Vì sao các lu nước trong Tử Cấm Thành không bị đóng băng vào mùa đông?
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 15:00, 23/05/2023
Trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có rất nhiều lu nước lớn được sử dụng như một nguồn nước của cung điện này. Có một bí mật của chúng mà rất ít người biết, đó là chúng đã trải qua hơn 600 mùa đông mà không hề bị đóng băng, trong khi vào thời điểm đó ở Bắc Kinh, các hồ đều sẽ rơi vào trạng thái đóng băng.
Những lu nước này được đặt trong Tử Cấm Thành để làm gì? Tại sao chúng lại có số lượng nhiều như vậy?
Trong Tử Cấm Thành có tới hàng trăm lu nước lớn được đặt ở nhiều vị trí. (Ảnh: Sohu)
Sự thật về những lu nước đặt trong Tử Cấm Thành
Tại Trung Quốc, vào thời phong kiến, hoàng đế là người đứng đầu một quốc gia. Nơi hoàng đế chọn đóng đô và sinh sống sẽ trở thành trung tâm của đất nước. Tử Cấm Thành cũng là một trong những cung điện nổi tiếng nhất được biết đến của thời đại này.
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2. Đây là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Các cung điện đồ sộ trong Tử Cấm thành được khởi công vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc - vị hoàng đế kiệt xuất của triều Minh, và là một trong những vị vua lỗi lạc của Trung Quốc (tức là năm 1406), và hoàn thành sau 14 năm (tức là năm 1420).
Tử Cấm Thành là cung điện nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
Tử Cấm Thành gồm 980 tòa nhà, được cho là có 9.999 phòng và chiếm diện tích 72 ha. Bao bọc xung quanh là nhiều khu vườn và đền đài hoàng gia sang trọng. Quá trình xây dựng Tử Cấm Thành mất 14 năm, huy động tới hơn một triệu nhân công. Vật liệu được sử dụng bao gồm gỗ quý từ các khu rừng phía Tây Nam Trung Quốc và đá cẩm thạch lớn từ các mỏ đá gần Bắc Kinh.
Vì thời xưa chưa có các dụng cụ chữa cháy như ngày nay, hơn nữa các cung điện và đồ dùng của Tử Cấm Thành hầu hết là gỗ, có khả năng gặp hỏa hoạn rất cao nên họ đã đặt rất nhiều lu nước lớn ở nhiều khu vực để cứu hỏa trong những lúc nguy cấp.
Để phòng tránh hỏa hoạn, người xưa đã đặt nhiều lu nước ở trong Tử Cấm Thành. (Ảnh: Sohu)
Các lu nước này đều được tạo ra với thể tích rất lớn để đáp ứng yêu cầu của hoàng đế là chứa được nhiều nước nhất có thể. Nước bên trong luôn được đổ đầy. Nếu nước bốc hơi thì các thái giám trong cung sẽ đổ thêm. Ngoài ra, chúng còn được làm hoàn toàn bằng kim loại. Vào thời nhà Minh, các lu nước được làm bằng sắt hoặc đồng. Nhưng sau đó, đến thời nhà Thanh, chúng đều được chuyển thành lu đồng mạ vàng để thể hiện địa vị của hoàng đế.
Trong đó, bốn chiếc lu lớn ở lối vào điện Thái Hòa là lớn nhất và nặng nhất. Mỗi chiếc lu được đúc từ 2 tấn đồng thau, sau đó mạ khoảng 100 lượng vàng bề mặt.
Bốn chiếc lu lớn ở lối vào điện Thái Hòa là lớn nhất và nặng nhất. (Ảnh: Sohu)
Quả thực, kể từ khi đặt những lu nước này quanh các cung điện, khu vực quan trọng thì tỷ lệ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn ở Tử Cấm Thành giảm hẳn. Tuy nhiên, mùa đông ở Bắc Kinh thường có nhiệt độ rất thấp, có lúc xuống tới âm độ. Ở mức nhiệt này, sông ngòi, ao hồ đều bị đóng băng và những chiếc lu nước ở Tử Cấm Thành cũng không ngoại lệ. Kỳ lạ là, nước bên trong lu chưa từng bị đóng băng dù thời tiết có giá lạnh tới mức nào. Vì sao lại có chuyện như vậy? Người xưa đã sử dụng bí quyết đặc biệt nào để giữ chúng luôn ở trạng thái này?
Cách đối phó thông minh của người xưa
Nhiều người đã đặt giả thuyết rằng, khi tuyết rơi, các thái giám trong cung sẽ dùng bông phủ kín bên ngoài lu nước. Cách làm này có tác dụng giữ nhiệt nhưng thực tế lại không có hiệu quả gì nhiều đối cái giá rét của mùa đông ở Bắc Kinh. Do đó, phủ bông không phải là biện pháp đối phó hoàn hảo.
Những chiếc lu được đặt bên trên các bệ đá rỗng dưới đáy. (Ảnh: Sohu)
Các nhà thiết kế của hoàng cung đã nghĩ ra một cách khác lợi hại hơn rất nhiều. Cụ thể là trước khi đặt lu vào vị trí họ xây một bệ đá rỗng dưới đáy từng chiếc lu. Tới mùa đông, các thái giám sẽ đặt một lượng nhỏ củi dưới đáy bể nước và đun chúng để có thể duy trì nhiệt độ giữ cho nước không bị đóng băng. Hàng ngày, thái giám sẽ thay phiên nhau kiểm tra nước trong lu. Nếu nước hạ nhiệt hoặc củi bị tắt thì lập tức sẽ có người đến thêm. Ngoài ra, họ vẫn quấn bông bên ngoài những chiếc lu nước này để việc giữ nhiệt được tốt hơn.
Sau tiết Kinh Trập mùa xuân (ngày 5 hoặc 6 tháng Ba), người ta mới tắt lửa than trong bệ đá vì khi đó trời đã ấm dần lên. Việc này sẽ được duy trì từ năm này qua năm khác.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công cụ phòng cháy chữa cháy đặt trong Tử Cấm Thành đã được trang bị đầy đủ. Thế nhưng, thói quen này vẫn được các nhân viên ở Tử Cấm Thành duy trì. Vì vậy, dù đã trải qua hơn 600 năm, những lu nước này vẫn chưa từng bị đóng băng.
Qua đây, có thể thấy, phương pháp này tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, đồng thời, nó cũng thể hiện được tài trí của người xưa trong việc nghĩ ra cách đối phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong điều kiện thiếu thốn.
Nguồn: DV