Liệu ông Biden có dùng Tu chính án thứ 14 để ngăn Mỹ vỡ nợ?
Tin thế giới - Ngày đăng : 08:55, 23/05/2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đau đầu giải quyết bài toán nợ công Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan hành pháp Mỹ đang nghiên cứu các phương án để tránh cho nước này rơi vào cảnh vỡ nợ nếu chính phủ không đạt được thỏa thuận với Quốc hội. Một trong những phương án tiềm năng là sử dụng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, theo AP.
Tuy nhiên, thời gian dường như không ủng hộ ông Biden. Phương án trên gần như chắc chắn sẽ bị đưa ra tranh chấp trước tòa, khiến Nhà Trắng khó có thể triển khai trước ngày 1/6. Đây là thời điểm mà nước Mỹ có khả năng rơi vào cảnh không thể trả nợ, theo Bộ Tài chính Mỹ.
“Chúng tôi chưa nghĩ ra hành động đơn phương nào có thể thành công trong 2-3 tuần. Đây chính là vấn đề”, ông Biden nói với báo giới.
Trong con mắt của ông chủ Nhà Trắng, sử dụng Hiến pháp là phương án đầy rẫy rủi ro. Tuy nhiên, nếu Nhà Trắng và phe Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, ông Biden có thể sẽ phải xem xét các lựa chọn mang tính khẩn cấp. Bản thân ông cũng chưa gạt bỏ hoàn toàn phương án trên.
Có gì trong Tu chính án 14 Hiến pháp Mỹ?
Được thông qua sau khi nội chiến Mỹ chấm dứt, điều 14 của Hiến pháp Mỹ thường được biết đến với nội dung về quyền công dân và sự đối xử công bằng trước pháp luật. Tòa án Tối cao Mỹ từng dùng điều khoản này để xóa bỏ tình trạng trường học chỉ phục vụ một chủng tộc hay để công nhận hôn nhân đồng giới.
Tuy nhiên, Tu chính án 14 Mỹ còn một câu khác đang được các chuyên gia pháp lý săm soi từng chữ: “Tính hợp lệ của những khoản nợ công của Mỹ, vốn được luật pháp đảm bảo, [...], sẽ không thể bị nghi ngờ”.
Giới chuyên gia pháp lý lập luận rằng theo câu chữ của Tu chính án thứ 14, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều vi hiến. Do đó, Tổng thống Biden có nghĩa vụ vô hiệu hóa trần nợ công nếu Quốc hội Mỹ quyết định không tăng trần nợ.
Điều gì đang được thảo luận?
Quốc hội Mỹ có thẩm quyền đặt hạn ngạch vay nợ, do đó, thẩm quyền điều chỉnh trần nợ cũng thuộc về cơ quan lập pháp này.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn đứng trước áp lực phải tự mình hành động trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Cộng hòa coi việc để nước Mỹ vỡ nợ là con bài mặc cả có thể chấp nhận được.
Bản thân cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước cũng khuyên đảng Cộng hòa chấp nhận phương án vỡ nợ nếu không được nhượng bộ.
“Tôi xin nói với các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa rằng nếu họ (đảng Dân chủ) không cắt giảm mạnh chi tiêu, các ông/bà nên cho vỡ nợ”, ông Trump nói trong một buổi phát sóng trực tiếp trên CNN hôm 10/5.
Nhà Trắng quan ngại luồng quan điểm này có thể khiến Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không thể kêu gọi bỏ phiếu về thỏa thuận nâng trần nợ - thậm chí có thể mất chức nếu có ý định làm vậy.
Ông Biden đã nói gì?
Tổng thống Biden từng tuyên bố cơ quan hành pháp đã xem xét ý tưởng kích hoạt Tu chính án 14. Ông bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của phương án nhưng nói rằng “điều đầu tiên tôi loại trừ là vỡ nợ”.
“Vấn đề là (phương án này) sẽ phải trải qua quá trình kiện cáo”, ông Biden nói hôm 16/5. Nếu vụ việc bị mắc ở tòa án, nước Mỹ vẫn sẽ vỡ nợ.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết nếu cuộc khủng hoảng hiện nay được giải quyết, ông sẽ xem xét nghiên cứu về khả năng dùng Tu chính án 14 để tránh các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai.
“Khi chúng ta đã vượt qua, vài tháng sau, tôi sẽ nghĩ đến việc xem xét xem tòa án sẽ nói gì về hiệu quả của phương án này”, ông Biden nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo một cuộc “khủng hoảng hiến pháp” có thể sẽ xảy ra nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ công.
Phương án này từng được nghiên cứu hay chưa?
Đây không phải lần đầu tiên khả năng dùng Tu chính án 14 để tránh vỡ nợ được đem ra bàn thảo.
Hồi năm 2011, khi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và giới nghị sĩ Cộng hòa tranh cãi về vấn đề nợ công, các luật sư của Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ đã nghiên cứu phương án dùng tu chính án này như biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, họ tỏ ý nghi ngờ về khả năng thành công và chưa từng triển khai trên thực tế.