Sáng nay, đại biểu Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:03, 25/05/2023
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023 là một trong những nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp tổ sáng 25/5.
Mới đây, Ủy ban Xã hội cũng đã báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, về đánh giá bổ sung về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023, đặc biệt trong lĩnh vực lao động - xã hội.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm
Ủy ban Xã hội nhận định dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình thị trường lao động đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện xu hướng phục hồi so với trước đại dịch.
Đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được quan tâm, cải thiện; đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội tiếp tục được mở rộng và mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ngày càng được nâng lên.
Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, Ủy ban Xã hội cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đến hết tháng 3 là 17,44 triệu người, tăng khoảng 1 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 146.000 người, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022; số quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 128.460 người, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, số người hưởng BHXH một lần năm 2022 là 997.470 người - tăng 34.000 người và tăng 3,55% so với năm 2021.
Đến hết tháng 3, số người tham gia BHXH ước giảm khoảng 50.000 người so với năm 2022 (17,49 triệu người) và số người hưởng BHXH một lần 3 tháng đầu năm 2023 là 264.000, tăng 55.000 so với cùng kỳ năm 2022.
Ủy ban Xã hội vì thế kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH; tuyên truyền, vận động người lao động hạn chế việc rút BHXH một lần.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cho biết, trong những tháng cuối năm 2022 đã xuất hiện làn sóng sa thải người lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đến cuối tháng 11/2022 cho thấy đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, phải cắt giảm lao động. Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 người, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp.
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm trong lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội cũng được Ủy ban Xã hội nêu rõ.
Cơ quan này nhận định thị trường lao động Việt Nam Quý I năm nay có nhiều điểm tích cực so với cuối năm 2022. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 1,05 triệu người (tỷ lệ 2,25%) - giảm 34.600 người so với quý IV/2022, giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,2%, 26,4% trong số này có bằng cấp, chứng chỉ. Chỉ số này, theo Ủy ban Xã hội, có cải thiện so với cùng kỳ năm 2022.
Thu nhập của người lao động ở TPHCM giảm
Khái quát chung, Ủy ban Xã hội cho rằng thị trường lao động còn chịu nhiều rủi ro và thách thức, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm nhưng xu hướng này lại đi ngược với số liệu số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động…
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong những tháng đầu năm đạt khoảng 7 triệu đồng/người - cao hơn so với Quý IV/2022 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn nhiều so với giai đoạn một năm trước đó. Đặc biệt, tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như TPHCM và Bắc Ninh... lại có dấu hiệu sụt giảm.
Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại TPHCM là 9,1 triệu đồng, giảm 1,4%, tương ứng giảm 127.000 đồng so với quý IV/2022; người lao động làm việc tại Bình Phước có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng, giảm 2,8%, tương ứng giảm 197.000 đồng so với quý trước.
Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Xã hội cho biết, năm 2022, tổng mức vốn đầu tư công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ là hơn 666 tỷ đồng (gồm 426,4 tỷ đồng vốn trong nước và gần 240 tỷ đồng vốn ngoài nước). Đến hết năm 2022 đã giải ngân khoảng 66% kế hoạch vốn, còn 218,414 tỷ đồng chưa giải ngân.
Theo kế hoạch năm 2023, Bộ đã phân bổ nguồn vốn chi đầu tư phát triển đạt 95,63% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 15 tỷ đồng sẽ tiếp tục được phân bổ cho 1 dự án sau khi đủ điều kiện đầu tư theo quy định.
Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tài chính ngân sách Nhà nước, nhất là thực hiện phân bổ vốn, giao vốn đầu tư cho lĩnh vực xã hội.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ tăng mức phân bổ nguồn vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cao hơn.