Thủ khoa Trường ĐH Mở đạt điểm tuyệt đối nhờ bộ sưu tập làm trong 1.500 giờ
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:25, 18/05/2023
Dành 1.510 giờ để thực hiện bộ sưu tập mang đậm bản sắc dân tộc
Tân thủ khoa Đại học Mở Hà Nội - Vũ Trung Kiên (nghệ danh Kiên Vũ, sinh năm 2000, Hải Phòng) đã bỏ ra 1.510 giờ để hoàn thành 4 bộ váy, trung bình một chiếc váy tốn khoảng 377 giờ đính kết và may đo kiểu dáng. Bộ sưu tập được các giảng viên nhà trường chấm điểm tuyệt đối 10/10.
Để sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo lưu giữ vẻ đẹp truyền thống nhưng phá cách, nam sinh Kiên Vũ cho biết: "Sự cách điệu, kết hợp giữa cái mới và cái cũ là tư duy được mình nhìn nhận và chinh phục từ năm nhất đại học". Gắn liền với thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhà thiết kế trẻ thường tìm cảm hứng sáng tác trong đời sống thường nhật.
"Cảm hứng sáng tác của mình đơn giản, chân phương theo chiều hướng bay bổng, phóng khoáng", Tân thủ khoa chuyên ngành Thiết kế thời trang Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ.
Chàng trai trẻ tự nhận mình là người khá cầu toàn trong công việc nên khi nhận thấy bộ trang phục lấy ý tưởng từ "Quy" chưa toát ra được tinh thần của hình tượng rùa, Kiên Vũ đã cùng cộng sự dựng lại một bộ mới trong vòng 48 giờ để kịp show diễn tốt nghiệp. "Chiếc váy này đính kết 3D nhiều cùng với kỹ thuật đan lát, phải làm thủ công hoàn toàn nên mình cảm thấy rất áp lực", Kiên Vũ nói.
Chia sẻ về sự độc đáo trong thiết kế của bản thân so với những tác phẩm khác, Kiên Vũ cho hay: "Bộ sưu tập của mình đem đến một màu sắc mới trong làng thời trang bởi lẽ, nó được lấy cảm hứng từ tinh thần tâm linh. Các chi tiết nổi bật của 4 bộ trang phục được chọn lọc dựa trên thời trang truyền thống kiểu dáng phóng khoáng, bay bổng mà mình kỳ công nghiên cứu.
Khi nhìn vào các sáng tác của mình, để có thể bình luận, người chiêm ngưỡng phải nhập tâm và đắm chìm vào tác phẩm thì mới nhìn thấy được vẻ đẹp ẩn sâu bên trong "bức tranh trừu tượng" ấy".
Chia sẻ về những khó khăn khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, nam sinh cho biết, kinh tế là một phần trở ngại lớn. "Linh Sắc" đòi hỏi độ tỉ mỉ, chỉn chu, đính kết cao nên trong quá trình thực hiện, Kiên Vũ đã phải làm cùng lúc 3 công việc mỗi ngày. Tân thủ khoa vừa phải lên thiết kế vừa sản xuất đơn đặt hàng để có thêm thu nhập.
Gạt bỏ định kiến "học thời trang là phải tốn kém"
Tiết lộ chi phí đầu tư cho bộ sưu tập vừa ra mắt, Kiên Vũ cho hay: "Mình đã đầu tư 150 triệu đồng để hoàn thiện các tác phẩm này, nhưng may mắn được tài trợ một nửa".
Để có thể theo đuổi ước mơ, chàng trai trẻ đã vừa học vừa làm ngay từ khi bước chân vào môi trường đại học. Sau 5 năm hoạt động năng nổ, Kiên Vũ rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu và học được cách sắp xếp thời gian hợp lý cho nghỉ ngơi, học tập và làm việc.
Trước đó, Kiên là sinh viên có nhiều thành tích như: lọt bán kết Nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018 với đề tài đưa thời trang tái chế vào cuộc sống; Lọt vào chung kết Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2020. Những thiết kế của Kiên đã xuất hiện, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên nhiều show diễn lớn trong nước và quốc tế như: Băng Cốc, Hàn Quốc, Anh...
Kiên Vũ cho biết, trong tương lai nam sinh sẽ tiếp tục tôn vinh các triều đại, lịch sử Việt Nam. Tân thủ khoa sẽ cho ra mắt bộ sưu tập thứ 3 vào thời điểm gần nhất, phụ thuộc vào cảm hứng thiết kế và thời điểm phù hợp.
