Kỳ 2: Dồn nhịp nhanh hơn cho khát vọng 'đại lộ - đại phú'
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:03, 18/05/2023
Cùng với quyết tâm "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện" như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, trong tổ chức điều hành tổ chức triển khai đang là những điểm tựa quan trọng để ngành giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025, tạo tiền đề đưa đất nước sở hữu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.
Khi công tác thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dần khép lại thì cũng là lúc các cán bộ, kỹ sư giao thông bắt tay vào triển khai một loạt công trình quy mô lớn khác nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025, hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030, mang lại sự thịnh vượng, ấm no cho người dân mọi miền Tổ quốc.
Đúng một tuần trước ngày khánh thành Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (29/4/2023), ông Phạm Duy Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, người được giao chỉ huy việc thi công hầm đường bộ Thung Thi đã tất bật cùng các anh em kỹ sư trong Ban điều hành đóng gói đồ đạc để Nam tiến thực hiện tăng cường cho Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, mà nhà thầu này là đơn vị chủ công.
Trước đó, hàng trăm đầu thiết bị sau khi được sửa chữa, làm mới Đèo Cả cũng đã lên các xe chở thiết bị nặng tỏa đi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khác mà đơn vị này trúng thầu.
"Chúng tôi xác định chiến dịch mới còn nhiều áp lực hơn so với những trải nghiệm tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 nhưng anh em Đèo Cả đều quyết tâm rút ngắn tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025: Đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện", ông Hiếu chia sẻ.
Không chỉ Tập đoàn Đèo Cả, khi công tác thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dần khép lại thì cũng là lúc hàng ngàn cán bộ, kỹ sư giao thông bắt tay trực tiếp triển khai hoặc phối hợp với các địa phương triển khai một loạt các công trình quy mô lớn khác để sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho người dân mọi miền Tổ quốc.
Trong danh mục 18 dự án thuộc diện quản lý của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban có rất nhiều công trình đường cao tốc, đường vành đai quy mô lớn, trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc; đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông".
Đây là sự quan tâm ưu tiên lớn của Quốc hội, Chính phủ đã khi đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm, cân bằng giữa các vùng miền và tập trung vào các tuyến cao tốc quan trọng, xương sống có tác dụng lan tỏa như cao tốc Bắc - Nam, các trục cao tốc Đông Tây và các đường vành đai của thành phố lớn, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đóng mạch tuyến cao tốc xuyên Việt vào năm 2025.
Cần phải nói thêm rằng, chỉ ít giờ trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào sáng 1/1/2023, tại điểm cầu trung tâm của buổi lễ tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trời bắt đầu hửng nắng sau chuỗi ngày liên tục mưa dầm như báo hiệu một sự khởi đầu thuận lợi cho công trình đặc biệt này.
Tại buổi khởi công chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông được triển khai cùng lúc tại 9 tỉnh, thành phố trải dài qua 3 miền theo hình thức kết nối trực tuyến, mệnh lệnh "nhanh hơn, khẩn trương hơn" tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho Bộ GTVT - đơn vị chủ công trong phát triển đường cao tốc - loại kết cấu hạ tầng được ví như là "đại lộ" mang lại "đại phú" cho đất nước.
Sự sốt ruột của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở bởi trong 20 năm vừa qua, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư, tuy nhiên cả nước chúng ta mới hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 1.400km đường bộ cao tốc. Con số đó thật khiêm tốn so với nhu cầu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của đất nước. Trong khi thực tiễn đã chứng minh, đường bộ cao tốc mở ra đến đâu cũng đều phát huy hiệu quả đầu tư đến đó, góp phần tăng trưởng GRDP của địa phương, của vùng và cả nước.
Được biết, trong báo cáo đánh giá về hệ thống đường cao tốc nước Mỹ, sau 40 năm đầu tư và vận hành, cơ quan tư vấn Wendell Cox nhận định đây là "quyết định đầu tư tốt nhất của Mỹ" và báo cáo đã đánh giá rằng: "Không hề phóng đại, hệ thống đường cao tốc giống như một động cơ đưa đất nước Hoa Kỳ đạt mức thịnh vượng ngoài trông đợi và là bệ phóng để Mỹ giữ được vị trí siêu cường khi bước vào thế kỷ 21".
Trong hơn 2 năm qua, tại tất cả các cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm ngành GTVT hay các buổi kiểm tra, thị sát thực hiện, người đứng đầu Chính phủ liên tục nhấn mạnh mục tiêu quan trọng hàng đầu và không được phép thay đổi của Bộ GTVT trong 3 năm tới chính là việc nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau - hàng lang kinh tế quan trọng nhất của đất nước dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố vào năm 2025.
Trong đó, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729km với tổng mức đầu tư gần 150.000 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe có thể coi như một "đường dây 500KV" mà ngành GTVT dự kiến đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Với ý nghĩa đó, trong các chuyến đi kiểm tra hiện trường và 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan phải xác định là đang đi chung trên một con thuyền trách nhiệm. Vì vậy, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
"Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thừa nhận", Thủ tướng nêu rõ.
Thông điệp thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025 và quyết tâm hoàn thành mục tiêu cả nước có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ quán triệt rõ trong Chuyến công tác đặc biệt xuyên Tết, xuyên Việt của Thủ tướng vào đầu năm 2022 kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.
