Ai bù lỗ cho điện?
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:00, 25/05/2023
Có thể người đề xuất cũng nhận thấy điều đó nhưng ít nhất vấn đề được đưa ra cũng phản ánh những gì đang diễn ra trong thực tế của thực trạng ngành điện hiện nay.
Hơn 8 triệu hộ dân chỉ tiêu thụ 2,2% điện
Theo biểu giá điện cho sản xuất và sinh hoạt mới (1), chỉ có các hộ sinh hoạt sử dụng đến 100 kWh một tháng mới có giá điện thấp hơn giá mua điện bình quân quý 1/2023 của EVN. Số hộ sử dụng đến 100 kWh một tháng có khoảng 8 triệu hộ trên tổng số 27,9 triệu hộ gia đình. Trong khi đó, giá điện giờ bình thường của sản xuất đều thấp hơn giá mua vào của EVN.
Năm 2022 điện sử dụng sinh hoạt xấp xỉ 68 tỷ kWh trên tổng số 242,7 tỷ kWh (28% tổng điện tiêu thụ). Trong đó, 8 triệu hộ có giá điện bậc 1 và 2 chỉ tiêu thụ 5,4 tỷ kWh (chiếm 2,2% tổng tiêu thụ), bình quân 56 số điện một hộ một tháng. Ngoài ra, gần 20 triệu hộ cũng được sử dụng 100 số điện giá thấp một tháng với sản lượng khoảng 24 tỷ kWh (chiếm 9,9% tổng tiêu thụ).
Như vậy, điện sinh hoạt 2 bậc giá đầu chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng điện tiêu thụ. Phần còn lại của điện sinh hoạt chiếm 16%. Nếu bù trừ thì giá điện bình quân của điện sinh hoạt không phải là giá ngành điện phải bù lỗ. Ngoài điện tiêu dùng có giá bắt đầu cao từ 100 kWh trở lên, thì điện dùng cho các hoạt động kinh doanh cũng rất cao (giờ bình thường đối với điện áp dưới 6 kV giá 2.746 đồng/kWh).
Hiện các doanh nghiệp thuộc EVN chỉ sản xuất gần một nửa sản lượng điện. Phần hơn một nửa là mua các doanh nghiệp ngoài EVN như TKV, PVN, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cùng với điện nhập khẩu. Giá mua thì theo các cơ chế chính sách, thỏa thuận trước đó (ví dụ, năm 2022 mua điện mặt trời của các hệ thống điện mái nhà lắp đặt từ 6/2017 đến 6/2019 là 2.164 đồng/kWh, lắp đặt từ 7/2019 đến 12/2020 thì giá là 1.938 đồng/kWh). Giá bán của EVN thì do nhà nước quy định.
EVN bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo ra sức cạnh tranh cho hàng hoá. Những giá trị tạo ra ở trong nước chính là đóng góp cho GDP. Chúng ta một mặt lo rơi vào bẫy thu nhập trung bình nhưng lại thu hút đầu tư bằng giá nhân công rẻ, giá điện rẻ. Muốn thoát ra khỏi bẫy ấy cạnh tranh phải đảm bảo xu hướng giá nhân công tăng dần lên, giá điện tăng dần lên và tỉ lệ thu ngân sách trên GDP cũng phải tăng dần lên.
Tiêu dùng điện chưa tạo ra GDP tương xứng
Năm 2022, GDP theo thống kê mới (điều chỉnh từ 2021) là khoảng hơn 400 tỷ USD. Với lượng điện tiêu thụ 242,7 tỷ kWh thì 1 kWh điện tiêu thụ tạo ra 1,6 USD GDP. Con số này ở một số nước như TQ là 2 USD, Mỹ 5,6 USD, Đức 7,3 USD, Nhật 5 USD, Nga 1,7 USD, Úc 5,2 USD.
Trường hợp của Đức rất đặc biệt, trong ngành chế tạo máy họ sử dụng rất nhiều lò nấu kim loại chạy than chứ không phải từ than ra điện rồi đốt bằng điện.
