho đại bàng con tập bay, đã đưa con lên đỉnh một vách đá cao, rồi bất ngờ thả ra để đại bàng con rơi xuống vực. Vì để sống sót, đại bàng con ra sức vỗ đôi cánh non nớt của mình. Và cuối cùng, một giây trước khi rơi xuống đáy vực, nó đã thành công cất cánh bay ngược trở lên.
Con người chúng ta cũng giống như vậy.
Cha mẹ thật sự yêu con nên tính toán lâu dài, để trẻ sau khi rời xa sự che chở vẫn có thể sống tốt. Nếu trẻ luôn phải dựa dẫm vào người khác sẽ không tránh khỏi vất vả đau khổ, chẳng hạn như bị lừa dối, bị ức hiếp, bị coi thường,...
Ảnh minh họa
Nhà văn Turgenev (Nga) từng nói: "Bạn có muốn trở thành một người hạnh phúc không? Nếu vậy, trước hết, chúng ta phải học cách chịu đựng gian khổ".
Cha mẹ nhìn xa trông rộng, dù thương con đến mấy, cũng sẵn sàng để con chịu 3 loại cay đắng này:
1. "Nỗi cay đắng" của sự độc lập
Từng có một câu chuyện được chia sẻ rộng rãi thế này: Một du học sinh lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, muốn làm món trứng bác cà chua để chiêu đãi các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, cậu ấy không biết đánh trứng, cắt cà chua, không biết cho trứng hay cà chua vào trước. Vì vậy, cậu đã nhờ mẹ giúp đỡ. Người mẹ cách xa nửa vòng trái đất vội vàng gọi điện bày con từng bước, nhưng con vẫn không thể làm theo. Cuối cùng, chị phải vừa làm vừa gọi video để con thực hành cùng lúc.
Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của mẹ, cậu cuối cùng đã hoàn thành món ăn, được các bạn cùng lớp khen ngợi. Mãi đến cuối video, cậu bé mới biết vì lệch múi giờ, người mẹ phải dậy từ 4h sáng để chỉ cho cậu cách làm món ăn.
Một số người cảm thấy xót xa cho người mẹ trong đoạn video. Rõ ràng chị rất thương con nhưng cũng phải thừa nhận rằng, chính chị là người đã gây ra tình cảnh hiện tại. Khi ở bên con, chị không dạy con cách sống tự lập. Khi ở xa mẹ, tình cảnh này xảy ra cũng rất dễ hiểu.
Cha mẹ yêu thương con cái thường nói: "Con chỉ cần học hành, còn lại không cần lo". Nhưng họ có thể nuôi con cả đời không? Nếu không, tốt hơn hết hãy buông bỏ và dạy con tính tự lập để con có đủ khả năng và dũng khí đối mặt với thế giới một mình. Cho dù một ngày nào đó mất đi chỗ dựa vững chắc, đứa trẻ vẫn có thể tiếp tục bước tiếp trên con đường đời.
2. "Nỗi cay đắng" của việc đọc sách
Khi còn trẻ, nhiều người luôn cảm thấy đọc sách là điều khó nhất trên đời, sau khi dần dần bước qua lứa tuổi đó, họ mới nhận ra rằng đọc sách là điều tốt nhất. Khi đọc sách, con bạn sẽ được biết đến rất nhiều chủ đề, văn hóa và những ý tưởng. Trẻ sẽ nhận ra có bao nhiêu kiến thức ngoài kia đang chờ mình khám phá, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về các chủ đề mà trẻ quan tâm nhất.
Theo các chuyên gia, cha mẹ tốt nhất nên dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách hay kể chuyện cho trẻ. Thời gian nên dựa trên tâm trạng hứng thú của trẻ. Sau đó, từ từ trẻ sẽ tạo thói quen tự đọc.
Trẻ con ít suy nghĩ, nhưng cha mẹ là người từng trải. Khi đứa trẻ muốn lười biếng, hãy tạo động lực cho con; khi con muốn từ bỏ, hãy khuyến khích. Một ngày nào đó, trẻ sẽ biết ơn những vất vả mà mình đã chịu đựng để học tập ngày hôm nay.
3. "Nỗi cay đắng" khi chịu khó khăn trong cuộc sống
Đạo diễn Khương Văn (Trung Quốc) từng dành cả năm để đưa hai con trai 6 tuổi và 4 tuổi đến Aksu, Tân Cương để huấn luyện. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở khu vực Aksu là rất lớn. 6h30 sáng thời tiết vô cùng lạnh, Khương Văn đánh thức lũ trẻ và kéo chúng chạy, đến khi học xong chúng mới được về nhà.
Con trai không thích uống sữa cừu, ông cũng không chiều theo chúng. Thức ăn mỗi ngày đều theo ẩm thực vùng miền ở đây, dần đần hai con trai của ông từ việc không quen đã thích nghi hơn với cuộc sống nơi này. Khương Văn cho biết những đứa trẻ đã lớn từ "mầm đậu" thành "thủy tùng ".
Khi vợ của ông, Chu Vận đến thăm, da của những đứa con không những khô ráp mà còn đỏ ửng từng mảng. Nhưng điều rõ ràng có thể nhận thấy là kỹ năng sống của các con được nâng cao rất nhiều, biết tự thu dọn phòng, còn có thể giúp đỡ bố dọn dẹp vệ sinh. Vị đạo diễn nói, thứ trẻ con bây giờ thiếu không phải là thực phẩm dinh dưỡng mà là khả năng chịu đựng khó khăn trong cuộc sống.
Chịu đựng gian khổ không phải để chiến thắng người khác, mà là để hiểu được thực tế của cuộc đời. Những đứa trẻ chịu đựng khó khăn biết rằng cuộc sống không hề dễ dàng, và mỗi bữa ăn đều khó giành được. Ấn tượng về cuộc sống của các em không còn giới hạn ở những câu chuyện "mồ hôi thấm đất, chắt chiu từng hạt" trong sách giáo khoa, mà thực tế là dựa trên trải nghiệm hiện tại.
Những đứa con đã chịu gian khổ càng trân trọng cuộc sống hiện tại hơn. Các em biết báo ơn, thấu hiểu hơn những khó khăn của cha mẹ, ngoan cường hơn, khi gặp khó khăn cũng mạnh mẽ hơn các bạn cùng trang lứa.
Hãy dạy chúng những khó khăn trong cuộc sống, để chúng biết trân trọng những thăng trầm của cuộc đời, để chúng tự nhiên hiểu rằng mọi thứ đều không phải tự nhiên mà có. Khó khăn mà chúng ta chịu đựng hôm nay sẽ mở đường cho một ngày mai tốt đẹp hơn.
Đừng để con bạn lựa chọn an nhàn ở cái tuổi mà chúng phải chịu cực khổ, chỉ có để con chịu khổ, chúng mới có một cuộc đời khác.
Theo PNVN