Chuyện ít biết về nữ VĐV Việt mất cả cha lẫn mẹ vẫn giành nhiều kỷ lục
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 10:08, 21/05/2023
Đáp chuyến bay xuống sân bay Nội Bài, nhìn cảnh các vận động viên trong đoàn có người nhà đến đón, tay bắt mặt mừng, Phạm Thị Thu không khỏi chạnh lòng.
Cô lặng lẽ trở về căn nhà nhỏ ở xã Thái Dương (huyện Bình Giang, Hải Dương) đặt 5 tấm huy chương (3 vàng, 2 đồng) lên ban thờ để mừng công cùng bố mẹ và anh trai. Thu không ngăn được những dòng nước mắt.
Cô khóc vì bản thân đã làm được điều như ước nguyện của bố mẹ khi còn sống và khóc vì tủi thân khi những người ruột thịt không còn ở bên chia sẻ cùng cô niềm vui chiến thắng.
Ít ai biết rằng, sau những tấm huy chương lấp lánh là sự nỗ lực vượt bậc của nữ vận động viên trẻ để vượt qua nghịch cảnh éo le khi những người thân yêu nhất của cô cứ lần lượt ra đi.
Từng muốn nghỉ lặn vì cú sốc gia đình
Phạm Thị Thu sinh năm 2002 trong một gia đình thuần nông ở Hải Dương. Từ nhỏ, Thu đã có chiều cao vượt trội. Năm 2012, khi cán bộ của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương về các trường học, họ vô cùng ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn vào chiều cao của Thu nên đã tuyển cô vào đội bơi của tỉnh.
Vốn thích thể thao nên khi biết tin, bố Thu động viên con gái tham gia tập luyện. Trái lại mẹ thì có phần lo lắng. Bà lo con gái sẽ vất vả, sống xa gia đình quá sớm sẽ thiệt thòi. Sau cùng, gia đình vẫn thống nhất ủng hộ Thu tham gia tập bơi.
Vậy nên, từ năm học lớp 5, Thu đã chuyển đến trung tâm đào tạo thể thao của tỉnh. Trung tâm cách nhà 30km nên mỗi tuần Thu chỉ được về thăm bố mẹ một lần.
Thời gian đầu, Thu nhớ nhà lắm. Khi ấy, cô bé 10 tuổi chỉ biết vin vào lời của thầy cô rằng "nếu chịu khó sẽ thoát được cảnh chân lấm tay bùn, thi đấu tốt sau này còn có thể giúp đỡ, báo hiếu cha mẹ" làm động lực cố gắng.
Tập luyện được khoảng một năm, Thu đi thi đấu và giành tấm huy chương đầu tiên. Sau đó, thấy nữ vận động viên phù hợp với môn lặn hơn, các huấn luyện viên đã chuyển hẳn cô sang đội lặn.
Năm 2016, mẹ Thu không may qua đời vì bạo bệnh. Cú sốc đầu đời khiến cô gái trẻ cạn khô nước mắt. Thu phân vân trước con đường mờ mịt phía trước và tự hỏi "dừng lại hay bước tiếp?". Thời điểm ấy, mỗi lần về nhà thấy bố vò võ một mình, Thu lại lén lau nước mắt.
"Mẹ mất, anh trai đi bộ đội, chỉ có mình bố tôi ở nhà. Tôi nghĩ hay là mình nghỉ lặn về quê xin đi làm công nhân rồi chăm sóc bố", Phạm Thị Thu chia sẻ với Dân trí.
Biết được tâm tư của Thu, bố cô động viên con gái nên kiên định với con đường mình đã chọn. Ở trung tâm, thầy Phạm Đăng Khoa, huấn luyện viên của Thu cũng hết lòng quan tâm, giúp đỡ cô vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nỗi đau mất mẹ vừa mới nguôi ngoai thì Thu hay tin anh trai của mình mắc bệnh ung thư. Ngày tiễn anh rời xa cõi tạm, Thu đau đớn ước bản thân có nhiều thời gian hơn để chăm sóc những người mình thương yêu.
Một lần nữa, câu hỏi "dừng lại hay tiếp tục" trở lại trong đầu. Khi ấy người bố thân yêu và các huấn luyện viên cùng bạn bè đã ở bên sát cánh tiếp thêm động lực cho Thu bước tiếp. Thương bố suốt ngày lủi thủi một mình, thời gian sau đó, Thu động viên bố đi bước nữa để cô an tâm mỗi lúc xa nhà.
Những tưởng đắng cay sẽ dừng lại trước tổ ấm muộn của bố nhưng không ngờ ít lâu sau, người bố cũng qua đời vì bệnh trọng. Thu hoàn toàn suy sụp khi những người thân yêu nhất lần lượt rời bỏ mình. Cô như con cá bơ vơ lạc lõng giữa làn nước lạnh, không còn ai để bấu víu giữa cuộc đời.
