Phát minh mới giải quyết ô nhiễm không khí tại Ấn Độ
Khoa học - Ngày đăng : 14:37, 20/05/2023
Tháp lọc có tên Verto được thiết kế bởi công ty kiến trúc Studio Symbiosis với chiều cao 5,5 mét giúp giảm mức độ nito dioxit và các hạt bụi mịn nguy hiểm bằng cách lọc 600.000 mét khối không khí mỗi ngày (tương đương với thể tích của 273 chiếc khinh khí cầu).
Verto có cấu trúc thẳng đứng, bên trong chứa năm khối lọc không khí xếp chồng lên nhau và được bao phủ bởi những lớp vỏ hình tam giám nhỏ để tối đa hóa lượng gió kéo vào trong bộ lọc.
Amit và Britta Knobel Gupta, đôi vợ chồng đồng sáng lập công ty cho biết các tòa tháp có khả năng làm sạch không khí trong bán kính từ 200 đến 500 mét trong không gian kín và 100 đến 350 mét đối với ngoài trời, tùy thuộc vào tốc độ gió và mức độ mở của môi trường xung quanh.
Theo chia sẻ từ Studio Symbiosis, phát minh hiện đang được săn đón tại các quốc gia tiềm năng như Uzbekistan, Pháp và Newzealand. Ngoài ra, phía Mỹ đang xem xét đặt khoảng 40 tòa tháp để lọc khí tại khu vực công trường xây dựng.
"Tôi nghĩ chúng có thể được lắp đặt ở các công viên công cộng, khu quảng trường hay những nơi đông dân cư để đảm bảo luồng khí sạch cho tất cả mọi người", theo Britta.
Lí do chính để tháp lọc không khí ra đời bởi chỉ riêng trong năm 2019, việc ô nhiễm không khí đã gây ra cái chết cho gần 1,6 triệu dân tại Ấn Độ. Đặc biệt là thành phố New Delhi, khu vực thường xuyên bị bao phủ trong khói bụi, khí thải giao thông, khí đốt cây trồng và các nhà máy điện.
Tháp lọc Verto không chỉ có chức năng tiết kiệm năng lượng mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường. Nó có thể thay đổi công suất tùy theo điều kiện địa phương, chạy chậm lại khi mức độ ô nhiễm thấp. Các kiến trúc sư cũng tuyên bố rằng, mỗi tòa tháp tiêu thụ điện năng có tốc độ tương đương với máy hút bụi công nghiệp nhưng lại mạnh hơn gấp nhiều lần.
Người đứng đầu dự án cho biết thêm, các máy lọc cần được thay từ 3 cho đến 9 tháng một lần. Tiếng ồn do tháp tạo ra là 75 decibel, tương tự như âm thanh của máy xay sinh tố tiêu chuẩn.