Bác sĩ sẽ 'xuất khẩu thành thơ để cứu người' khi ngành y xét tuyển môn văn?

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:46, 28/05/2023

Câu chuyện "hot" được tranh luận tuần qua là việc nhiều đại học tuyển sinh ngành y bằng tổ hợp có môn ngữ văn đang nhận được những ý kiến trái chiều từ xã hội.

Xã hội trăn trở

Tài khoản tên Dương viết bình luận trên báo Dân trí: "Học y cần đầu óc logic rất nhiều, lôi cái tình cảm vào, bác sĩ thấy người bệnh lại xuất khẩu thành thơ để cứu người hay gì?".

Trước đó, có 4 trường đại học ngoài công lập sử dụng môn ngữ văn là 1 trong 3 môn tổ hợp xét tuyển vào ngành y, bao gồm: Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) sử dụng 4 tổ hợp D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh); Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (toán, ngữ văn, sinh học); Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) sử dụng tổ hợp A16 (toán, khoa học tự nhiên, ngữ văn).

Bác sĩ sẽ xuất khẩu thành thơ để cứu người khi ngành y xét tuyển môn văn? - 1

Sinh viên ngành y Trường ĐH Văn Lang trong một tiết học (Ảnh: Website nhà trường).

Sau khi được công bố, thông tin trên đã ngay lập tức gây "sốt" dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều bạn đọc Dân trí đã để lại băn khoăn với sự xuất hiện của môn vào ngành y - ngành được cho là không dành cho "dân khối C".

Bạn đọc Toàn Lê bày tỏ: "Suy cho cùng ngành y không chỉ cần người giỏi mà còn cần người phù hợp. Vâng ông nói rất đúng học kém hóa, sinh mà vào ngành y là không đảm bảo, nghề y mà không giỏi thì bệnh nhân chỉ có chết".

Một bình luận khác đưa băn khoăn: "Thiếu sinh viên phải tuyển ẩu để cho đủ chỉ tiêu, nhưng lại chỉ tìm cách để tăng học phí. Các trường y dược học phí cao, con em nhà có thu nhập từ trung bình khá trở xuống không thể theo học nổi".

Trong khi đó, bạn đọc Tiến Minh viết: "Tôi ủng hộ quan điểm của các trường này. Họ đâu chỉ tuyển mỗi môn văn mà còn tổ hợp nhiều bộ môn khác. Văn học là nhân học. Những người giỏi môn văn thường có trái tim nhân ái. Họ biết rung động trước cái đẹp, biết cảm thông với nỗi khổ của con người và những cái đó rất cần cho một bác sĩ. Đừng cho rằng chỉ có học toán, hóa, sinh mới là giỏi".

Bình luận của bạn đọc Tiến Minh hút nhiều lượt phản hồi.

Còn tài khoản Đỗ Xuân Tuân bình luận: "Ngành y là ngành khoa học thực thế nên cần 1 người thực tế giỏi chuyên môn chứ không phải cần 1 người thấy bệnh nhân là xuất khẩu thành thơ đâu! Còn về đạo đức, lương tâm thì chẳng nhẽ cứ giỏi văn là đạo đức cao, lương tâm cao hay sao? Nghĩ như bạn thì thật tội cho các bệnh nhân sau này".

Nêu suy nghĩ, bạn đọc Minh Việt viết: "Chữa bệnh cần có kiến thức và kinh nghiệm y khoa giỏi, rất tiếc kiến thức y khoa không có môn văn".

Trái ngược với bình luận phản đối, vẫn có những bạn đọc ủng hộ quan điểm này. Bạn đọc Hoàng Trịnh Việt cho rằng: "Thực tế sẽ rất hiếm thí sinh giỏi được cả 3 môn ngữ văn - hóa học - tiếng Anh trong tổ hợp. Tôi cho rằng em nào giỏi được 3 môn này thì là học sinh toàn diện và xứng đáng vào ngành y".

Đồng quan điểm, bạn đọc Quỳnh Văn Hoa chia sẻ: "Mọi người đọc kỹ sẽ thấy tổ hợp có văn, hóa, tiếng Anh. Vậy đâu chỉ có văn mà còn hóa và tiếng Anh mà".

