Đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức công vụ với cán bộ, công chức
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:24, 23/05/2023
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường vừa ký duyệt hồ sơ dự thảo Nghị định ban hành gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Nghị định này sẽ áp dụng với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và công chức xã, phường, thị trấn; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự thảo nghị định đề xuất 5 chuẩn mực đạo đức công vụ cần đạt được của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuẩn mực thứ nhất về tinh thần phục vụ, nêu rõ cán bộ phải hết lòng phục vụ nhân dân; tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình thực thi công vụ; đảm bảo công bằng, khách quan, không thiên vị trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.
Chuẩn mực thứ hai là liêm khiết, không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc.
Chuẩn mực này cũng yêu cầu cán bộ công chức không ham quyền lực; không chạy chức, chạy quyền; không sử dụng công quỹ, tài sản của cơ quan, Nhà nước vào những việc mang tính vụ lợi.
Chuẩn mực thứ ba là chính trực, yêu cầu cán bộ công tâm, thẳng thắn, không xu nịnh. Theo chuẩn mực này, cán bộ cũng cần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích chung.
Chuẩn mực thứ tư là tận tụy, cống hiến, hết lòng với công việc, khắc phục khó khăn để đạt được hiệu quả công việc cao nhất; không kén chọn công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi công việc được giao.
Thứ năm là phải tiết kiệm, chống lãng phí. Cán bộ phải giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, cán bộ cần kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi gây lãng phí tài sản công; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; sử dụng đúng mục đích các phương tiện làm việc của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về chuẩn mực giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với cá nhân, tổ chức; giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nơi cư trú, ứng xử nơi công cộng.
"Không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc cho cá nhân, tổ chức. Chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng", dự thảo nêu.
Về kỷ luật, kỷ cương hành chính, Bộ Nội vụ nêu rõ yêu cầu cán bộ không che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên, đồng nghiệp; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng dưới mọi hình thức tại nơi làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn ngay trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
"Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định đạo đức công vụ, tùy theo tính chất, mức độ, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", dự thảo nghị định nêu rõ.
Căn cứ để thực hiện thống nhất trong cả nước
Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức công vụ cũng như thực trạng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay, Bộ Nội vụ cho rằng cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ. Đây sẽ là căn cứ để các Bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.