Bác sĩ có cần giỏi Văn để biết cảm thông với bệnh nhân?
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:50, 24/05/2023
Một số trường đưa môn Văn vào xét tuyển y khoa với lý do thầy thuốc cần biết diễn đạt và cảm thông bệnh nhân, nhưng giới bác sĩ cho rằng việc dùng điểm Văn không thích hợp.
Ngày hôm nay, những bác sĩ tôi quen ai cũng bàn cãi vụ này, việc đưa môn Văn vào kỳ thi tuyển vào trường y để tăng mức thấu cảm, hay gọi bình dân hơn là thông cảm với người bệnh, cho bác sĩ tương lai.
Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ như sau:
Thứ nhất, muốn thấu cảm với bệnh nhân, trước hết mình phải có cái tâm lương thiện và thương người, coi người bệnh như bạn bè, người nhà của mình. Tôi có người bạn, bạn nói sẽ không đưa con tới cho tôi khám tới khi tôi có con, bạn có cái lý của bạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ không cần phải có con mới biết thương con nít.
Mỗi lần phụ huynh đứng trước một quyết định khó khăn và hỏi ý tôi. Tôi hay trả lời nếu đây là con tôi, tôi sẽ làm như thế này. Còn nếu tâm không vì nhân sinh, sống vì tiền bất chấp lương tâm nghề nghiệp, văn có điểm cao cũng không có tác dụng.
Thứ hai, phải có kiến thức
Một bác sĩ không có kiến thức bệnh học, không thể biện luận được trên bệnh nhân thì cuối cùng chỉ là một lang băm có bằng cấp, còn nguy hiểm hơn lang vườn.
Lời văn không cần trau chuốt, chỉ cần có khả năng đọc hiểu cao để học muôn vàn thứ trong y khoa, rồi áp dụng trên người bệnh. Nếu bạn phạm sai lầm với bệnh nhân rồi ra ngoài thấu cảm như thế nào?
Thứ ba, phải có thấu hiểu về văn hóa, truyền thống
Xã hội ngày càng quốc tế hóa, đa dạng hóa, khám bệnh mỗi chủng tộc, sắc dân, cộng đồng khác nhau nó có đặc thù khác nhau. Nếu không hiểu, bác sĩ sẽ có thành kiến, khó thông cảm đồng hành.
Thứ tư, phải có cách giao tiếp, diễn đạt tốt
Điều này phải học từ gia đình từ nhỏ, rồi từ trường đời, sai lầm rồi tự sửa, viết văn tốt không có nghĩa là có khả năng giao tiếp tốt. Còn nếu nói phải học văn giỏi để thành bác sĩ thấu cảm tốt, cũng chưa chắc.
Bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng - giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University, Texas, Hoa Kỳ