Chỉ tiêu 5-6 triệu đồng/tháng, người trẻ làm gì để 'sống khỏe' ở TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:00, 25/05/2023
Mới đây, báo cáo từ Credit Karma đã cho thấy thế hệ Gen Z đang gánh khoản nợ trung bình lên tới 16.283 USD trong quý 3/2022. Đó là mức tăng lớn nhất so với bất kỳ thế hệ nào.
Cũng theo Numbeo - trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống toàn thế giới, Việt Nam có chỉ số chi phí sinh hoạt cao xếp thứ 26 trong 44 quốc gia thuộc khu vực Châu Á.
Tóm tắt chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, một gia đình gồm 4 người ước tính hàng tháng là 41 triệu đồng không bao gồm tiền thuê nhà.
Ước tính một người chi phí sinh hoạt hàng tháng là 11,5 triệu đồng. Hà Nội rẻ hơn 2.2% so với TPHCM, khi gia đình gồm 4 người ở TPHCM có thể phải chi 43 triệu đồng phí sinh hoạt mỗi tháng, tương đương 12,1 triệu đồng/người.
Cũng theo nguồn dữ liệu Numbeo, giá cửa hàng tạp hóa, giá ăn ở nhà hàng, giá thuê nhà ở TPHCM lần lượt cao hơn 1,9%, 8,0%, 32,9% so với Hà Nội. TPHCM đang là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam.
Thế nhưng, một số dân văn phòng TPHCM tiết lộ vẫn sử dụng khoảng 5-6 triệu đồng, 1/3 tổng thu nhập để chi tiêu mà vẫn đảm bảo cuộc sống thoải mái, không cần vay mượn hay nhờ phụ cấp từ gia đình.
Đưa bản thân vào "thế bí"
Anh Hoài Lâm (23 tuổi, nhân viên hành chính nhân sự) bày tỏ quan điểm rằng mức chi tiêu cao hay thấp, một nửa là do bản thân. Anh thừa nhận rằng hóa đơn hàng tháng ở TPHCM rất cao, nhưng vẫn có thể giảm xuống mức 5-6 triệu đồng bằng cách "thu hẹp" các nhu cầu giải trí, mua sắm, giao lưu… và nghiêm khắc tuân thủ sử dụng trong khoản quy định.
"Mình vừa tốt nghiệp là gặp ngay đại dịch Covid-19, mới có việc làm ổn định hơn một năm nay nên lương cũng đang ở mức sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên mình vẫn dư dả sống hàng tháng mà không nhờ bố mẹ vì nghiêm túc chi tiêu trong mức bản thân cho phép" - Lâm nói.
Dù sở hữu mức lương lên đến 15 triệu đồng/tháng, anh Văn Đức (26 tuổi, nhân viên truyền thông) vẫn chỉ sử dụng 6 triệu đồng để chi trả phí sinh hoạt, còn lại gửi về quê. Đức cho biết, nếu sở hữu mức thu nhập tốt hơn, anh vẫn ưu tiên phụ giúp kinh tế gia đình.
Anh Phát Đạt (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết mỗi khi công ty chuyển lương thì sẽ tự động trích một khoản nhất định qua sổ tiết kiệm và để lại đủ 6 triệu đồng chi tiêu. Dù số tiền ấy là khá ít ở thành phố, nhưng anh vẫn thoải mái hẹn hò, vui chơi mà không cần mượn bạn bè.
Kế hoạch chi tiêu cần nghiêm khắc và chi tiết
Đối với nhiều bạn trẻ độc thân, tổng chi phí sinh hoạt bao gồm nhà ở chỉ có 5-6 triệu đồng là không tưởng. Nhưng chị Thanh Ngân (23 tuổi, nhân sự của một trung tâm ngoại ngữ TPHCM) chia sẻ, để thực hiện thì cần có kế hoạch chi tiêu nghiêm khắc và chi tiết.
Ngân thuê căn phòng 15m2 ở Ung Văn Khiêm (Quận Bình Thạnh, TPHCM) bao gồm cả điện, nước, wifi với giá 2,3 triệu đồng/tháng. Mỗi lần đi chợ, chị sẽ tích trữ đồ ăn cả tuần với 150.000 đồng/lần. Chi phí xăng xe 200.000 đồng/tháng.
Khoản chi cho các sản phẩm thiết yếu 200.000 đồng/tháng. Ăn uống trên công ty, Ngân quy định không quá 300.000 đồng/tuần. Sản phẩm chăm sóc da 500.000 đồng/tháng. Các cuộc hẹn sẽ điều chỉnh tần suất để tiêu trong khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Chị Ngân nói thêm, bản thân luôn ghi chú chi tiết các khoản đã chi dù là nhỏ nhất nhằm kiểm soát dòng tiền. Nếu hôm nào, tuần nào dùng hơn thì tuần sau sẽ cắt bớt. Và vì các khoản như cuộc hẹn gặp gỡ, ăn uống trên công ty có thể điều chỉnh được nên chuyện sắp xếp tiêu trong 5-6 triệu đồng là không khó.
Anh Văn Đức cũng đồng tình: "Riêng khoản nhà thuê mình đã trả hết 3 triệu đồng/tháng vì không có thói quen gặp gỡ, giao lưu nhiều nên chú trọng không gian sống. Mình cũng chẳng có nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, đồ công nghệ… nên khoản 3 triệu đồng còn lại đủ để sinh hoạt".
Đức cho biết mình tốn khoảng 200.000 đồng tiền xăng, 200.000 đồng hóa đơn wifi, 200.000 đồng cho các khoản mua sắm thiết yếu và 1.500.000 đồng để trữ đồ ăn trong tủ lạnh và tự nấu ăn.
Tiết kiệm luôn tốt
Ở thời điểm nào thì tiền bạc cũng đều rất quan trọng nên thói quen sống tiết kiệm sẽ không bao giờ trở nên lỗi thời. Anh Phát Đạt chia sẻ rằng bản thân đang tiết kiệm từng khoản nhỏ nhằm "tích tiểu thành đại". Khi có khoản lớn thì cơ hội đầu tư, góp vốn hay khởi nghiệp cũng có thể nắm bắt mà không bị vấn đề tài chính cản trở.
Tài khoản có số dư cũng mang lại cảm giác an tâm, tự tin. Đồng thời, nếu thu nhập không đủ đầu tư cho các khóa học nâng cấp bản thân, du lịch trải nghiệm, đề phòng rủi ro… thì thói quen cân nhắc trong từng khoản chi sẽ giúp tránh khỏi tình trạng khốn đốn vào cuối tháng.
Vì vậy, hiện nay nhiều bạn trẻ không mua sắm quần áo theo xu hướng, không sắm điện thoại đắt đỏ… mà dự phòng cho mình một khoản tiền.
"Mình đã từng chứng kiến một chị đồng nghiệp khốn đốn phải vay tiền để thực hiện một tiểu phẫu, lúc đó mình nghĩ bản thân nên có khoản tiền cho các trường hợp bất trắc như tai nạn, ốm đau… nên đã tiết kiệm từ nhỏ nhất" - chị Thanh Thanh (26 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng) nói thêm.