Nam sinh thường sắp xếp lịch học trước, công việc sau. "Mình là người xem trọng việc học. Mình rất quan tâm tới bằng cấp và có khả năng sẽ học cao học trong tương lai gần", nam sinh chia sẻ.
Nhận được "quả ngọt" sau quãng đường đầy khó khăn, Kiên Vũ vẫn luôn dành cho các bạn trẻ lời nhắn nhủ thiết thực: "Mình mong các bạn đừng nản lòng dù chặng đường ấy có quá nhiều chông gai cần phải vượt qua. Mình tin rằng chỉ cần các bạn giữ vững ngọn lửa đam mê, có tâm với nghề, không ngừng sáng tạo và gạt bỏ mọi định kiến "học thời trang là phải tốn kém" thì nhất định thành công sẽ tìm tới bạn".
"Ngược dòng" tìm về cội nguồn dân tộc
Chia sẻ về phong cách thiết kế, Kiên Vũ cho biết: "Các tác phẩm của mình đều mang màu sắc và cá tính mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mình luôn quan tâm đến việc nghiên cứu hình khối mới lạ và điểm nhấn bằng những đường cắt xẻ độc đáo".
Kiên Vũ cũng từng thực hiện "Chạm fashion show" với những thiết kế độc đáo, có sự tham dự của Hoa hậu Hương Giang với vị trí vedette.
"Chạm" và "Linh Sắc" là hai bộ sưu tập có điểm tương đồng khi được Kiên Vũ đưa những câu chuyện dân tộc khắc họa trong tác phẩm của mình. Ngoài việc để giới mộ điệu đắm chìm trong nghệ thuật, Kiên Vũ còn muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa xoay quanh bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo thủ khoa Trường Đại học Mở Hà Nội, tính thiết kế tiếp cận khán giả tốt nhất là sự giao thoa giữa cái mới và cái cũ. "Sự kết hợp đặc biệt sẽ tạo ra tác phẩm hoàn hảo, bản thân mình luôn muốn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống do cha ông để lại trong 2 bộ sưu tập", Kiên Vũ chia sẻ.
Bật mí về ý tưởng của đồ án tốt nghiệp, Kiên Vũ cho biết: "Để lưu giữ vẻ đẹp dân tộc truyền thống, mình đã mượn hình ảnh "Tứ linh" thời Nguyễn, từ đó tạo ra những thiết kế nổi bật, độc đáo. Mình đã đặt chân đến mảnh đất Huế, nghiên cứu, khai thác hình tượng 4 linh vật uy quyền (Long - Ly - Quy - Phụng) và đưa vào trang phục của mình.
Ngoài ra, việc tìm hiểu về lịch sử nước nhà cũng giúp mình có nhiều kiến thức hơn về giá trị truyền thống. Nhờ vậy, mình có thể đưa ra những phương án xử lý, khai thác hướng đi hiện đại cho thời trang Việt Nam để thế hệ trẻ có cái nhìn tích cực hơn về các giá trị cao quý của bản sắc văn hóa".
Bộ sưu tập "Linh Sắc" mang vẻ đẹp bay bổng, phóng khoáng với ý nghĩa dân tộc sâu sắc, hướng đi táo bạo đầy ẩn ý phần nào đưa người xem chìm vào tác phẩm. Sự kết hợp nghệ thuật khảm sành sứ Huế: Từ ánh bạc đậm chất tương lai mang vẻ đẹp kêu gọi của vũ trụ, xuyên không quay ngược trở về thế kỷ XIX triều Nguyễn bởi ánh vàng huyền bí và uy quyền như một lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ trong tương lai nhớ về cội nguồn.
"Bộ sưu tập đồ án lần này là dấu ấn của tuổi trẻ để mình chinh phục nghệ thuật đính kết mà trước đây mình mới thử một lần qua "Chạm". Nhìn tổng thể, "Linh Sắc" là kết tinh giữa nghệ thuật của các làng nghề thủ công như: Vẽ tay, thêu tay truyền thống, đính kết 3D, mây tre đan lát... Bên cạnh đó, mình đã kết hợp với công nghệ in 3D để đúc khối phụ kiện theo bản thiết kế", nam sinh cho hay.