Nghiên cứu nâng thời hạn visa điện tử để thu hút khách du lịch
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:00, 17/05/2023
Sáng 17/5, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chủ trì Hội nghị chuyên đề về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Tại Hội nghị Đại tá Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, việc triển khai chính sách visa điện tử là một chủ trương hết sức đúng đắn, đồng thời đảm bảo thuận tiện công khai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định trên lại ràng buộc việc mở rộng đối tượng được cấp visa điện tử, do đó ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Chính vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi để có thể mở rộng áp dụng nhiều hơn nữa công dân các nước, vùng lãnh thổ khi bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển của nước ta.
Ngoài ra, thời hạn visa điện tử hiện nay tương đối ngắn, không quá 30 ngày và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam du lịch... nên cần nghiên cứu sửa đổi, nâng thời hạn, giá trị của visa điện tử.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết thêm, năm 2019, Quốc hội ban hành luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hai luật này được ban hành, sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh và cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam.
Song, cùng với sự phát triển của xã hội và nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số, công dân số, yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Đại tá Hà đưa ra 3 vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam khi xây dựng chưa quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện các thủ tục này trên môi trường điện tử, do đó phải bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trước đó cũng chưa quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông cũng như chưa quy định rõ đối tượng được cấp hộ chiếu rút gọn đối với các trường hợp không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người nên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Thứ ba, liên quan đến việc ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân theo luật hiện do Bộ Công an và Bộ Ngoại giao chủ trì. Gần đây, Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 3 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Kết luận hội nghị, ông Dũng, đề nghị ngành công an trong tỉnh tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật.
Đồng thời, công an có trách nhiệm đăng tải đầy đủ nội dung các dự án luật lên Cổng thông tin điện tử để cán bộ, chiến sĩ, người dân dễ dàng tiếp cận, góp ý.