Kỳ vọng ODA 'ưu đãi đặc biệt' của Nhật Bản và giấc mơ xây đường sắt cao tốc
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:41, 22/05/2023
Những cơ hội hợp tác mới dần được mở ra để giúp đất nước từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản cũng đem lại một cơ hội như thế, mà theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến đi đã thành công trên cả phương diện đa phương và song phương.
Trong chưa đầy 3 ngày tại xứ sở hoa anh đào, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế khác.
Bên cạnh những thông điệp quan trọng của Việt Nam được Thủ tướng truyền đi trong các phiên thảo luận chung tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, chuyến công tác lần này tới Nhật Bản của người đứng đầu Chính phủ còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông.
Ưu đãi đặc biệt từ khoản vay ODA của Nhật
Tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là người thay mặt Chính phủ trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ yên (khoảng 500 triệu USD) gồm: Chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương và dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Nhật Bản hiện là đối tác song phương có các khoản viện trợ không hoàn lại và khoản vay ODA lớn nhất với Việt Nam.
"Tính từ năm 1993 đến nay, Việt Nam có 207 khoản vay với tổng số tiền 2.506 tỷ yên, tương đương 22 tỷ USD. Những dự án Nhật Bản cho vay đều có lãi suất thấp, thời gian dài, công nghệ tốt và hiệu quả kinh tế cao", Bộ trưởng Tài chính thống kê.
Với 3 dự án hợp tác ODA vừa ký kết với Nhật Bản, ông Phớc cho biết riêng Chương trình hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 50 tỷ yên, do Thủ tướng hai nước cam kết để hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Khoản vay có lãi suất rất thấp, gần như bằng 0, lãi chỉ ở mức 0,01%/năm. 50 tỷ yên này được hòa vào ngân sách - là khoản ODA thế hệ mới và cũng là điểm đột phá đầu tiên trong khoản vay không có điều kiện đính kèm mà Nhật Bản dành cho Việt Nam", ông Phớc nói.
Ngoài ra, dự án hỗ trợ cải thiện hạ tầng nông nghiệp ở Lâm Đồng mang giá trị 4,3 tỷ yên, và dự án xe buýt nhanh ở Bình Dương là 6,3 tỷ yên.
Từ một điểm chung là các dự án đều có khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian dài, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ hiện đại, Bộ trưởng Tài chính kỳ vọng việc này sẽ mở ra đột phá về hợp tác ODA thế hệ mới với đối tác Nhật Bản, để Việt Nam sớm hiện thực hóa giấc mơ phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam và các công trình hạ tầng khác.
Ông Phớc phân tích thêm điểm mới khi những khoản vay ODA mới này chỉ làm thủ tục trong vòng 1 năm là có thể giải ngân. Theo ông, đây là chính sách đặc biệt Nhật Bản dành cho Việt Nam, báo hiệu một thời kỳ mới mở ra trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
"Những khoản vay của Nhật Bản có chế độ ưu đãi rất tốt, khảo sát kỹ, tiến hành với công nghệ hiện đại nên sẽ giúp kinh tế - xã hội Việt Nam vừa phát triển nhanh, vừa đảm bảo tính bền vững trong tương lai", theo lời Bộ trưởng Tài chính.
Không để "khoản vay ưu đãi thành khoản vay lãi suất cao"
Ước mơ xây tuyến đường sắt tốc độ cao cũng là điều mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Dân trí sau chuyến đi tháp tùng Thủ tướng.
Ông cho biết dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến cần khoảng 65-70 tỷ USD, đó là số vốn rất lớn. Vì vậy, bên cạnh vốn từ ngân sách và huy động doanh nghiệp, Việt Nam tính tới các phương án vay ODA của Nhật Bản, Hàn Quốc, World Bank…
"Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai bước xây dựng nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đường sắt tốc độ cao, sau đó trình Hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng, trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Quốc hội", Bộ trưởng Thắng cho biết việc đàm phán với các đối tác liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc đang được tích cực triển khai.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Tư lệnh ngành giao thông đánh giá những hỗ trợ của Nhật Bản thể hiện rất rõ nét trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều công trình Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai thông qua hình thức ODA đã đem lại tác dụng rất lớn như cầu Nhật Tân, cảng Thị Vải - Cái Mép, dự án nhà ga T2 sân bay Nội Bài…
Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang là đối tác số 1 của Việt Nam về cung cấp khoản vay ODA để triển khai các dự án, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ rất cao…
"Huy động các nguồn vốn ODA nhưng phải là ODA có ưu đãi đặc biệt mới có hiệu quả. Nếu huy động được trong giai đoạn này phục vụ cho một số dự án giao thông trọng điểm sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang có rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cũng cần sử dụng ngân sách", Bộ trưởng GTVT chia sẻ.
Khi có vốn ODA, ông Thắng cũng chia sẻ trăn trở về việc sử dụng từng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất.
