Hình ảnh động vật nổi bật: Đụng nhầm ổ rắn hổ mang khi hái nấm trong rừng

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 07:17, 28/05/2023

Một nhóm người vào rừng để hái nấm đã kinh hãi khi đụng nhầm một ổ rắn hổ mang cực độc gồm hàng chục con, may mắn không có ai bị cắn. Đó là một trong những hình ảnh động vật nổi bật tuần qua.

Đụng nhầm ổ rắn hổ mang khi đi hái nấm trong rừng

Một nhóm người dân khi đi vào rừng để hái nấm sau mưa đã vô tình đụng nhầm một ổ rắn hổ mang. Hàng chục con rắn hổ mang non chui ra từ trong ổ, ngóc đầu và bành mang đầy đe dọa. Dường như đây là những con rắn non mới nở.

Những cá thể rắn trong đoạn clip là rắn hổ mèo, hay còn gọi là hổ mang Xiêm, hổ mang phun nọc Đông Dương… là loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người. Ngoài khả năng cắn để truyền nọc độc, loài rắn này còn có thể phun nọc độc để tấn công kẻ thù từ xa.

Khi bị rắn hổ mèo phun nọc độc trúng mắt, nạn nhân sẽ có cảm giác đau đớn, mù tạm thời và nếu không được sơ cứu kịp thời có thể gây hỏng mắt. Ngoài ra, nếu nọc độc bị phun trúng vết thương hở sẽ gây nhiễm độc tương tự như bị rắn cắn trực tiếp.

Rắn hổ mèo mỗi lứa đẻ được từ 13 đến 20 trứng. Trứng sẽ nở sau 48 đến 70 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ của ổ ấp. Rắn non mới nở sở hữu nọc độc nguy hiểm tương đương với rắn trưởng thành, đủ giết chết người lớn sau một phát cắn.

Đoạn clip là lời cảnh báo người dân cần phải cẩn thận khi đi vào những khu vực rừng nhiều lá khô và bụi cỏ rậm rạp, có thể đối mặt với nguy cơ bị rắn độc tấn công bất ngờ.

"Đụng nhầm" ổ rắn hổ mang khi đi hái nấm trong rừng (Video: Facebook).

Linh dương sắp mất mạng trong hàm cá sấu thì vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện

Đoạn clip về một khoảnh khắc kịch tính được du khách ghi lại tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Kruger (Nam Phi), cho thấy một con linh dương đầu bò trong lúc đang uống nước đã bất ngờ bị cá sấu tấn công.

Tưởng chừng như linh dương đã không còn cơ hội nào để sống sót, thì một vị cứu tinh đã bất ngờ xuất hiện giúp linh dương thoát chết.

Trong khi săn mồi, cá sấu đã kéo linh dương xuống nước để kết liễu con mồi được dễ dàng hơn, tuy nhiên, điều này đã khiến những con hà mã đang có mặt dưới sông cảm thấy bị làm phiền. Đàn hà mã lao đến xua đuổi những con cá sấu, tạo cơ hội cho linh dương thoát ra khỏi hàm răng của những kẻ săn mồi.

Trên thực tế, hà mã không hề có ý định cứu mạng linh dương mà chỉ muốn xua đuổi đàn cá sấu ra khỏi lãnh thổ của mình, nhưng điều này đã vô tình biến hà mã thành vị cứu tinh cho linh dương.

Linh dương sau đó đã bơi trở lại vào bờ, nhưng chân sau của con vật đã bị cá sấu cắn gãy. Các chuyên gia động vật tin rằng với tình trạng như vậy, linh dương khó có thể sống sót được lâu trong thế giới tự nhiên.

Linh dương sắp mất mạng trong hàm cá sấu thì vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện (Video: Kruger).

Phản ứng của voi sau khi được giải cứu khỏi hố sâu

Chú voi bị mắc kẹt dưới hố sâu và không thể trèo lên đã được con người sử dụng máy xúc để hỗ trợ. Sau khi đã trèo lên được phía trên, chú voi quay lại và có động tác như thể hiện sự biết ơn với chiếc máy xúc.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chú voi lại đang có ý định tấn công chiếc máy xúc vì nó cảm thấy bị đe dọa, thay vì thể hiện sự biết ơn.

Phản ứng của voi sau khi được cứu thoát khỏi hố sâu (Video: Twitter).

Chó nhà thông minh biết kéo giàn phơi áo quần vào trong khi trời mưa

Khi thấy trời mưa, chú chó đã biết giúp chủ kéo giàn phơi vào phía trong mái hiên để giúp áo quần không bị ướt.

Chó nhà thông minh biết kéo giàn phơi áo quần vào trong khi trời mưa (Video: HKN).

Cá tò mò làm phiền thợ lặn

Con cá bàng chài đầu cừu châu Á bơi lại gần thợ lặn khi thấy người này đang dùng búa để đập vỡ vỏ ốc. Sau khi vỏ ốc bị đập vỡ, thợ lặn đã cho con cá ăn phần thịt ốc ở bên trong.

Cá bàng chài đầu cừu nổi bật với những cục bướu lớn trên đầu, được dùng để thu hút bạn tình, trong đó những con cá trống có bướu càng lớn sẽ càng hấp dẫn bạn tình hơn.

Cá tò mò làm phiền thợ lặn (Video: Reddit).

Cách chiến đấu khác thường của hươu cao cổ

Khi những con hươu cao cổ đánh nhau, chúng sẽ tận dụng tối đa chiếc cổ dài của mình để tấn công đối thủ, cho đến khi một con chấp nhận thất bại và rút lui.

Cách chiến đấu khác thường của hươu cao cổ (Video: Twitter).

Thán phục trước khả năng ngụy trang tài tình của tắc kè

Tắc kè đuôi quỷ Satan được tôn vinh là loài động vật có khả năng ngụy trang giỏi nhất thế giới. Đoạn clip dưới đây đã cho thấy lý do vì sao loài tắc kè này lại nhận được danh hiệu đó.

Thán phục trước khả năng ngụy trang tài tình của tắc kè (Video: Newsflare).

Khỉ may mắn thoát khỏi hàm răng cá sấu

Con khỉ đang bơi dưới nước bất ngờ bị cá sấu lao đến tấn công, cắn chặt vào tay. Khi thấy đồng loại bị cá sấu tấn công, những con khỉ trên bờ đã la hét lớn. Chính sự cổ vũ và những tiếng hét lớn này đã khiến cá sấu phải rút lui, giúp khỉ thoát chết đầy may mắn.

Khỉ may mắn thoát khỏi hàm răng cá sấu (Video: Instagram).

Lực lượng kiểm lâm cưa sừng tê giác để tránh bọn săn trộm

Những con tê giác trưởng thành thường bị những tay săn trộm giết chết để lấy sừng. Nhằm cứu mạng của tê giác, lực lượng kiểm lâm đã chủ động cưa sừng của những con trưởng thành, điều này sẽ khiến những tên săn trộm bỏ qua những con tê giác này.

Lực lượng kiểm lâm cưa sừng tê giác để tránh bọn săn trộm (Video: NDTV).

Nhân viên bảo vệ bị khỉ xông vào cướp đồ ăn

Đang thưởng thức bữa ăn trưa, nhân viên bảo vệ bất ngờ bị một con khỉ lao đến đe dọa để cướp đồ ăn. Trước sự hung hăng của con vật, người này không còn cách nào khác, buộc phải giao lại bữa ăn của mình cho con khỉ.

Nhân viên bảo vệ bị khỉ xông vào cướp đồ ăn (Video: 9gag).

T.Thủy