Dao, thớt, đũa... dùng bao lâu nên thay mới một lần?
Gia đình - Ngày đăng : 07:15, 23/05/2023
Rất nhiều bà nội trợ có thói quen dùng một chiếc thớt hay bộ thìa đũa hết năm này qua năm khác mà không biết rằng, thời hạn sử dụng của món đồ này thật ra khá ngắn.
Dưới đây là những đồ vật cần trong nhà bếp cần được thay thế sau thời gian nhất định để đảm bảo vệ sinh và an toàn.
Thớt
Những chiếc thớt tiếp xúc với thực phẩm sống dù là trong bếp ăn gia đình hay nhà hàng sang trọng đều ẩn chứa nguy cơ gây sự cố về sức khoẻ, đặc biệt là khi nó có vết xước. Các vi khuẩn Salmonella và E.coli thường mắc kẹt bên trong các vết xước của thớt cũ, gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và đau bụng. Việc rửa thớt sau mỗi lần sử dụng cũng không thể hoàn toàn bảo vệ bạn, vì rất khó làm sạch thực sự ở các vết xước và rãnh quá sâu.
Vì vậy, bạn nên thay dụng cụ nhà bếp này thường xuyên, các chuyên gia khuyên nên đổi thớt khoảng 3 lần mỗi năm, tùy vào mức độ thường xuyên sử dụng của bạn.
Nếu thớt của bạn trông cũ, trầy xước, có các khe nứt lồi lõm, bạn cần phải thay thế nó vì các vết nứt là nơi hoàn hảo cho vi khuẩn sinh sôi.
Mỗi vật dụng đều có hạn sử dụng riêng và cần được thay thế đúng hạn.
Dao
Bạn nên sử dụng một con dao trong 2 năm khi đã có cách vệ sinh và bảo quản thích hợp để chúng không bị mòn hay gỉ sét. Trường hợp lưỡi dao hay cán dao đã bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu sứt mẻ thì có thể thay mới con dao khác sớm hơn thời hạn sử dụng.
Đũa tre và gỗ
Hãy thay đũa khoảng 3 - 6 tháng/lần, thường xuyên chú ý vệ sinh và giữ đũa khô ráo. Cần khử trùng thường xuyên bằng nước nóng, còn những chiếc đũa nào bị mốc thì vứt đi ngay.
Ngoài ra, nếu trên đũa có những dấu hiệu sau, bạn cũng cần loại bỏ ngay: Đũa nham nhở, đổi màu, đũa có vết nứt, khe rãnh hay có mùi.
Dụng cụ chống dính
Chảo, nồi chống dính chỉ sử dụng được 2-3 năm và sau đó cần được thay thế, ngay cả khi lớp phủ trông còn nguyên vẹn. Việc dử dụng dụng cụ chống dính trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, vì teflon (chất chống dính) có thể thải ra tới 6 loại khí độc.
Dụng cụ nạo rau củ
Rất khó để rửa và loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa cũng như vi trùng trên các dụng cụ này. Ngoài ra, các lưỡi dao trở nên xỉn màu theo thời gian và thiết bị hoạt động kém hiệu quả hơn. Nên thay thế nó sau vài tháng cho đến 2-3 năm sử dụng.
Bọt biển rửa chén
Mặc dù là vật dụng để làm sạch bát đĩa, miếng bọt biển lại là nơi sinh sản của vi khuẩn và thậm chí cả nấm mốc. Những miếng bọt biển có lỗ nhỏ nên được thay thường xuyên và tốt nhất là hàng tuần. Còn những miếng bọt biển có lỗ lớn nên được thay 2 tuần một lần vì chúng thông gió tốt hơn và khô nhanh hơn.
Bọt biển rửa bát nên được thay 2 tuần/lần.
Khăn lau bếp
Khăn lau bếp là một trong những vật bẩn nhất. Bạn chạm vào chúng mọi lúc, cả trước hoặc sau khi rửa tay và trong khi nấu ăn. Và đây là cách để vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn của bạn.
Do đó các bà nội trợ tuyệt đối không được dùng mãi một chiếc giẻ rồi lau mọi nơi, phải vứt rồi thay mới ngay. Hàng ngày nên khử trùng giẻ bằng cách vò trong nước nóng khoảng 2 – 3 phút, sau vài tuần nếu có điều kiện thì mua khăn mới. Hãy mua nhiều khăn cho nhiều mục đích khác nhau, sử dụng màu sắc để phân biệt để tránh lây nhiễm chéo.
Dùng thớt đúng cách
Phân loại thớt khi chế biến: Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và rau, thực phẩm ăn liền. Hãy đảm bảo rằng bạn không bị lẫn lộn các thớt với nhau. Để phân biệt, bạn có thể đánh dấu hoặc mua những chiếc thớt có màu sắc, hình dáng, kích cỡ khác nhau.
Khử trùng thớt: Nếu chỉ rửa bằng nước, thớt sẽ không thực sự sạch và hợp vệ sinh được. Hãy khử trùng bằng nước sôi hoặc nước muối, rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn giấy (không phải khăn mềm).
Không dùng khăn để lau: Bạn nghĩ mình đang làm sạch thớt bằng cách dùng khăn lau những mẩu thức ăn trên đó? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khăn lau bếp thường là thứ bẩn nhất trong nhà bạn. Nếu bạn cần lau thớt để chuẩn bị làm thịt hoặc rau sống thì đừng sử dụng khăn vải. Vi khuẩn từ thực phẩm sẽ làm bẩn vải và sau đó lây lan xung quanh bếp khi bạn lau bề mặt các vật dụng tiếp theo.
Theo VTC.vn