Điểm tin công nghệ 21/5: Sản phẩm mới của Apple sẽ rất đắt
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 21/05/2023
- Sản phẩm mới của Apple sẽ rất đắt
Dựa trên chi phí sản xuất, mẫu kính thực tế hỗn hợp của Apple sẽ có giá bán khoảng 3.000 USD.
Theo công ty nghiên cứu Wellsenn XR từ Trung Quốc, mẫu kính thực tế hỗn hợp (XR) sắp ra mắt của Apple có chi phí vật liệu (BoM) ước tính khoảng 1.400 USD. Cộng thêm phí vận chuyển, con số trên có thể đạt 1.600 USD.
Thành phần đắt nhất của thiết bị là màn hình OLED với giá 280-320 USD/chiếc, mỗi kính sử dụng 2 màn hình. Ngoài ra, hệ thống gồm 14 camera để theo dõi chuyển động, nhận diện không gian sẽ có tổng chi phí khoảng 160 USD.
Về phần cứng, tin đồn cho biết kính XR sẽ trang bị chip M2, RAM 12 GB, ổ cứng SSD 512 GB, Wi-Fi 6 và Bluetooth 5.3 giúp kết nối nhanh chóng. Công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất phức tạp khiến chi phí sản xuất khá đắt.
So với đối thủ, kính XR của Apple có chi phí sản xuất đắt hơn. Brad Lynch, chuyên gia phân tích thiết bị XR, cho biết chi phí sản xuất Meta Quest Pro chỉ bằng một nửa so với sản phẩm của Apple.
Kính thực tế ảo của Meta có giá bán 1.500 USD, sau đó giảm còn 1.000 USD. Điều đó đồng nghĩa Meta thu về khoảng 250 USD cho mỗi thiết bị đến tay người dùng.
- Các thị trường mới nổi là tương lai của Apple
Các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia đang trở nên quan trọng với Apple khi tốc độ tăng trưởng ở loạt thị trường phát triển chẳng hạn như Trung Quốc chậm lại.
Giám đốc điều hành Tim Cook chỉ ra tương lai công ty nằm ở các nền kinh tế mới nổi, gọi các thị trường này là điểm sáng trong kết quả tài chính của Apple. Ông đặc biệt hài lòng với tình hình kinh doanh quý 1/2023 tại thị trường mới nổi.
“Apple đạt kỷ lục mọi thời đại ở Mexico, Indonesia, Philippines, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cũng như đạt kỷ lục quý kết thúc vào tháng 3 tại một số thị trường trong đó có Brazil, Malaysia, Ấn Độ”, Giám đốc Tim Cook nói với giới phân tích. Thành tích trên đạt được trong bối cảnh Apple ghi nhận tổng doanh số giảm 2 quý liên tiếp, làm dấy lên lo ngại nhu cầu sụt giảm do kinh tế bất ổn.
Theo Giám đốc điều hành Công ty tài chính Wedbush Securities Daniel Ives: “Rõ ràng tốc độ tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại làm tăng thêm áp lực buộc Apple theo đuổi các thị trường mới nổi”. Ông dự báo vài năm tới Indonesia, Malaysia, Ấn Độ sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn trong doanh số hãng.
Giám đốc Ives lưu ý rằng, Apple thường bắt đầu bán hàng trực tuyến trước khi mở cửa hàng truyền thống ở một quốc gia nào đó. Chiến lược này từng được thực hiện tại Ấn Độ. Nhà phân tích Chiew Le Xuan (Công ty tư vấn Canalys) nhận định, cửa hàng trực tuyến mở tại Việt Nam tuần qua phản ánh rõ Apple đang củng cố hơn nữa sự hiện diện tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.
Tiềm năng phát triển hiện rất lớn. Hiện tại hãng chỉ mới điều hành chuỗi cửa hàng riêng ở một số nền kinh tế phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Ngay cả ở Indonesia - thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 6 thế giới - vẫn chưa có cửa hàng Apple nào. Theo dữ liệu Canalys, thị phần Apple tại Indonesia năm 2022 chỉ mới là 1%.
- Samsung từ bỏ kế hoạch thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone từ Google sang Bing
Theo nguồn tin của WSJ, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới dừng đánh giá nội bộ về khả năng thay thế Google bằng Bing trên các thiết bị di động của họ. Google sẽ tiếp tục là công cụ tìm kiểm mặc định trên trình duyệt web của Samsung.
Với vị thế của đối thủ xếp ngay phía sau, bất kỳ động thái nào liên quan đến việc từ bỏ Google Search đều có lợi cho Bing. Trong thời gian qua, công cụ tìm kiếm của Microsoft có những bước tiến đáng chú ý, đặc biệt là sau khi tích hợp nền tảng chatbot của OpenAI.
Cả Google, Microsoft và Samsung đều từ chối bình luận. Triển vọng công cụ tìm kiếm của Samsung thay đổi từ Google sang Bing được New York Times tiết lộ vào tháng trước.
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc ban đầu cân nhắc chuyển đổi công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, việc này không thay đổi đáng kể hiện trạng vì phần lớn người dùng smartphone Samsung không sử dụng ứng dụng Internet do công ty phát triển. Phần lớn họ chọn các trình duyệt khác, bao gồm Google Chrome, cũng được cài đặt sẵn trên điện thoại Samsung.
Hiện tại, Samsung quyết định sẽ không thảo luận nội bộ thêm về vấn đề này do lo ngại sự việc sẽ gây ra những tác động không mong muốn và ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác sâu rộng với Google. Bing vẫn có thể là một lựa chọn trong tương lai.
Samsung xuất xưởng khoảng 260 triệu smartphone trong năm 2022, theo nghiên cứu của Counterpoint Research, chiếm khoảng 1/5 tổng số trên toàn thế giới. Google đóng vai trò là công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone Samsung kể từ khi Galaxy S thế hệ đầu tiên ra mắt, vào năm 2010.
Tuy nhiên, bộ phận kinh doanh smartphone của Samsung cũng coi việc phụ thuộc quá nhiều vào phần mềm của Google là một mối lo ngại. Nguồn tin của WSJ cho biết việc tìm hiểu khả năng chuyển sang Bing là một phần trong nỗ lực liên tục của Samsung nhằm tìm cách đa dạng hóa phần mềm trên smartphone và xem xét các dịch vụ mới.
Công cụ tìm kiếm của Google, trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới, hiện chiếm khoảng 93% lượt tìm kiếm trên máy tính và thiết bị di động, trong khi Bing chiếm khoảng 3%, theo dữ liệu theo dõi mới nhất từ Statcount.
Google có các hợp đồng béo bở với Samsung và Apple để đảm bảo các ứng dụng, dịch vụ của họ xuất hiện mặc định trên thiết của 2 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Google trả cho Apple từ 8-12 tỷ USD/năm, trong khi hợp đồng tương tự đối với Samsung có thể ít hơn đáng kể.