Tại sao đạn hợp kim Uranium là vũ khí nguy hiểm?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 17:18, 25/05/2023

Là loại vũ khí chống tăng sử dụng nguyên tắc xuyên phá động hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại, đạn chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên làm từ hợp kim Uranium nén hay DU có lịch sử phát triển lâu đời.

Tuy nhiên, những hệ lụy và ảnh hưởng của vũ khí làm từ kim loại phóng xạ này đối với môi trường và sức khỏe con người đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vũ khí chống tăng hiệu quả

Thực tế, đạn DU được chế tạo dựa trên chất thải của đồng vị phóng xạ Uranium-235 từ quá trình hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân hoặc phụ phẩm của quá trình làm giàu Uranium.

Nhờ có các đặc điểm ưu việt của kim loại tỷ khối lớn, DU được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt trong thành phần của các lớp lá chắn chống bức xạ, giáp bảo vệ gia cường và thanh xuyên của đạn xuyên giáp. Điểm đặc biệt của DU là chúng có tỷ khối và độ đậm đặc chỉ kém một chút so với vàng và vonfram, nhưng lại dễ gia công hơn. Khi được xử lý đặc biệt, các thanh xuyên làm bằng hợp kim DU có khả năng xuyên phá động năng qua các lớp thép dày tốt hơn nhiều so với hợp kim khác có cùng trọng lượng.

Đạn chống tăng dưới cỡ với thanh xuyên làm từ hợp kim Uranium.

Hợp kim DU cũng khá dễ cháy. Khi va chạm với lớp giáp thép xe tăng, thanh xuyên bị ma sát gia nhiệt và sẽ bốc cháy khi phản ứng với oxygen trong không khí. Như vậy, đạn xuyên giáp DU sau khi lọt vào khoang xe sẽ tạo ra các đám cháy kích nổ đạn dược để phá hủy phương tiện. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, đạn pháo tăng DU có hiệu quả xuyên giáp tốt hơn khoảng 20% so với hợp kim siêu cứng vonfram.

Quá trình phát triển đạn pháo tăng DU có lịch sử khá lâu đời. Ngay từ năm 1943, Bộ trưởng Bộ Vũ khí và sản xuất quân sự của phát xít Đức Albert Speer đã đề xuất ý tưởng chế tạo đạn chống tăng làm từ hợp kim này do sự gián đoạn của nguồn quặng wolframite từ Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, ý tưởng về loại vũ khí chống tăng đặc biệt này phải mất nhiều thập kỷ sau trở thành vũ khí thực chiến.

Đạn pháo tăng M829 với lõi xuyên làm từ hợp kim DU.

Trong thập kỷ 1970, cả Liên Xô và Mỹ đều có những dòng đạn pháo tăng sử dụng thành xuyên DU. Công nghệ này được phát triển đồng thời với việc xe tăng chiến đấu chủ lực chuyển sang sử dụng pháo nòng trơn và đạn chống tăng dạng thanh xuyên với cánh ổn định đuôi được đưa vào trang bị phổ biến.

Năm 1979, Mỹ cho ra mắt thế hệ đạn pháo tăng DU đầu tiên cỡ 105mm. Hiệu quả của dòng đạn DU này đã làm giới chức quân sự Mỹ ngạc nhiên. Đạn DU có sơ tốc đầu nòng lên tới 1.670m/giây và khả năng xuyên 540mm thép tiêu chuẩn ở cự ly 2km. Tới năm 1982, Liên Xô cũng có mẫu đạn DU mang tên Nadfil cỡ 115 và 125mm với khả năng xuyên tới 650mm giáp thép. Tuy nhiên, với việc đưa vào hệ thống nạp đạn tự động trên các dòng xe tăng T-72 và T-80, việc sử dụng đạn thanh xuyên DU tại Liên Xô và Nga rất hạn chế.

Xe tăng T-55 của Iraq bị bắn cháy trong chiến dịch Bão táp sa mạc.

“Viên đạn bạc”

Mỹ là quốc gia sử dụng rộng rãi nhất đạn DU trong các cuộc chiến. Trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1, Quân đội Mỹ và liên quân đã sử dụng rộng rãi các loại đạn DU để phá hủy phương tiện tăng thiết giáp Iraq. Ngoài đạn pháo của xe tăng M1 Abrams, đạn DU còn được sử dụng trên máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Chính vì hiệu quả của loại vũ khí này, binh sĩ Mỹ đã đặt biệt danh cho đạn pháo tăng DU là “viên đạn bạc”.

Cùng với đó, đạn DU cũng được Quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi tại Liên bang Nam Tư và Iraq năm 2003. Theo các con số thống kê, có khoảng 15 tấn đạn DU đã được sử dụng trong cuộc không kích Liên bang Nam Tư năm 1999 và khoảng 300.000 cơ số đạn DU được sử dụng tại Iraq. Anh cũng là quốc gia sử dụng rộng rãi đạn pháo tăng DU trên dòng xe tăng Challenger-2.

Xe tăng Challenger-2 tại Kosovo.

Do phần lớn đạn DU là loại đạn dưới cỡ có động năng lớn nên phạm vi phát tán của chúng rất xa. Có thể lấy ví dụ, mỗi viên đạn pháo tăng DU sau khi rời nòng có động năng bay xa tới 30-50km. Chính vì thế việc xác định và thu hồi các loại đạn có khả năng ô nhiễm phóng xạ này rất khó khăn và gần như không được thực hiện.

Tại sao đạn DU lại nguy hiểm với môi trường và con người?

Đánh giá về các hệ lụy ô nhiễm do đạn DU gây ra, chuyên gia về lĩnh vực an toàn sinh-hóa-hạt nhân của Nga, Oleg Zheltonozhko cho biết, đạn DU khi ở dạng nguyên bản thì không có nguy cơ ô nhiễm. Tuy nhiên, khi được sử dụng trong chiến đấu, chúng phát tán một lượng lớn bụi phóng xạ ra môi trường. Chúng sẽ gây ô nhiễm đất, nguồn nước và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Thực tế, cả Anh và Mỹ đều có những khuyến nghị đối với sĩ quan, binh sĩ tiếp xúc với đạn DU. Cả 2 nước này đều cho rằng, mức ảnh hưởng phóng xạ của đạn DU là ở ngưỡng chấp nhận được đối trong quá trình vận chuyển và sử dụng chúng trong chiến đấu.

Tuy nhiên, thực tế tại các khu vực bị ô nhiễm đạn DU đã chứng minh, độc tính của hợp kim này lớn nhiều. Trên cơ thể người, bụi phóng xạ do DU tạo ra có thể tích tụ tại thận và làm suy giảm chức năng của cơ quan này. Các khu vực xác đinh ô nhiễm do đạn DU tại Iraq và Nam Tư đều ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân ung thư, dị tật bẩm sinh cao bất thường.

Mỹ hiện là quốc gia sử dụng rộng rãi các loại đạn DU trong các chiến dịch quân sự.

Giáo sư Velimir Nedeljkovic của Đại học Pristina nhận định, bụi phát sinh từ đạn DU có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở hoặc qua đường hô hấp: “Vấn đề phát sinh khi đạn DU phát nổ vì nó rất độc hại. Trong giới khoa học vẫn chưa có sự đồng thuận về cơ chế hoạt động khi DU xâm nhập vào cơ thể. Nó dễ dàng xâm nhập qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và qua các vết thương hở trên da”.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Lenta, vpk)