Ở khu vực ASEAN, năm 2021 Thái Lan tiêu thụ khoảng 195 tỷ kWh điện nhưng GDP đạt 506 tỷ USD, còn Indonesia tiêu thụ 291 tỷ kWh điện và GDP 1.186 tỷ USD. Trường hợp Indonesia điện cho sinh hoạt chiếm đến 42%, còn công nghiệp 36%, dịch vụ 22%. Rõ rang, bài toán tăng GDP không nhất thiết phải dựa vào phát triển công nghiệp tiêu tốn nhiều điện.
Phía sau câu chuyện lỗ của EVN còn có câu hỏi tại sao nhiều công ty con lãi mà công ty mẹ lại lỗ. Không có gì khó hiểu khi các đơn vị bán điện phải lãi thì người ta mới bán, còn các tổng công ty điện lực của EVN mua vào sau đó bán ra lại theo giá quy định của nhà nước. Con lãi nhưng mẹ lỗ hoặc con khác lỗ lớn thì hợp nhất vẫn cứ là lỗ. Để giải quyết bài toán này, từ 2021 Trung Quốc đã yêu cầu các cơ sở sản xuất hoặc tiêu thụ nhiều điện phải giao dịch mua bán trên sàn, nhà nước chỉ áp đặt giá điện dân sinh.
Với EVN nếu tiếp tục lỗ nữa thì làm thế nào? Lỗ thì vốn mất dần và doanh nghiệp phải tăng vay nợ, tăng chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp ngoài EVN. Lỗ chẳng lấy đâu mà tích luỹ, khi cần vốn đầu tư, nhà nước phải bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn (trong nước và nước ngoài).
Nếu nhà nước có khoản hỗ trợ 130 nghìn tỷ đồng, như ý kiến đại biểu đê xuất, thì đấy chẳng phải là bù lỗ mà là rót thêm vốn cho doanh nghiệp mà thôi. Nếu nhà nước cấp như trợ giá thì là khoản thu nhập, khi đó mới cân đối với khoản lỗ.
Độc quyền và nhóm lợi ích?
EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) và 9 công ty thủy điện/nhiệt điện trực thuộc công ty mẹ EVN (gồm thuỷ điện Hoà Bình, Ialy, Trị An, Tuyên Quang, Sê San, Sơn La, Huội Quảng - Bản Chát, nhiệt điện Thái Bình và Vĩnh Tân 4).
Hiện nay, tổng công suất điện toàn hệ thống đạt khoảng 77.800 MW (để dễ hình dung thì xin nêu ví dụ: Thuỷ điện Sơn La có công suất 2.500 MW, Thuỷ điện Hoà Bình 1.920 MW). Trong đó, công suất đặt của EVN và các GENCO chỉ chiếm 38,4% toàn hệ thống. Chưa kể 2/3 GENCO và trong các GENCO có nhiều nhà máy phát điện đã cổ phần hoá.
Năm 2021, điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỉ kWh (điện thương phẩm 225,3 tỉ kWh). Trong đó, các nhà máy điện Công ty mẹ EVN sản xuất 18,5%, các GENCO 31,3%, điện mua các nguồn ngoài EVN 50,2%.
Năm 2021 EVN 2021 có doanh thu 426.147 tỷ đồng, với điện thương phẩm 225,3 tỉ kWh, hay tính ra là 1.891 đồng/kWh.
Số liệu tài chính công bố đến 6 tháng đầu năm 2022, EVN doanh thu 221.232 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 16.586 tỷ đồng.
EVN thường bị phê phán là độc quyền, bởi khâu phân phối do 5 Tổng công ty điện lực nắm giữ (Bắc, Trung, Nam, Hà Nội, TP.HCM), còn truyền tải điện do duy nhất Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện.
