Đại biểu Quốc hội đề xuất có quỹ bình ổn giá điện

Kinh doanh - Ngày đăng : 18:50, 23/05/2023

Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa mặt hàng điện vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá bởi đây là mặt hàng thiết yếu.
Đại biểu cho rằng nên có quỹ bình ổn giá điện như quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng. Ảnh: Lê Hiếu.

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên thảo luận chiều 23/5 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho biết dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu.

Đại biểu cho rằng Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá. Dẫn chứng về vấn đề giá điện, vị đại biểu cho biết ở các nước, việc cung cấp điện cho người dân, doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Nhà nước cần dùng ngân sách hỗ trợ EVN

Năm 2022, khi giá dầu, than, khí tăng làm chi phí sản xuất điện tăng, chính phủ nhiều nước đã có chính sách hỗ trợ để cho người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng điện ở mức cần thiết mà không phải trả thêm tiền điện.

"Ở Nhật Bản, cứ 1 kWh điện tiêu dùng thì Chính phủ trả 7 yen Nhật còn lại gia đình phải trả. Qua đó giảm 20% hóa đơn tiền điện các hộ phải trả theo giá điện cao hơn của các công ty điện. Hay như ở Pháp, Chính phủ Pháp cũng trợ cấp cho các doanh nghiệp điện 49 tỷ USD từ ngân sách", ông Nhân dẫn chứng.

Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện.

Hiện nay, không có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi doanh nghiệp bị lỗ vì không được tăng giá điện trong khi giá đầu vào tăng rất mạnh. Kết quả năm 2021 doanh nghiệp này lỗ cho sản xuất bán điện là 981 tỷ đồng, năm 2022 là 36.294 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến lỗ 63.620 tỷ dù giá bán điện tăng 3% từ tháng 5.

"Tổng lỗ sản xuất điện trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) dự kiến lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của EVN. Nếu tính doanh thu các hoạt động khác hơn 10.000 tỷ thì tổng lỗ giảm còn hơn 90.000 tỷ, bằng 44% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tập đoàn đang nợ khách hàng 19.700 tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả", vị đại biểu dẫn chứng.

quy binh on gia dien anh 1
Đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì tổng lỗ 4 năm của EVN dự kiến 120.000-144.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo đại biểu, một doanh nghiệp mất 44% vốn điều lệ, không thanh toán được gần 20.000 tỷ cho khách hàng sẽ không có tiền thay thế thiết bị, máy móc kéo theo năng lực sản xuất giảm và khó vay ngân hàng để có tiền trả nợ và đầu tư mới.

"Đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì tổng lỗ 4 năm của EVN dự kiến 120.000-144.000 tỷ đồng. Nếu giá điện tăng 3% trong năm 2024 thì tổng lỗ 4 năm dự kiến khoảng 194.000-126.000 tỷ đồng, tức mất 46-60% vốn chủ sở hữu", ông tính toán.

Theo đó, vị đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật. Cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để EVN - doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất sẽ không rơi vào tình trạng sắp phá sản trong năm 2024 mà phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt cho thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Về mặt hàng điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mặt hàng này hiện thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (kể cả giá bán lẻ, bán buôn cũng như tại các khâu phát, truyền tải...).

Việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá quyết định nên về cơ bản đã bao quát các mục tiêu về ổn định giá cả, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như chính phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội cho đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục bình ổn giá.

Đề xuất thịt lợn, điện là hàng bình ổn giá

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến từng bộ, ngành liên quan; rà soát thận trọng; đánh giá cụ thể từng mặt hàng trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, ông Mạnh cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung gạo nếp, các loại thịt, trứng, rau củ, dầu ăn, mì gói, các loại gia vị nấu ăn vào danh mục. Trên cơ sở đánh giá tính thiết yếu và khả năng cung cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các mặt hàng này có tính thị trường rất cao; gắn với quyền chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này.

Dự thảo luật đưa ra danh mục 10 hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá
Xăng, dầu thành phẩm
Khí dầu mỏ hóa lỏng
Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi
Thóc tẻ, gạo tẻ
Thịt lợn (thịt heo)
Phân đạm; phân DAP; phân NPK
Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản
Vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm
Thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

"Riêng thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, cơ bản thiết yếu đối với người dân và nếu gặp sự cố về dịch bệnh, cung ứng... sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Do vậy tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội đã bổ sung thịt lợn vào danh mục", ông Mạnh cho biết.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị đưa mặt hàng điện vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu.

"Tại sao không đưa điện vào quỹ bình ổn giá như quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi điện nay tất cả người dân đều sử dụng điện, trong khi đó xăng dầu có người sử dụng có người không", ông nhìn nhận.