Thông tin mới nhất tuyển sinh vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2023 là đơn vị này bổ sung điểm thi tốt nghiệp THPT môn vào tiêu chí phụ. Cụ thể, trường xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở tổ hợp môn B00 (toán, hóa, sinh) cho tất cả các ngành.

Cùng với đó, đơn vị này đưa ra 3 tiêu chuẩn phụ được dùng để xét trong trường hợp các thí sinh có tổng điểm xét tuyển bằng nhau. Những tiêu chí phụ này được xem xét theo ưu tiên theo thứ tự sau: điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ năm 2023; điểm trung bình chung lớp 12 THPT; điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm 2023. Như vậy, điểm thi môn ngữ văn được trường xem xét là tiêu chí phụ thứ 3 khi xét thí sinh đồng điểm.

Chuyên gia tranh cãi

Lý giải về việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y, trao đổi với Dân trí, TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang - nói rằng: Người giỏi văn sẽ rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh như y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe, bác sĩ gia đình, tâm lý trị liệu, tâm thần học...

Vị bác sĩ này cho rằng trong tổ hợp D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh), thì ngoài giỏi văn còn học giỏi ngoại ngữ. Những em giỏi ngoại ngữ phải có đầu óc rất tốt, linh hoạt, có khả năng đọc tài liệu nước ngoài.

"Kết hợp lại 3 môn, tổ hợp D12 phản ánh được yêu cầu của ngành trong giai đoạn tới. Bác sĩ không phải lúc nào cũng chỉ biết khám chữa bệnh, mổ xẻ đâu mà còn rất nhiều công việc khác", ông Vĩ nói.

Bác sĩ sẽ xuất khẩu thành thơ để cứu người khi ngành y xét tuyển môn văn? - 2

Một tiết học của sinh viên ngành y tại Trường ĐH Duy Tân (Ảnh: Website nhà trường).

Một phó trưởng khoa thuộc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển nhóm ngành y thuộc chủ trương của các trường. Môn văn sẽ giúp việc diễn đạt suy nghĩ của nhân viên y tế một cách tốt hơn và cũng là một kỹ năng cần có ở nhân viên y tế, bác sĩ.

Bộ trưởng Y tế từng ủng hộ dùng môn văn để xét tuyển ngành y

Trong hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường Y Dược Việt Nam ngày 10/10/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, khi Bộ GD&ĐT quy định toán, văn, ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT, các trường y dược cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là: hóa học với ngành dược, sinh học với ngành y.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng sinh viên ngành y cần nền tảng kiến thức cơ bản toàn diện ngoài các môn thi được xác định lâu nay.

Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM - không đồng tình với việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển trong ngành y.

BS Khanh cho rằng, tố chất quan trọng nhất của người học y là sự chính xác, logic. Ông Khanh cho rằng trong 3 môn toán, hóa, sinh, môn nào cũng cần thiết quan trọng.

"Đưa môn văn vào thì bỏ đi môn nào, và thực sự môn văn có cần thiết, có thể thay thế được các môn khác hay không?", BS Khanh đặt câu hỏi.

Còn BS Trần Văn Phúc - Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội - cho rằng, trên thế giới không ở đâu dùng môn ngữ văn làm môn thi vào trường y, mà điều kiện tiên quyết phải là các môn hóa học, sinh học, toán học hay vật lí.

Ông Phúc nhận định bác sĩ dù có thái độ sống tốt, như nói hay, tương tác với bệnh nhân giỏi, hết lòng yêu thương chăm sóc bệnh nhân, nhưng chẩn đoán không đúng bệnh, điều trị sai, thì đó là một bác sĩ có vấn đề nghiêm trọng về y đức.

"Bản thân văn học không thay thế nổi các môn khoa học tự nhiên. Nhưng bác sĩ giỏi các môn hóa, sinh, toán hay vật lí hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thế giới văn học, tức là việc rèn luyện kỹ năng đồng cảm, kỹ năng giao tiếp không phải là vấn đề khó với bác sĩ", BS Trần Văn Phúc nêu.

Rà soát tổng thể tuyển sinh

Sáng 28/5, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT - cho biết trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Bà Thủy cho biết, yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Trường nào mà có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo. Về lâu về dài, chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.

Huyên Nguyễn