Trường nghèo, cán bộ giáo viên máy tính không có, làm sao chuyển đổi số?
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:21, 25/05/2023
Áp lực chuyển đổi số từ Covid-19
Chiều 24/5, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức hội thảo Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp TPHCM với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với chủ trương quyết liệt chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới, xóa bỏ rào cản về không gian, nâng cao hiệu quả giảng dạy và phương thức quản lý hoạt động đào tạo.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Viện trưởng Viện Đại học trực tuyến cho rằng: "Giáo dục từ xa là xu hướng toàn cầu. Nếu chúng ta không khởi động ngay, không bắt kịp xu hướng thì phải rời khỏi cuộc chơi".
Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số của nhà trường, bà Hồ Nguyễn Cúc Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM cho biết, hoạt động này đã manh nha từ lâu nhưng phải đến khi Covid-19 bùng phát thì mới đẩy mạnh quyết liệt.
Theo bà, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, một thời gian dài nhà trường không thể tổ chức dạy học trực tiếp nên các giảng viên phải nghiên cứu dùng các ứng dụng, phần mềm như Zoom, Google meeting để dạy và học trực tuyến. Để tổ chức thi cử, trường phải nghiên cứu quy trình áp dụng làm sao để đảm bảo quá trình thi minh bạch và tính pháp lý của kết quả thi.
"Khi mọi người không ra đường nhưng các thủ tục hành chính như tuyển sinh, xác nhận bằng cấp… vẫn phải thực hiện. Nhà trường phải nghiên cứu các quy trình làm việc trực tuyến để vừa thực hiện nhanh chóng cho sinh viên, vừa đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động hành chính", bà Hồ Nguyễn Cúc Phương cho biết.
Theo Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, từ tình thế bắt buộc đó, tập thể nhà trường đã từng bước chuyển đổi trong tư duy làm việc; thay đổi phương pháp, quy trình, cách thức làm việc để phù hợp trước bối cảnh mới. Đặc biệt, mỗi người đã dần nhận ra được sự cần thiết của việc chuyển đổi số và giải pháp chuyển đổi số tại vị trí công việc của mình.
Khác với Cao đẳng Kinh tế TPHCM, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM kết hợp với một đơn vị công nghệ để thực hiện chương trình chuyển đổi số của nhà trường.
Ông Lâm Văn Thi, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho biết nhà trường đã thành lập bộ máy quản trị về chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chung cho toàn trường với các bước bài bản như: xây dựng chiến lược chuyển đổi số; xác định đối tượng khách hàng; ứng dụng công nghệ; phương pháp vận hành; xây dựng dữ liệu…
Mục tiêu của Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM là đến năm 2030 sẽ chuyển đổi số mạnh mẽ ở bậc cao và năm 2045 sẽ trở thành đơn vị dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Chuyển đổi gì cũng cần tiền và con người
Tại hội thảo, các đơn vị như Google Việt Nam, Logicbuy… cũng trình diễn các hệ thống thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến thông minh hiện đại nhất và các hệ sinh thái giáo dục trực tuyến phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo.
Theo ông Lương Hùng Khoa, Giám đốc dự án của Logicbuy, với các màn hình lớn cả trăm inch và giáo trình đồ họa sinh động, trực quan thì việc học nghề của sinh viên sẽ dễ dàng hơn nhiều. Các em có thể tận mắt thấy quy trình hoạt động của các loại máy móc để dễ dàng hình dung công việc của mình.
Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là giá các thiết bị này khá cao. Theo ông Khoa, dù được sản xuất trong nước thì một bộ thiết bị trang bị cho lớp học cơ bản cũng khoảng 300-500 triệu đồng, lớp học tiêu chuẩn phải hơn 1 tỷ đồng, còn lớp học cao cấp lên đến 2 tỷ đồng.
Ông Đặng Minh Sự, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho rằng: "Kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH là quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số với giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng ra là linh hoạt trong đào tạo, linh hoạt trong chương trình, xây dựng học liệu… Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và sẽ không khó nếu như có sự đồng lòng, chung tay từ các cấp, các ngành, cán bộ quản lý Nhà nước và cán bộ quản lý các trường".
Theo ông Đặng Minh Sự, 2 vấn đề quan trọng nhất của chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cần kinh phí và cần con người.
"Tham quan hệ thống lớp học thông minh, tôi nói vui với anh em là thiết bị tốt quá mà chỉ sợ không có tiền. Nhiều nơi cán bộ còn không có máy tính để làm việc, người dân đến cơ quan liên hệ làm việc còn phải xin mật khẩu wifi thì làm sao chuyển đổi số?", ông Sự chia sẻ.
Về vấn đề con người, ông Đặng Minh Sự nhận định việc quan trọng là phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý các trường. Chỉ khi ai cũng nhận ra chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tình thế bắt buộc và mang lại lợi ích lớn thì họ mới toàn tâm toàn ý, phối hợp với nhau để đẩy mạnh quá trình này tại địa phương, đơn vị mình.
Kết thúc hội nghị, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, đại diện các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố và các đơn vị công nghệ đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM.