Cầu mới thi công 'rùa bò', dân liều mình đánh cược mạng sống qua cầu 'tử thần'
Xã hội - Ngày đăng : 14:13, 20/05/2023
Từ nhiều năm nay, cầu Máng bắc qua sông Trường Giang, nối liền 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, "gieo" mối hiểm nguy thường trực khiến người dân địa phương khiếp đảm.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, cầu Máng có tổng chiều dài 300m, rộng chưa đầy 1m, được xây dựng từ cách đây gần 40 năm với mục đích tạo đường dẫn nước phục vụ cho nông nghiệp. Về sau, để rút ngắn quãng đường sang trung tâm huyện, người dân xã Tam Tiến thường xuyên di chuyển qua cầu này, nhất là học sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn xã. Từ đó, chính quyền địa phương quyết định đầu tư dây cáp, giăng 2 bên thành cầu để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của bà con.
Thế nhưng, khoảng 15 năm trở lại đây, cầu Máng bộc lộ dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng và bị đặt trong tình trạng "báo động" bởi nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Hiện tại, mặt cầu bong tróc, xuất hiện dày đặc các vết nứt; những cây trụ bằng bê tông cốt thép với nhiệm vụ kết nối các sợi dây cáp làm lan can cũng bị bật móng, nằm ngả nghiêng.
Trải qua nhiều năm bị bào mòn, không ít trụ bị bong tróc gần hết bê tông và chỉ còn trơ lõi sắt. Chính sự rệu rã của cây cầu đã "gieo" nên hàng loạt cái chết thảm thương và trở thành nỗi ám ảnh đeo đẳng khiến người dân trong vùng khiếp đảm.
Ngày cuối tuần, chị Hồ Thị Lài (42 tuổi) cùng chồng chạy xe máy từ TP Tam Kỳ về quê ở xã Tam Tiến. Cũng như nhiều người đèo nhau bằng xe máy khác, khi đến đầu cầu Máng (phía xã Tam Xuân 1), chị phải xuống xe để chồng một mình lái xe vượt cây cầu "vĩnh biệt". "Nếu cả hai cùng ngồi trên xe phóng qua thì sẽ rất nguy hiếm. Vì vậy, gần 20 năm lấy chồng và định cư ở thành phố, mỗi khi chạy xe về quê, tôi đều đi bộ qua cầu chứ không dám ngồi trên xe" - chị Lài chia sẻ.
Theo chị Lài, bao năm qua, nói đến cầu Máng, bà con quê chị vẫn thường gán cho cái tên cầu "vĩnh biệt" hay cầu "tử thần" bởi số người bỏ mạng khi "đánh đu" qua cây cầu này đã lên tới hàng chục. "Cho tới giờ, người dân trong vùng thỉnh thoảng vẫn nhắc về câu chuyện rất đỗi thương tâm của hai bạn trẻ. Tôi còn nhớ như in, hồi đó là năm 2009, cặp vợ chồng sắp cưới đèo nhau đi gửi thiệp mời cho người thân ở xã Tam Tiến. Lúc về đến giữa cầu, giông gió nổi lên khiến hai người rơi xuống sông và chết đuối thương tâm" - chị Lài kể.
Tương tự như chị Lài, kể từ ngày theo chồng và rời Tam Tiến định cư ở nơi khác, mỗi lần về quê, chị Trương Thị Ê Sin lại mang trong mình nỗi thấp thỏm, âu lo. "Trung bình một tháng, em ẵm con nhỏ về thăm nhà một lần nhưng tới đầu cầu phía Tam Xuân 1 là chồng phải dừng xe để em cuốc bộ qua. Những hôm trời êm còn đỡ lo, chứ gặp mưa to, giông gió là sợ khiếp vía. Biết bao nhiêu người đã bỏ mạng ở cây cầu này rồi nên bà con chỉ mong có cầu mới đi lại để đảm bảo an toàn" - chị Sin bộc bạch.
Niềm mong mỏi của chị Lài, chị Sin cùng hàng nghìn người dân tự bao đời qua là một ngày không xa sẽ có cây cầu kiên cố nối đôi bờ Trường Giang, để những cái chết thương tâm không còn gieo rắc bà con mỗi khi đi qua cầu "vĩnh biệt". Vậy nên, khi nghe thông tin dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng (năm 2019), đặt mục tiêu bàn giao vào tháng 11/2022, ai nấy đều khấp khởi mừng vui.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, cây cầu mơ ước của biết bao thế hệ người dân trong vùng vẫn còn chìm trong sự dang dở bởi dự án chậm tiến độ do hàng loạt nguyên nhân, mà nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng.
“Tổng cộng đã có 17 người thiệt mạng khi lưu thông qua cầu Máng. Vì vậy, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, khi cầu mới hoàn thành, chính quyền địa phương sẽ chính thức chặn hoàn toàn hai đầu cầu Máng, tuyệt đối nghiêm cấm phương tiện xe máy, xe đạp" - ông Trần Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết.