Khu đô thị lấn biển, cảng quốc tế Cần Giờ có tác động gì đến hệ sinh thái?
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:06, 17/05/2023
Huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM có vị trí giáp biển, phần lớn diện tích được bao phủ bởi rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển Rừng Sác. Theo định hướng của TPHCM, đến năm 2030, huyện đảo này sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, một động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được nhắc tới như 2 cấu phần quan trọng để thực hiện chiến lược trên. Theo đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án cảng trung chuyển quốc tế và bản đánh giá chiến lược khu vực điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu đô thị lấn biển, những tác động đến môi trường và hệ sinh thái đã được nhận diện, phân tích, đưa ra các giải pháp trước khi cả 2 dự án bắt đầu thực hiện.
Trong đó, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cùng các công trình phụ trợ được nhận diện các thách thức về vấn đề liên quan hệ sinh thái, môi trường nước biển, rừng ngập mặn. Do nằm ở vị trí cù lao tách biệt, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chỉ ảnh hưởng một phần đến rừng phòng hộ không nằm trong khu dự trữ sinh quyển và cần lưu ý đến vấn đề môi trường nước, không khí, tiếng ồn.
Khu đô thị lấn biển có thể tác động đến rừng
Với tổng diện tích 2.870ha và có phần quy hoạch lấn biển, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được dự báo có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước biển nếu nguồn thải không được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, dự án cũng được nhận diện về khả năng tác động đến môi trường sinh thái biển.
Dự án cũng có thể gây tác động đến rừng ngập mặn Cần Giờ, vấn đề bồi lắng, xói lở ở khu vực. Ngoài ra, việc gia tăng áp lực giao thông cũng có thể gây tác động tiêu cực bởi tiếng ồn, khí thải của các phương tiện.
Quy hoạch dự án khu đô thị lấn biển không sử dụng đất rừng, tuy nhiên, các nguồn thải có thể tác động đến chuỗi thức ăn bảo vệ hệ sinh thái. Một điểm nữa là dự án có thể gây bồi lắng hoặc xói lở khu vực, làm ảnh hưởng đến dòng chảy khu vực, có thể bị ngập úng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hiện tại, các kết quả đo đạc, quan trắc tại khu vực dự án cho thấy chỉ tiêu về môi trường nước, sinh thái của khu vực chưa vượt các chỉ tiêu cho phép theo quy chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn, với xu thế phát triển hiện nay thì nhu cầu năng lượng tăng cao, lượng chất thải tăng, nguy cơ ô nhiễm về môi trường, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường tự nhiên của khu vực thành phố và vùng lân cận.
Đi sâu vào các chi tiết, đơn vị tư vấn thực hiện bản thuyết minh tổng hợp điều chỉnh cục bộ Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cho rằng, nước thải sinh hoạt của dự án nếu không được xử lý sẽ khiến nồng độ các chất ô nhiễm vượt rất nhiều so với quy chuẩn.
Mặt khác, nước thải của khu đô thị sau khi xử lý sẽ thoát ra biển có thể gây ra sự phát triển bùng nổ của tảo hoặc rong biển. Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm chất hữu cơ là điều cần được quan tâm.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy vũng Cần Giờ là thủy vực có động lực yếu, trao đổi nước kém. Chất thải sinh hoạt của khu đô thị nếu không được quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho thủy vực này, đặc biệt là gia tăng lắng đọng trầm tích.
Về vấn đề chất thải rắn, lượng chất thải phát sinh căn cứ vào quy mô dân số và lượng du khách đến tại khu vực được dự báo là không thay đổi lớn so với quy hoạch đã phê duyệt. Việc xử lý các loại chất thải này cần được thu gom, xử lý tập trung, đúng quy cách, đặc biệt với các loại có thành phần độc hại để giảm tác động đến môi trường.
Để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, phía tư vấn cho rằng, phương án điều chỉnh cục bộ thay thế đường sắt đô thị bằng các tuyến bus điện sẽ là cách tiếp cận tốt hơn. Phương án này sẽ giúp giảm lượng phương tiện cá nhân và giảm các yếu tố gây ô nhiễm.
Từ các phân tích trên, đơn vị tư vấn đề xuất cần đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch vùng TPHCM. Bởi, các dự án lớn như cầu Bình Khánh, đường trên cao Rừng Sác, đường thủy Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ có tác động liên vùng.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động và bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các giải pháp điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM cần được tính tới.
Yếu tố nhạy cảm của cảng trung chuyển quốc tế
Trong phần đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng - kỹ thuật biển (đơn vị tư vấn), cho rằng, yếu tố nhạy cảm duy nhất của dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.
Tuy vậy, yếu tố này được giải quyết phù hợp bằng đề án kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ điều tra, kiểm kê và định giá rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, dự án sẽ được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ và cây xanh.
Các hoạt động chính của dự án sẽ gồm hoạt động khai thác của bến cảng, lưu trữ, phân phối hàng hóa và các hoạt động dịch vụ. Quá trình hoạt động không tránh khỏi phát sinh khí thải, rác thải, nước thải, và có khả năng gia tăng rủi ro sự cố có thể xảy ra (tai nạn lao động, va chạm tàu thuyền, tràn dầu, cháy nổ…).
Nếu không được quản lý chặt chẽ, nước thải từ các hoạt động sinh hoạt và kho bãi, công trình phụ trợ, các hoạt động vận tải biển có thể làm suy giảm chất lượng nước mặt. Đặc biệt, hoạt động nạo vét, duy tu hàng năm khu nước trước bến cảng là tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.
Việc hoạt động của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai cũng phát sinh khối lượng chất thải nguy hại và không nguy hại thường ngày tại các kho bãi. Các chất thải này bao gồm rác văn phòng nói chung và bao bì, dầu thải, giẻ lau dầu, can rỗng, hóa chất thải và các bình chứa, các bộ lọc đã sử dụng, kim loại phế liệu và các loại khác…
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra giải pháp, nhà đầu tư đã cam kết mang công nghệ, chuyên gia để áp dụng công nghệ cảng xanh, giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Trong đó, nước thải sẽ được xử lý bằng phương pháp bùn hoạt tính, rác thải đươc phân loại ngay tại nguồn và xử lý tập trung bằng công nghệ mới.
Trong giai đoạn hoạt động, các hệ thống, thiết bị, máy là nguồn chính gây ra ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Tuy nhiên, nguồn phát sinh này chỉ xảy ra trong thời gian vận hành của cảng và sẽ được bố trí trồng cây xanh xung quanh. Hơn nữa, khu vực xây dựng cách xa khu vực dân cư 8-10km.
Đồng thời, ban quản lý cảng trong tương lai cần kết hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và giám sát việc tuân thủ tuyệt đối các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tình trạng chất lượng môi trường sẽ được thường xuyên theo dõi, kết quả số liệu quan trắc được lưu trữ phân tích so sánh theo từng năm.
Để đảm bảo dự án không có các ảnh hưởng nào đến môi trường xung quanh và đánh giá các giải pháp bảo vệ môi trường, các đơn vị liên quan dự án cần xây dựng các công trình và chương trình giám sát môi trường trong suốt quá trình khai thác.