Điểm tin công nghệ 24/5: Mẫu iPhone có màn hình lớn nhất từ trước nay
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 24/05/2023
- Mẫu iPhone có màn hình lớn nhất từ trước nay
Một số hình ảnh render được rò rỉ cho thấy iPhone 16 Pro Max sẽ là mẫu smartphone có kích thước màn hình lớn nhất từ trước đến nay.
Theo hình ảnh từ bản vẽ thiết kế, chiều cao tổng thể của iPhone 16 Pro Max sẽ tăng khoảng 5 mm lên khoảng 165 mm, trong khi chiều rộng chỉ tăng khoảng 0.5 mm lên khoảng 77,2 mm.
Trước đó, Ross Young, CEO công ty nghiên cứu thị trường màn hình Display Supply Chain Consultants (DSCC), cho biết dòng iPhone 16 Pro ra mắt năm 2024 sẽ sở hữu màn hình lớn nhất từ trước đến nay.
Dù không tiết lộ kích thước cụ thể, Young bình luận "gần như vậy" dưới một tweet dự đoán iPhone 16 Pro có màn hình 6,4 inch, còn iPhone 16 Pro Max (hoặc Ultra) sử dụng màn hình 6,9 inch.
Trong khi đó, bộ đôi iPhone 16 tiêu chuẩn vẫn giữ kích thước 6,1 và 6,7 inch. Dựa trên tin đồn, kích thước màn hình của iPhone 16 Pro sẽ cao hơn một chút so với kích thước cũ.
Theo 9to5Mac, Ross Young là một trong những chuyên gia tin đồn (leaker) uy tín nhờ mối quan hệ với chuỗi cung ứng màn hình của Apple. Dù vậy, còn quá sớm để nói về iPhone 16 bởi kế hoạch của Táo khuyết có thể thay đổi.
Ngoài kích thước màn hình, tin đồn cho biết ít nhất một model trong dòng iPhone 16 sẽ trang bị Face ID dưới màn hình, loại bỏ dải khuyết.
- Apple tụt hậu về AI nhưng vẫn có thể thu hàng trăm triệu USD mỗi năm từ OpenAI
Apple tụt hậu so với nhiều hãng về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng sự chi phối thị trường ứng dụng giúp công ty tận dụng thành công của người khác.
Hôm 18/5, ứng dụng ChatGPT cho iOS đã được OpenAI phát hành và nhanh chóng leo lên vị trí hàng đầu trên App Store. Sau đó 1 ngày, ChatGPT đã trở thành ứng dụng miễn phí số một trong danh mục.
Apple quảng cáo ChatGPT như một ứng dụng "phải có" trong danh mục Essentials (Thiết yếu) của mình.
OpenAI cho biết người dùng trả tiền đăng ký tài khoản ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng có thể sử dụng GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn mạnh mẽ nhất của công ty, thông qua ứng dụng này.
Từ bên trong ChatGPT cho iOS, người dùng có thể đăng ký ChatGPT Plus, phiên bản cao cấp có giá 20 USD/tháng, cung cấp thời gian phản hồi nhanh hơn cũng như quyền truy cập ưu tiên vào các tính năng mới. Điểm đáng chú ý là OpenAI không chuyển hướng người dùng đến trang web để đăng ký ChatGPT Plus mà sử dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple. Vì thế, Apple sẽ thu được 30% phí từ OpenAI như thường lệ.
"Apple đang nhận 30% thuế của họ", các nhà phân tích công nghệ tại hãng Bernstein đề cập trong ghi chú gửi đến các nhà đầu tư.
Có ví dụ minh họa nào tốt hơn về độc quyền công nghệ không? Apple đi sau về AI và đóng góp rất ít cho nghiên cứu công khai trong lĩnh vực này. Tuy vậy, Apple có thể kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ công nghệ này mà thực tế không làm gì nhiều.
Hãy xem xét một tình huống giả định: Nếu ChatGPT Plus có thêm 5 triệu người đăng ký mới trên iOS, điều đó sẽ tương đương với khoảng 1,2 tỉ USD doanh thu hàng năm. Lấy 30% trong số đó, Apple sẽ thu về 360 triệu USD mỗi năm từ chatbot AI của OpenAI.
- Tiết lộ “động trời” về hàng triệu smartphone chứa mã độc
Khoảng 9 triệu điện thoại thông minh (smartphone) đã bị cài sẵn mã độc trước khi tới tay người dùng tại nhiều nơi trên thế giới.
Thông tin trên do chuyên trang The Register dẫn nguồn các chuyên gia bảo mật tại hãng Trend Micro của Nhật Bản. Các chuyên gia tiết lộ thông tin "động trời" nói trên ngay tại Hội nghị bảo mật Black Hat Asia vừa diễn ra ở Singapore.