Cùng với hàng loạt vấn đề vừa cụ thể liên quan tới việc thi công các dự án, vừa liên quan tới các quy định chung về thể chế, cơ chế, chính sách được Thủ tướng quyết ngay trên công trường đầu Xuân. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã khơi dậy tinh thần tiến công, tranh thủ từng giờ từng ngày trên nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của ngành GTVT.
Ngay tại Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, nếu tính từ khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến khi Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự thành phần chỉ mất vỏn vẹn 10 tháng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, ngoài điểm tựa là các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng, các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn khảo sát thiết kế đã bước vào chiến dịch thần tốc triển khai với tinh thần "hết việc, không hết giờ", khắc phục mọi khó khăn để đáp ứng tiến độ khởi công dự án.
"Nếu trước đây bình quân một dự án quan trọng quốc gia, thời gian chuẩn bị mất khoảng 2-3 năm. Cùng với tư duy mới, cách làm mới mang tính đột phá, mặc dù dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhiều công trình có yếu tố kỹ thuật phức tạp, chúng ta chỉ thực hiện trong vòng 1 năm, rút ngắn thời gian hơn một nửa so với trước đây", ông Huy chia sẻ.
Trong bối cảnh nền kinh tế cuối năm 2022 có tốc độ tăng trưởng chậm lại và dự báo năm 2023 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đầu tư công được xác định là một yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng, nhất là sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế vẫn còn yếu ớt.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đồng loạt được khởi công sẽ góp phần tạo ra những cơ hội kinh doanh, tăng sức chống chịu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp, vật liệu, thiết bị máy móc… Khi càng có thêm nhiều doanh nghiệp trụ lại được thị trường, nhiều công ăn việc làm được duy trì, sẽ vừa thúc, vừa đẩy, kéo nền kinh tế.
Một đặc điểm nổi bật tại Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là các gói thầu xây lắp được chia với quy mô rất lớn theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, với tư cách dự án quan trọng quốc gia, có yêu cầu cao về kỹ thuật, phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2026. Dự án được phân chia thành 12 dự án thành phần, vận hành độc lập. Quốc hội, Chính phủ cho phép Bộ GTVT và các địa phương áp dụng cơ chế chỉ định thầu để triển khai thực hiện dự án.
Để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở đó, căn cứ tính chất kỹ thuật của các công trình và các điều kiện cụ thể của từng dự án thành phần, các đơn vị chủ đầu tư đã đề xuất, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó phân chia mỗi dự án thành phần thành 1 đến 3 gói thầu xây lắp có quy mô từ 3.000 đến 8.000 tỷ đồng.
Để được xem xét chỉ định thầu, các nhà thầu xây lắp phải đáp ứng 5 điều kiện: có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét (tương ứng với cấp công trình cầu, hầm…); phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu; doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét.
Ngoài ra, Bộ GTVT còn yêu cầu nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ; trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.
Theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đây là những yêu cầu rất khắt khe nhưng lại giúp các nhà thầu tư nhân sớm trưởng thành vượt bậc trong nghề xây dựng cầu đường, thậm chí là bàn đạp vươn ra thị trường xây dựng trong khu vực.
"Những nhà đầu tư tư nhân mới như Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành; hay các tổng công ty đại chúng có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước như Cienco4, Vinaconex... đang là những ngọn cờ trong nhiệm vụ xây dựng các công trình hạ tầng lớn, mở những đại lộ giúp đất nước phú cường", ông Trần Chủng nhận xét.
Cho đến lúc này đây là chủ trương rất sáng suốt khi các nhà thầu được giao các đại gói thầu đều bắt nhịp rất nhanh với công tác thi công nhờ năng lực vượt trội cũng như kinh nghiệm tích lũy từ "chiến dịch nước rút 120 đêm" thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Để động viên các nhà đơn vị thi công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc xây dựng được phương pháp tính tiền thưởng khoa học, Nghị định số 15 cho phép các gói thầu xây lắp thuộc các dự án nằm trong danh mục đã ký hợp đồng trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành được áp dụng quy định về thưởng hợp đồng. Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng về nội dung thưởng hợp đồng theo quy định tại nghị định này.
Trong trường hợp lý tưởng, các nhà thầu có thể được thưởng hợp đồng với giá trị tối đa lên tới 5% giá trị hợp đồng (không bao gồm dự phòng).
"Đây là động lực đủ lớn để các nhà thầu có thể huy động thêm máy móc, thiết bị và nhân công để hoàn thành sớm công trình", ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Vạn Cường cho biết.
Để bắt tay vào "trận đánh lớn", nhiều nhà thầu đã mạnh tay đầu tư mua sắm các thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông; đào tạo lại đội ngũ theo tiêu chuẩn mới. Tiêu biểu là Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị được chọn thi công Gói thầu XL1, Dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư thiết bị mới.
Nhà thầu này cũng đã tiên phong ứng dụng công nghệ số khi khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thông qua hệ thống thiết bị quét tự động "3D-Laser-Scanning" và bay chụp "LiDAR" để hạn chế sự can thiệp bằng tay của con người nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thầu khác để cùng nhau hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ; sẵn sàng hỗ trợ, thay thế các nhà thầu yếu kém khi xét thấy tiến độ và chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu trên tinh thần: Không để dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân", ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cam kết.
Nội dung:Xuân Toàn - Huy Linh
Thiết kế: Tuấn Huy
18/05/2023