Từ vụ ngộ độc botulinum: Đề xuất có dự trữ quốc gia về 'thuốc hiếm'

Nhịp sống - Ngày đăng : 14:10, 26/05/2023

Sau khi "thuốc hiếm" không kịp về để điều trị bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, ĐBQH đề xuất cơ chế dự trữ quốc gia với những loại thuốc chuyên biệt. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối tổng hợp

Trong khoảng 10 ngày nay, 6 người ở TP Thủ Đức, TPHCM bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo, một người nghi do ăn mắm. Dù được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ 6 lọ thuốc hiếm giải độc botulinum và vận chuyển khẩn cấp về Việt Nam, song đã có bệnh nhân không chờ được thuốc vì đã bỏ qua "thời gian vàng".

Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi may mắn được dùng thuốc giải độc và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Những trường hợp còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì không còn thuốc giải độc. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã tài trợ 6 lọ thuốc giải độc nhưng một bệnh nhân đã qua đời trước khi được truyền thuốc giải độc.

Từ vụ ngộ độc botulinum: Đề xuất có dự trữ quốc gia về thuốc hiếm - 1

Thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến Việt Nam đêm 24/5 nhưng không kịp truyền cho các bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).

Trao đổi với PV Báo Dân trí, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhớ lại đây không phải lần đầu tiên thiếu thuốc hiếm, thuốc giải độc mà đây là câu chuyện "triền miên từ trước đến nay".

Nhìn lại nguyên nhân của tình trạng này, bà Lan cho biết những bệnh viện hay tiếp nhận cấp cứu thường dự trù hàng năm về thuốc này nhưng khi mua lại đối diện nguy cơ chậm có cho thủ tục rất phức tạp. Trong khi đó, các doanh nghiệp đứng ra nhập thuốc này cũng không phải vì lợi nhuận, nên khi có bế tắc, khó khăn về thủ tục, doanh nghiệp cũng không có động lực để đấu tranh.

Hơn nữa, khi mua thuốc về, trường hợp may mắn không có bệnh nhân nào phải dùng, thuốc đến hạn phải hủy nhưng đây lại là những loại rất đắt tiền nên có thể còn nhiều băn khoăn trong câu chuyện dự trữ thuốc.

"Giải pháp cho chuyện này một lần và mãi mãi, không để xảy ra vụ việc như pate Minh Chay phải chạy qua Thái Lan mua thuốc, hay như vụ ngộ độc ở Quảng Nam… là phải dự trữ quốc gia về thuốc hiếm ngừa ngộ độc botulinum một số loại khác", đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đề xuất.

Bà kiến nghị Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự phòng ở cả nước, tính xem cần bao nhiêu thuốc để dự trữ trong kho với điều kiện chuyên biệt. "Có thể chỉ cần dự trữ ở Hà Nội và TP HCM thôi, khi xảy ra ở đâu ta sẽ điều chuyển thật gấp. Và ta phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu không có ai bị ngộ độc và không dùng đến thì mừng quá, hủy cũng không nên tiếc tiền", bà Lan nêu quan điểm.

Còn ở góc độ bệnh viện, bà Lan cho rằng rất khó thực hiện cơ chế với những loại thuốc hiếm và có giá hàng nghìn USD như thế này.

Trong khi đó, từ góc độ quốc gia, nếu đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối với thời gian biết trước và số lượng theo từng năm, nhà sản xuất sẽ cân đối được kế hoạch với các quốc gia khác, sản xuất số lượng lớn giá thành rẻ hơn.

Từ vụ ngộ độc botulinum: Đề xuất có dự trữ quốc gia về thuốc hiếm - 2

Các mẫu chả lụa 5 bệnh nhân ăn và mẫu tại cơ sở sản xuất đều có kết quả xét nghiệm âm tính với botulinum (Ảnh minh họa: Trung tâm Y tế TP Thủ Đức).

Lý giải giá thành của những loại thuốc này rất đắt, bà Lan cho biết do sản xuất số lượng hạn chế và không phải lúc nào cũng sử dụng, nên giá cao để bù lại những chi phí rất cao kèm theo. Và hơn nữa, còn do đặc thù chỉ có một nhà cung cấp đối với những loại thuốc này.

"Vì vậy với những loại thuốc hiếm và khó mua, chúng ta phải dự trù trước. Cái này Chính phủ phải có chính sách, chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp đã xảy ra trong quá khứ như hồi xảy ra dịch cúm A, dự trù Tamiflu xong thì Bộ Y tế lại kết luận "lãng phí vì không sử dụng, phải hủy bỏ".

Vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh dự trữ quốc gia bắt buộc khi cần phải có. Và Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì phải có cái nhìn tổng thể hơn, đề xuất được chủ trương để xây dựng hành lang pháp lý để các nơi yên tâm làm.

"Cứ nhìn những trường hợp ngộ độc như vừa rồi, cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải nên các cơ từ từ tê liệt, dẫn tới tê liệt cơ hô hấp rồi tử vong. Với những trường hợp đó, tiền chạy máy thở còn cao gấp nhiều lần so với một liều thuốc giải độc", bà Lan phân tích.

Nói thêm về việc này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu giải pháp đấu thầu tập trung. Ví dụ với các loại thuốc hiếm có quy mô sử dụng rất nhỏ, từng đơn vị cũng không thể mua được nên cần thiết phải đưa về phương thức đầu thầu tập trung.

Theo ông Cường, có những hàng hóa không phải hiếm, khó mua nhưng để từng đơn vị, doanh nghiệp tự làm thủ tục thì rất mất thời gian và họ cũng chưa chắc biết cách làm.

Vì vậy, đấu thầu tập trung chính là cách để tìm một nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng loại hàng hóa này, đồng thời có mức giá phù hợp, được thị trường kiểm chứng, không bị độn giá.

Hoài Thu