Đã xác lập 30 triệu tài khoản định danh điện tử
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 09:12, 25/05/2023
81 triệu căn cước công dân
Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, CSDL quốc gia về dân cư manh nha và tư duy từ những năm 1995, trải qua nhiều thời kỳ, khó khăn. Đến năm 2017 mới bước vào để triển khai, thiết lập hệ thống.
Bộ Công an được Chính phủ giao xây dựng ba hệ thống: CSDL quốc gia về dân cư; bộ dữ liệu sinh trắc (hay căn cước công dân - CCCD); hệ thống định danh và xác thực điện tử. Sau một thời gian triển khai, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư đã được tạo lập 104 triệu người dân thực và hàng ngày đang quản trị trên hệ thống; xấp xỉ 81 triệu căn cước công dân; khoảng 30 triệu tài khoản định danh điện tử.
Mỗi một công dân Việt Nam có một số định danh duy nhất, là nền tảng để các đơn vị sử dụng, thống nhất một mã định danh công dân trong quản trị dữ liệu đối với các bộ dữ liệu liên quan đến người dân. Trong khi đó, hệ thống định danh và xác thực điện tử của Việt Nam có một số điểm khác biệt so với các nước: với mức 1, người dân tự xác lập và được đối sánh vào hệ thống sinh trắc, dân cư; mức 2 là khẳng định người dân ở trên môi trường số và người dân trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư là một, tạo uy tín để người dân tham gia môi trường số.
Bộ dữ liệu sinh trắc cũng đặc biệt quan trọng để khẳng định con người thật để thực hiện trên môi trường lành mạnh, trong sạch, quản lý mang tính chính xác cao hơn với công dân. Với CCCD gắn chip điện tử, khi giao dịch tại quầy, cán bộ có thể tra cứu, khẳng định ngay được đây là CCCD thật do Bộ Công an phát hành và người mang CCCD đó là một. Các đơn vị liên quan không còn phải tra cứu hệ thống trực tuyến mà hoàn toàn tra cứu được tại quầy.
Bốn bài học từ quá trình triển khai, xây dựng CSDL quốc gia về dân cư
Đại tá Vũ Văn Tấn nêu bốn bài học kinh nghiệm từ quá trình xây dựng và triển khai CSDL quốc gia về dân cư. Thứ nhất là sự chỉ đạo thông suốt của Chính phủ; thứ hai là quyết tâm chính trị cao nhất của Bộ Công an, từ cấp bộ tới cấp cơ sở; thứ ba là chủ động về công nghệ, không phụ thuộc vào nước ngoài và cuối cùng là phải có sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.
Trước đây, với các thành phố trực thuộc trung ương, cấp quận đăng ký và nhập hộ khẩu, với các thành phố không trực thuộc trung ương, cấp xã thực hiện và người cán bộ làm hộ khẩu là cán bộ công an không chính quy. Luật cư trú khẳng định một cấp duy nhất là cấp xã trên toàn quốc.
Pháp lý thứ hai mà Bộ Công an xây dựng nên là quy trình đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Bước đầu tiên là thu thập dữ liệu mà người dân cung cấp để chứng minh. Bước thứ hai là sử dụng dữ liệu đó đối sánh với hệ thống tàng thư mà Bộ Công an lưu trữ từ ngày thành lập nước, đối sánh tiếp qua dữ liệu CCCD và tàng thư tội phạm để khẳng định con người đó, dữ liệu đó là đúng, đủ và sạch.
Về yếu tố “sống”, yêu cầu toàn bộ lực lượng công an chính quy về cấp xã để thực hiện nghiệp vụ cư trú hàng ngày trên hệ thống CNTT. Dữ liệu dân cư đảm bảo nguyên tắc đối sánh và thời gian thực đối với một công dân từ khi được cấp mã số định danh đến đăng ký hộ khẩu, di trú. Trong vấn đề hoạch định chính sách, vấn đề di trú đặc biệt quan trọng, mang tính thực.
Về chủ động công nghệ, nhiều nước trên thế giới khi xác lập CSDL còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài nhưng với ba hệ thống kể trên, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn triển khai được giải pháp công nghệ mang tầm thế giới, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Thời gian đối phó với Covid-19, do chủ động về công nghệ, Việt Nam đã tạo dựng được thành công, thể hiện sự bền vững và dài lâu cho hạ tầng công nghệ. Trong quá trình bảo dưỡng, bảo hành, bảo trì và triển khai giải pháp mới hoàn toàn do doanh nghiệp đảm nhận.
Khi triển khai hệ thống CSDL mới, gốc, người dân cung cấp dữ liệu cá nhân mang tính riêng tư, vì vậy phải có giải pháp để nhận được sự tin tưởng. Cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể. Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định: “Chính phủ tiếp tục sưởi ấm và mang lại tiện ích cho người dân, người dân tiếp tục được phục vụ”.