"Chúng tôi đã phát hiện ra một cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào các chuỗi cung ứng linh kiện để cài đặt mã độc vào các chương trình được lưu trữ trên phần cứng, có chức năng điều khiển hoạt động của linh kiện và thiết bị điện tử (firmware). Các linh kiện này được sử dụng cho các mẫu smartphone giá rẻ chạy trên nền tảng Android - đồng nghĩa các mẫu smartphone này đã bị nhiễm mã độc trước khi xuất xưởng và đến tay người dùng" – chuyên gia tại hãng nghiên cứu bảo mật Trend Micro nhấn mạnh.
Các loại mã độc cài sẵn trên smartphone này có thể thu thập nhiều thông tin từ thiết bị như vị trí của người dùng, đọc trộm nội dung tin nhắn SMS, chiếm đoạt email hay tài khoản mạng xã hội. Thông tin do mã độc lấy cắp sẽ được tin tặc bán để kiếm lời hoặc lợi dụng smartphone của người dùng để nhấp vào các quảng cáo nhằm thu lợi bất chính.
Do mã độc được cài đặt trực tiếp vào firmware của smartphone nên rất khó để có thể gỡ bỏ ra khỏi thiết bị.
Trend Micro không công bố tên các hãng smartphone bị ảnh hưởng nhưng nói rằng mã độc được phát hiện trong sản phẩm của "khoảng 10 hãng smartphone giá rẻ".
"Chúng tôi ước tính khoảng 9 triệu smartphone có chứa mã độc trước khi đến tay người dùng, chủ yếu là các sản phẩm được bán ra tại thị trường Đông Nam Á và Đông Âu. Việc lây nhiễm mã độc ngay giai đoạn đầu của quá trình lắp ráp smartphone tương tự như đặt một mầm bệnh vào gốc cây" – chuyên gia của Trend Micro quả quyết.
Các chuyên gia tại hãng nghiên cứu bảo mật đến từ Nhật Bản hiện cũng chưa tiết lộ thủ phạm đứng sau các loại mã độc này và đến từ quốc gia nào.
- Lý do Meta chịu mức phạt kỷ lục 1,2 tỷ euro
Meta, công ty mẹ của Facebook vừa bị Liên minh châu Âu (EU) xử phát 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) vì vi phạm chính sách bảo mật thông tin cá nhân.
Ngày 22/5, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC) quyết định phạt Meta, công ty mẹ của Facebook, số tiền kỷ lục 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) liên quan việc gửi dữ liệu người dùng Facebook trong Liên minh châu Âu (EU) về máy chủ tại Mỹ.
DPC cho biết cơ quan này hành động thay mặt EU, nêu rõ Ban bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) đã yêu cầu DPC "thu khoản phạt hành chính 1,2 tỷ euro" đối với Meta. Ngoài ra, DPC ấn định thời hạn 5 tháng Meta phải dừng chuyển dữ liệu người dùng ở châu Âu sang Mỹ.
Đây là một trong những mức phạt nặng nhất trong 5 năm qua kể từ khi EU ban hành Luật bảo vệ dữ liệu chung. Trước đó, năm 2021, Luxembourg đã áp đặt mức phạt kỷ lục 746 triệu euro (821,20 triệu USD) đối với Amazon.com do vi phạm luật này.
Trụ sở tại châu Âu của Meta đặt ở thủ đô Dublin của Ireland. DPC đã điều tra Meta về việc chuyển dữ liệu người dùng ở Ireland sang Mỹ từ năm 2020. Theo DPC, kết quả điều tra cho thấy Meta "không giải quyết được những rủi ro về các quyền cơ bản" liên quan dữ liệu của người dùng.
DPC nhấn mạnh Meta đã không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu đưa ra năm 2020 rằng dữ liệu được chuyển qua Đại Tây Dương không được bảo mật đầy đủ và có khả năng bị các cơ quan gián điệp của Mỹ theo dõi.
- Bill Gates: AI sẽ thay thế các trang web tìm kiếm, mua sắm
Tỷ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, hôm thứ Hai (22/5) cho biết cuộc đua công nghệ hiện nay là phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) hàng đầu và chúng sẽ thay thế công cụ tìm kiếm, hay trang web mua sắm trực tuyến.Bill Gates nói: “Bạn sẽ không bao giờ vào một trang web tìm kiếm nữa. Bạn sẽ không bao giờ đến Amazon".
Phát biểu tại sự kiện AI Forward 2023, diễn ra ở San Francisco do Goldman Sachs Group Inc và SV Angel tổ chức, tỷ phú từng nắm giữ ngôi vị giàu nhất hành tinh trong nhiều năm này cho biết ông sẽ thất vọng nếu Microsoft không tham gia cuộc đua AI.
Đồng thời, ông Gates cho biết công ty Inflection AI, đơn vị mới đây đã cho ra đời chatbot Pi và do doanh nhân Reid Hoffman đồng sáng lập, đã gây ấn tượng với ông.
Nhiều công ty trong ngành AI đã nỗ lực xây dựng các trợ lý máy tính được hỗ trợ bởi AI, mà người tiêu dùng có thể ra lệnh bằng lời nói hoặc văn bản để xử lý một loạt nhiệm vụ cho họ.
Gates nói: “Bất cứ ai giành được miếng bánh trợ lý cá nhân này, đó sẽ là một thành công lớn lao".