Đề nghị Quốc hội làm rõ 'ai đang ở trong nhà ở xã hội?'

Nhịp sống - Ngày đăng : 16:50, 27/05/2023

Thực tế có tình trạng nhà ở xã hội ở nơi không có người mua, nhưng cũng có nơi số lượng người tham gia quá đông, cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều dư luận.

Đó là lý do đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) tán thành việc đưa chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết 2023, khi thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, sáng 27/5.

Theo ông Hoàn, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Pháp luật hiện hành cũng quy định nhiều cơ chế, chính sách miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi cùng một số cơ chế tài chính khác để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Đề nghị Quốc hội làm rõ ai đang ở trong nhà ở xã hội? - 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn - Thanh Hóa (Ảnh: Phạm Thắng).

"Việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người thụ hưởng chính sách, còn khoảng cách rất xa với mục tiêu và nhu cầu đề ra", theo lời đại biểu Hoàn.

Ông nêu thực tế có tình trạng nhà ở xã hội ở địa điểm không có người tham gia; trong khi đó có nơi số lượng người tham gia quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều dư luận khác nhau.

Để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu mục đích xã hội, đại biểu Hoàn cho rằng cần định hình rõ cơ chế chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế việc trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị phạm vi giám sát nội dung này cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở. Thời gian giám sát nên bắt đầu từ năm 2006 - thời điểm có hiệu lực Luật Nhà ở 2005, cho đến hết 2023.

Ông Hoàn cũng nêu quan điểm nội dung giám sát cần tập trung rõ và trả lời cụ thể ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được hỗ trợ thế nào; thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thời gian qua như thế nào; mục tiêu, ý nghĩa của chính sách nhà ở xã hội đạt kết quả ra sao…

Có 3 nội dung liên quan đến nhà ở xã hội mà đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ, đó là môi trường, cơ sở vật chất và cơ sở xã hội.

Đề nghị Quốc hội làm rõ ai đang ở trong nhà ở xã hội? - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh - Vĩnh Phúc (Ảnh: Phạm Thắng).

Chung góc nhìn với đại biểu tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đánh giá chuyên đề giám sát về nhà ở xã hội và thị trường bất động sản là hết sức quan trọng, được xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo phân tích của ông Mạnh, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm, cần có giải pháp tháo gỡ. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi có nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ, nhất là vướng mắc về thể chế.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Chuyên đề 1 là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Hoài Thu