Thấy Thu phải đối diện với nỗi đau quá lớn, các huấn luyện viên cùng bạn bè trong đội chỉ lo cô sẽ bỏ ngang. Theo sát Thu suốt một thời gian dài, thầy Khoa biết rằng cô rất có triển vọng. Nếu dừng lại thì mọi cố gắng những năm qua đổ sông đổ bể.
Về phần mình, Thu tự trách bản thân khi không có nhiều thời gian ở bên gia đình. Cô thầm ước thời gian quay trở lại để có thể chăm sóc họ được tốt hơn.
Song cô không còn suy nghĩ bỏ cuộc nữa. Những ngày sau đó, Thu lao vào tập luyện để quên đi nỗi buồn. Có lẽ, khi ở dưới làn đua xanh, những mất mát trong cô bớt xé buốt. Cứ như thế, Thu dần khẳng định mình và gặt hái được những thành tích ấn tượng tại các giải lặn trong nước và khu vực.
Dù thế nào vẫn phải tiến lên phía trước
Đồng hành cùng Phạm Thị Thu từ khi cô mới chân ướt chân ráo vào đội tuyển tỉnh, thầy Phạm Đăng Khoa chia sẻ với Dân trí: "Thu có hoàn cảnh rất thiệt thòi, mất cả bố mẹ và anh trai. Có những khoảng thời gian, tinh thần của em đi xuống rất nhiều".
Thương học trò, thầy Khoa luôn ở bên chia sẻ, nêu ra những ưu điểm vượt trội của Thu để cô thêm tự tin.
Ông cũng nói với Thu rằng, dù bố mẹ và anh trai không còn ở bên để chứng kiến cô chiến thắng nhưng cô vẫn cần tiến lên phía trước để thỏa ước nguyện của các bậc sinh thành.
Mỗi lần khi chia sẻ về hành trình thể thao của mình, Thu đều tránh nhắc đến hoàn cảnh gia đình vì không muốn nhận về sự thương hại từ người khác.
Song có lẽ thật thiếu sót khi viết về thành công của Thu mà không nhắc tới những khó khăn cô phải trải qua trong chuỗi ngày tháng tập luyện miệt mài hơn chục năm trời.
Vinh quang của Thu không chỉ đánh đổi bằng mồ hôi, công sức mà còn bằng rất nhiều nước mắt. Cô gái trẻ không chỉ vượt qua sự thiếu thốn về vật chất, điều kiện tập luyện sơ sài, những ảnh hưởng về sức khỏe đôi tai khi suốt ngày chìm dưới nước mà còn nỗ lực đối diện với nghịch cảnh trớ trêu, biến đau thương thành động lực để cố gắng.
Chia sẻ về cuộc sống của mình, Thu cho biết, như các vận động viên khác trong tỉnh, hàng tháng cô được nhận khoản lương theo hệ số.
Ở thời điểm hiện tại mức lương của Thu là khoảng 3,9 triệu đồng. Với khoản tiền ấy, Thu dành một phần cho bản thân, một phần cô gửi về hỗ trợ mẹ hai nuôi em nhỏ.
Hiện tại, sau SEA Games 32, Thu đang tạm nghỉ ngơi một tuần trước khi trở lại trung tâm tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho giải bơi, lặn vô địch trẻ quốc gia.
Thu tự nhủ, bản thân cần cố gắng rất nhiều và cô tin, dù ở nơi đâu, những người thân yêu nhất vẫn sẽ đồng hành, cổ vũ cho cô.
Nữ vận động viên trẻ sở hữu nhiều kỷ lục
Đội tuyển Lặn Việt Nam khép lại kỳ SEA Games 32 thành công rực rỡ khi giành đến 14 HCV, bỏ xa các đoàn xếp sau, qua đó khẳng định vị thế số 1 khu vực. Đóng góp vào thành công đó, nữ vận động viên người Hải Dương Phạm Thị Thu có 3 HCV và 2 HCĐ.
Các nội dung Thu giành HCV lần này là 4 lần 100m tiếp sức vòi hơi chân vịt nữ, đồng đội thi đấu cùng là Trần Phương Nhi, Đặng Thị Vương, Phạm Thị Thu, Cao Thị Duyên. Thành tích thi đấu là 2 phút 43 giây 56, phá kỷ lục SEA Games. Ngoài ra, nội dung 4 lần 200m tiếp sức nữ, 4 lần 50m phối hợp nam nữ Thu tham gia cũng giành HCV.
Trong kỳ SEA Games 31 trước đó được tổ chức tại Việt Nam, Thu giành 2 HCV và phá 2 kỷ lục quốc gia. Bên cạnh thành tích tại các kỳ SEA Games, Thu cũng giành nhiều HCV tại giải lặn vô địch trẻ châu Á, giải lặn vô địch toàn quốc...
Hiện tại, Phạm Thị Thu sở hữu 11 kỷ lục quốc gia, đây là thành tích chưa có vận động viên lặn nào xô đổ được. Theo đánh giá của các chuyên gia, cô là một trong những vận động viên lặn tốt nhất của Việt Nam trong những năm qua.