Tuyển sinh ngành Y có môn Văn: Nhiều bác sĩ phản đối
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:40, 29/05/2023
Mùa tuyển sinh đại học 2023 gây tranh cãi khi 4 trường đại học công bố đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. Cụ thể, trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) năm 2023 có 3 tổ hợp truyền thống A00, B00 và D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh).
Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y khoa. Trường Đại học Duy Tân cũng xét tuyển ngành Y bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08.
'Tuyển sinh bằng mọi giá'
"Ai dám khẳng định bác sĩ giỏi Văn thì y đức tốt", tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Hương, Đại học Y Dược TP.HCM đặt câu hỏi trước ý kiến cho rằng tuyển sinh ngành Y bằng môn Văn giúp bác sĩ sau này nhân văn hơn, giao tiếp tốt hơn và nâng cao y đức.
Theo tiến sĩ Hương, các trường đưa môn Văn vào xét tuyển là bất hợp lý vì con người có 2 thiên hướng chính giỏi khoa học tự nhiên hoặc giỏi khoa học xã hội. Người giỏi cả hai khá ít, huống chi đây là tuyển sinh đại trà. Đưa môn tiếng Anh, Vật lý vào cùng tổ hợp Toán - Sinh hoặc Hoá - Sinh để tuyển sinh ngành Y khoa còn tạm chấp nhận được.
Nếu lo ngại các y bác sĩ sau này không có y đức, khả năng diễn đạt kém thì có thể bổ sung kỹ năng này lồng ghép vào các tiết ở bậc đại học, hoặc một yếu tố trong quá trình khi chứng chỉ hành nghề. "Thế nhưng những lo ngại này chỉ là lý do để bao biện cho hành động bất chấp tuyển sinh của một số trường", vị này thẳng thắn nói.
Việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển khiến dư luận tranh cãi. TS Huỳnh Thanh Phát, Đại học Y Dược Huế thẳng thắn, việc các trường bổ sung môn Văn vào xét tuyển ngành Y không có ý nghĩa thực sự, mà đơn thuần muốn gia tăng cạnh tranh, thu hút thí sinh "bằng mọi giá". Tổ hợp tuyển sinh lạ trên chỉ xuất hiện ở các trường tư, trường khó tuyển sinh, những trường đại học lớn trong khối ngành Y Dược không thực hiện điều phi lý này.
Nhiều trường tuyển sinh và đạo tạo sinh viên không đến đầu đến đũa, khiến cho căn cứ tuyển sinh y khoa bị lệch lạc. Từ đó dẫn tới nguy cơ chất lượng đào tạo giảm, về lâu dài nguy hiểm tính mạng con người.
Ở các nước trên thế giới, việc tuyển sinh ngành Y khoa rất nghiêm ngặt, yêu cầu sinh viên có kiến thức về khoa học tự nhiên xuất sắc, lòng yêu nghề và sự đam mê nghiên cứu thực thụ. Trong quá trình tuyển, các trường thường yêu cầu thêm thí sinh viết bài luận để đánh giá khả năng ngôn ngữ và diễn đạt.
Dù vậy, đây cũng là tiêu chí phụ, chiếm trọng số điểm không quá 20% so với các phần kiến thức, kỹ năng khác. Do đó, các trường ở Việt Nam nên học tập mô bình tuyển sinh này thay vì đưa môn Văn vào xét tuyển chính.
GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương khẳng định, đào tạo Y khoa là vấn đề quan trọng do vậy bất kỳ sự thay đổi nào trong phương án tuyển sinh cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động.
“Khi đưa môn Văn vào xét tuyển phải được sự đánh giá của các nhà khoa học, nhất là khoa học ngành Y. Sau đó cần văn bản hợp pháp hóa chứ không phải mỗi trường tuyển sinh một cách, mỗi năm thay đổi một kiểu", GS Nguyễn Anh Trí nói.
Nhìn lại quá trình đào tạo ngành Y, GS Nguyễn Anh Trí cho biết, các môn quan trọng để làm căn cứ tuyển sinh ngành Y là Toán, Hóa, Sinh. Nếu cần có sự đổi mới trong xét tuyển đầu vào phải dựa trên căn cứ khoa học.
Bày tỏ quan điểm phản đối xét tuyển ngành Y có môn Văn, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM nêu tố chất quan trọng nhất của người học y là sự chính xác, logic, bên cạnh nền tảng kiến thức Sinh học tốt.
Lòng trắc ẩn, sẻ chia là kết quả của quá trình giáo dục lâu dài từ nhà trường, gia đình, xã hội chứ không phải ai giỏi Văn thì thương người hơn.
Nhiều chuyên gia phản đối việc các trường tuyển sinh khối ngành Y có môn Văn. (Ảnh minh hoạ)
Trách nhiệm thuộc đơn vị nào?
Ngày 28/5, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường. Trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, Vụ trưởng cũng nhấn mạnh, trong vấn đề tuyển sinh và đào tạo ngành Y, vai trò của Bộ Y tế đặc biệt quan trọng. Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Y. Trong đó, phải đảm bảo không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo cần xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Khi quy định về chuẩn đầu vào, Bộ Y tế cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
Trong khi đó, đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế lại cho rằng, về mặt quản lý, Bộ GD&ĐT là đầu mối về giáo dục đại học, bao gồm cả đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, đầu ra mà chỉ đưa ra các tiêu chuẩn làm cơ sở xây dựng và phát triển chuẩn chương trình đào tạo. Ngoài ra, Bộ này kiểm tra, rà soát việc đảm bảo các yêu cầu trong thực hành ở các trường Y.
Theo ông Long, lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác. Do đó những môn Toán, Sinh, Hoá rất quan trọng và cần thiết với lĩnh vực sức khỏe.
Đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cũng lưu ý các trường cần cân nhắc đến quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023. Theo Luật này, để được cấp giấy phép hành nghề, sinh viên tốt nghiệp phải trải qua bài thi trắc nghiệm trên máy tính của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đặc biệt các trường cần có trách nhiệm trong tuyển sinh, đào tạo, đừng để các em mất công học 6 năm nhưng ra trường với kiến thức và kỹ năng không đảm bảo, không qua được kỳ thi.
Như vậy, khi cả hai Bộ cùng lên tiếng thì giới chuyên môn, dư luận xã hội vẫn không hình dung được trách nhiệm quản lý việc các trường tuyển sinh ngành Y bằng tổ hợp lạ thuộc về ai.
Bộ GD&ĐT nên quy định tổ hợp xét tuyển ngành Sức khoẻ
Lãnh đạo một trường đại học khối ngành Y Dược cho biết, hiện quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT ban hành, đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với 2 khối ngành Sư phạm và Sức khoẻ. Để đảm bảo chất lượng đầu vào với hai ngành này, Bộ nên quy định thêm những tổ hợp cứng các trường được phép dùng để tuyển sinh. Ví dụ, ngành Sức khoẻ tuyển sinh bắt buộc có các môn Sinh, Hoá, Toán, điều này giúp giảm tỷ lệ các tổ hợp lạ xét tuyển tràn lan.
Đồng thời, cả Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế nên phối hợp để có giải pháp hợp lý, đừng để người học phải mất thời gian 6 năm trải nghiệm oan uổng, xa hơn là tính mạng con người, vị này đề xuất.