Rõ ràng khâu phát điện thì đầu tư ngoài EVN chiếm tỉ trọng lớn hơn. Do lịch sử để lại thì duy nhất chỉ có EVN đầu tư các lưới truyền tải và phân phối. Sau này liệu có đầu tư tư nhân nào có khả năng phát triển lưới truyền dẫn và phân phối điện riêng không thì không rõ.
Như vậy, điện mua các nguồn ngoài EVN là quá nửa. Các thuỷ điện nhỏ cũng như các nhà máy điện gió và điện mặt trời chủ yếu do tư nhân đầu tư. Có đến hơn 500 nhà máy như vậy. Ngoài ra còn vài trăm nhà máy điện gió và điện mặt trời nữa đang xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 Tổng công ty điện lực dù có 100% vốn của EVN thì vẫn là các doanh nghiệp độc lập. Việc thoả thuận hoà lưới điện, mua bán điện phải đảm bảo các yếu tố kĩ thuật và hiệu quả kinh tế. Tương lai nếu tăng tỉ trọng sản lượng điện tái tạo (hiện chỉ khoảng 15%) thì sẽ có cả nghìn bài toán đầu tư đấu nối, truyền tải và ổn định lưới điện phải giải quyết.
Nhà nước đang nhận phần thiệt về mình
EVN đang bị phê phán định tính là “độc quyền” và “nhóm lợi ích”. Độc quyền của EVN ở đây là độc quyền bán theo giá quy định chứ doanh nghiệp không được quyết định giá. Hơn 60% công suất đặt, hơn 50% sản lượng điện là nguồn ngoài EVN. Nhà nước đầu tư truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng sâu, vùng cao và bán lỗ để đảm bảo dân sinh và tính cạnh tranh của hàng hoá sản xuất.
Nếu EVN độc quyền và nhóm lợi ích thì chính nhà nước đang nhận phần thiệt về mình. Phần thiệt này là chia đều cho toàn dân.
Chẳng có mấy ai tìm hiểu vấn đề kĩ thuật và cơ chế đầu tư, mua bán của DNNN, chẳng hạn với các dự án điện năng lượng tái tạo. Đầu tư một lượng tiền để có thể đấu nối hoà lưới điện từ các nguồn điện lẻ mà không tính ra hiệu quả thì thuyết minh làm sao. DNNN mua đắt, bán rẻ thì cái thòng lọng “thất thoát vốn nhà nước” luôn treo lơ lửng.
Trong cơ cấu công suất lắp đặt hiện tại thì nhiệt điện than 32,5% (35 nhà máy), thuỷ điện 29% (41 nhà máy 100 MW trở lên, 331 nhà máy từ 5 đến dưới 100 MW), tuabin khí 9,2% (12 nhà máy), năng lượng tái tạo 26,4% (điện mặt trời 143 nhà máy, điện gió 89 nhà máy), dầu 1,9% (11 nhà máy), nhập khẩu 0,7%, khác 0,2% (điện sinh khối 12 nhà máy). |
Vũ Lâm
(1) Giá mua điện bình quân theo các loại hình phát điện quý 1/2023 của EVN là 1.844,9 đồng/kWh. Trong đó, thuỷ điện 1.128 đồng/kWh, tuabin khí 1.428 đồng/kWh, điện mặt trời 2.046 đồng/kWh, điện gió 2.086 đồng/kWh, điện than 2.100 đồng/kWh. Điện mua phải cộng chi phí truyền tải, phân phối mới đến các hộ tiêu thụ.
Hiện biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất ở giờ bình thường cấp điện áp từ 110 kV trở lên là 1.584 đồng/kWh, từ 22-110 kV là 1.604 đồng/kWh, từ 6-22 kV là 1.661 đồng/kWh, dưới 6 kV là 1.738 đồng/kWh. Trong khi đó, điện sinh hoạt thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, 50 kWh tiếp theo là 1.786 đồng/kWh, ở bậc sử dụng 101-200 kWh một tháng là 2.074 đồng/kWh. (Giá các loại chưa tính 10% VAT).