Về phía Bộ GTVT, ông Thắng cho biết mỗi khi triển khai dự án đều xây dựng các kịch bản để lựa chọn phương án khả thi nhất, xây dựng công trình có chất lượng tốt nhất, chi phí hợp lý nhất, không để dự án kéo dài và đội vốn.
Dù vậy, Tư lệnh ngành giao thông cũng không khỏi lo lắng về việc quy trình, thủ tục vay ODA kéo dài có thể khiến một khoản vay với lãi suất ưu đãi trở thành khoản vay với lãi suất cao.
Với tinh thần đã được quán triệt, ông Thắng khẳng định Bộ GTVT rất quyết liệt chỉ đạo để các dự án vay ODA có tổng mức đầu tư phù hợp và tiết kiệm, không để phát sinh chi phí và kéo dài thời gian.
Bộ trưởng GTVT cho biết thêm trong chuyến đi lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến việc đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ nguồn vốn ODA thế hệ mới.
Thủ tướng cũng có nhiều cuộc gặp với các quốc gia lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Canada… để cùng các đối tác thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong phát triển kinh tế xã hội, đầu tư và thương mại.
Ông Thắng kỳ vọng tới đây, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia trong G7, G7 mở rộng có nhiều cơ hội hợp tác, đem lại lợi ích về phát triển kinh tế, xã hội để giúp Việt Nam và các nước cùng vượt qua những thách thức mang tính toàn cầu.
Thông điệp về hòa bình và phát triển bền vững
Trở lại với sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima với tư cách khách mời, nhiều lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế đánh giá điều này thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tham dự 3 phiên thảo luận chung với sự tham dự của 7 nước thuộc nhóm liên minh G7, 8 nước khách mời và nhiều tổ chức quốc tế lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần lượt có 3 bài phát biểu quan trọng, truyền đi thông điệp của Việt Nam trong từng nhóm vấn đề.
Trong phiên thảo luận "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", Thủ tướng cho rằng bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu, theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Hoan nghênh sáng kiến của G7 về Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.
Thể hiện quan điểm trong phiên thảo luận "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước.
Ông đề nghị các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả những cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xóa, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển. "Đây là thách thức rất lớn nhưng là con đường Việt Nam lựa chọn trên cơ sở phát huy nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá", theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ba thông điệp quan trọng khác về hòa bình, ổn định và phát triển cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật trong phiên thảo luận chung mang chủ đề "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Thủ tướng nhấn mạnh hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.
"Là một đất nước từng trải qua chiến tranh, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại, cũng như mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân", Thủ tướng chia sẻ.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải", Thủ tướng khẳng định.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng Việt Nam mong các bên liên quan sớm chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
"Là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu các giá trị của hòa bình", Thủ tướng nhấn mạnh.
Những cái bắt tay tại hội nghị và cam kết thúc đẩy hợp tác
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tranh thủ từng giây, từng phút để gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước cùng đối tác quốc tế, những doanh nghiệp lớn, nhằm thúc đẩy việc hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực.
Lịch trình của người đứng đầu Chính phủ vì thế gần như không có khoảng trống trong gần 3 ngày làm việc tại Hiroshima, Nhật Bản. Có ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động từ 7h40 và làm việc liên tục đến 22h30.
Nhờ sự nỗ lực, năng động ấy, chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi trong khuôn khổ Hội nghị G7 và G7 mở rộng, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã gặp tất cả lãnh đạo các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh thuộc khối G7, các quốc gia và các tổ chức quốc tế là khách mời của G7 mở rộng.
Trong những cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol… lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các nước cùng nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong những lĩnh vực đang dần trở thành xu hướng phát triển chung như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lượng sạch…
Hy vọng về thúc đẩy hợp tác cũng được mở ra sau nhiều cuộc tiếp xúc giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Tiếp ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz, Thủ tướng đề nghị Sojitz tiếp tục mở rộng đầu tư các hệ sinh thái khu công nghiệp, làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp có nguồn lực về vốn, công nghệ, năng lực quản trị của Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Fujimoto Masayoshi cam kết Sojitz sẽ đầu tư mạnh mẽ, lâu dài tại Việt Nam. Ông cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp lớn, đang muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam hoặc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.
Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON - ông Akio Yoshida, cũng thông tin AEON đã đầu tư hơn 1,18 tỷ USD vào Việt Nam. Tập đoàn này đã mở 6 trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành lớn của Việt Nam và dự kiến phát triển thêm 20 cơ sở.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tập đoàn AEON chọn Việt Nam là cứ điểm kinh doanh để tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại, khu hàng giảm giá tại khu vực ngoại thành, kết hợp mua sắm với vui chơi, giải trí.
Theo Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, tổ chức quốc tế.
Đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam, các đối tác khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
"Nhìn lại, chuyến công tác của Thủ tướng đã cho thấy hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu", theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.