Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt

Dòng chảy - Ngày đăng : 00:06, 20/05/2023

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt vẫn còn nguyên giá trị cho thế hệ hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp".

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một nhà báo cách mạng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Dù trong các bài viết hay khi nói chuyện, Người đặc biệt quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Với quan điểm "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quan trọng về việc thành lập các lớp bình dân học vụ để mọi tầng lớp nhân dân đều biết đọc, biết viết, biết sử dụng tiếng nói của mình với tư cách là người chủ của đất nước.

Bác Hồ và sự trong sáng của tiếng Việt - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học bình dân học vụ của người dân khu lao động Lương Yên, Hà Nội (27/5/1956). Ảnh: TTXVN

Trong suốt cuộc đời, Người là tác giả của khoảng 2.000 bài báo bằng các bút danh khác nhau. Theo GS.TS.NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: ''Đối với Bác, làm báo cũng như viết văn phải giải quyết ba vấn đề: Viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào. Ngôn từ là vũ khí sắc bén duy nhất của những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa cho nên ngôn từ phải trong sáng, dễ hiểu là yêu cầu số một mà Bác đặt ra cho mọi người''.

Chỉ trong vòng 15 năm, từ tháng 10 năm 1947 đến tháng 12 năm 1962, Người đã 5 lần bàn về cách nói, cách viết, cách dùng từ ngữ, cách vay mượn từ ngữ.... Nghệ thuật ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được kết tinh trong bản di chúc thiêng liêng 1.000 từ mà Người để lại cho toàn dân.

''Trong bản di chúc này, Người còn đặt từ đồng bào lên trước đồng chí. Dân là trước hết, dân là cao nhất, Đảng là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Năm 1951, Bác dùng từ "phú cường" thì trong di chúc năm 1969, Bác chữa thành giàu mạnh, rất dễ hiểu với đồng bào và đó là sự trong sáng của tiếng Việt'', GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết.

GS.TS.NGND Trần Văn Bính nhấn mạnh: ''Bởi vì bảo vệ trong sáng tiếng Việt chính là bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn người Việt''.