Trung Quốc đáp trả ngành chip của Mỹ

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:28, 23/05/2023

Micron là công ty chip đầu tiên của Mỹ bị cấm tại Trung Quốc do tiềm ẩn rủi ro bảo mật.
Một số chip nhớ của Micron nằm trên bảng mạch. Ảnh: Reuters.

Ngày 21/5, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố cấm các công ty khai thác hạ tầng quan trọng mua chip nhớ của Micron Technology. Lý do đến từ doanh nghiệp Mỹ không vượt qua bài đánh giá an ninh mạng.

"Đánh giá cho thấy sản phẩm của Micron chứa rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây nguy hiểm bảo mật cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin chủ chốt, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc", tuyên bố của CAC cho biết.

Micron là hãng chip đầu tiên của Mỹ bị cấm tại Trung Quốc. Theo Reuters, động thái này có thể gia tăng căng thẳng trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Mỹ không hài lòng

"Chúng tôi kiên quyết phản đối các hạn chế không có cơ sở. Hành động này, cùng những động thái nhắm đến các công ty Mỹ khác, không phù hợp với tuyên bố (của Trung Quốc) về mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ khung pháp lý minh bạch", phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ khẳng định.

Quá trình đánh giá an ninh mạng với Micron tại Trung Quốc diễn ra từ cuối tháng 3. Thời điểm đó, công ty cho biết các hoạt động kinh doanh, hợp tác ở đất nước tỷ dân vẫn bình thường.

Đại diện Micron cho biết đã nhận kết quả đánh giá của cơ quan quản lý Trung Quốc, bày tỏ mong muốn "tiếp tục thảo luận" để giải quyết vấn đề. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bàn bạc trực tiếp với các nhà chức trách Trung Quốc.

"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với đồng minh và đối tác quan trọng nhằm giải quyết những tác động đến thị trường chip nhớ do Trung Quốc gây ra", đại diện cơ quan này cho biết.

Trung Quoc cam Micron anh 1
Logo Micron chụp cùng bảng mạch máy tính. Ảnh minh họa: Reuters.

Lệnh cấm Micron được Trung Quốc công bố ngay sau khi các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 đưa ra thống nhất "giảm thiểu rủi ro, không tách rời" nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tuyên bố về đối phó biện pháp cưỡng ép, bảo vệ nền kinh tế của G7 không nhắc đến Trung Quốc hay bất cứ quốc gia khác. Dù vậy, thông cáo được đưa ra sau hội nghị khẳng định các nền kinh tế sẽ chung tay giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng thiết yếu.

“Chúng tôi sẽ tìm cách đối phó thách thức từ chính sách và hành vi phi thị trường của Trung Quốc, các động thái làm méo mó nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi sẽ chống lại các hành vi xấu như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hay tiết lộ dữ liệu”, thông cáo viết.

Tuần trước, Micron công bố kế hoạch đầu tư 3,7 tỷ USD để đưa công nghệ quang khắc siêu cực tím (EUV) đến Nhật Bản. Đây là hệ thống quan trọng để tạo ra con chip cho mọi thiết bị hiện đại như xe hơi, trung tâm dữ liệu hay thiết bị di động.

Tác động hạn chế

Micron cung cấp lượng lớn chip nhớ, gồm RAM, DRAM, UFS cho máy tính, smartphone và thiết bị di động. Giới phân tích cho rằng lệnh cấm có thể không tác động lớn bởi khách hàng của công ty tại Trung Quốc chủ yếu sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính và smartphone, không cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng.

"Do sản phẩm DRAM và NAND của Micron ít xuất hiện trong máy chủ, chúng tôi cho rằng phần lớn doanh thu công ty tại Trung Quốc không đến từ doanh nghiệp viễn thông hay chính phủ. Vì vậy, tác động (của lệnh cấm) với Micron sẽ khá hạn chế", các nhà phân tích của Jefferies nhận định.

Theo Jefferies, doanh thu của Micron tại Trung Quốc (gồm đại lục và Hong Kong) trong năm 2022 là 5,2 tỷ USD, chiếm khoảng 16%. Tác động của lệnh cấm có thể chỉ ảnh hưởng đến 2% doanh số.

Trung Quoc cam Micron anh 2
Chip nhớ do SK Hynix sản xuất. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc định nghĩa các lĩnh vực "quan trọng" gồm thông tin liên lạc và vận tải công cộng, nhưng không nêu cụ thể những hình thức kinh doanh liên quan.

Lệnh cấm Micron của Trung Quốc giúp các công ty trong nước hưởng lợi. Cổ phiếu Gigadevice Semiconductors, Ingenic Semiconductor và Shenzhen Kaifa đều tăng 3-8%.

Các công ty chip nhớ lớn như Samsung Electronics và SK Hynix cũng ghi nhận cổ phiếu tăng lần lượt 0,7% và 2% trong phiên giao dịch đầu ngày 22/5.

Do các doanh nghiệp nội địa chưa thể bắt kịp về công nghệ và năng lực, Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm đối tác khác để mua chip nhớ thay cho Micron, chẳng hạn như Samsung, SK Hynix, Kioxia, Western Digital...

Trong số đó, Samsung và SK Hynix sở hữu nhà máy tại Trung Quốc nên có thể thu hút nhiều khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng quan trọng.