Những đứa trẻ sẽ bị bỏ lại phía sau nếu sở hữu đặc điểm này khi còn nhỏ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:59, 16/05/2023
Khi con bạn khóc lóc mè nheo và bạn phải bế con trên tay nếu không chúng muốn gào thét, lúc này sẽ nhiều người đến và bảo: "Sao thằng bé suốt ngày bám rịt lấy mẹ vậy?".
Trên thực tế, đây chính là "sự gắn bó" của tình mẫu tử.
Tâm lý học đề cập đến mối liên hệ tình cảm được thiết lập giữa cha mẹ và con cái là "mối quan hệ gắn bó".
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng của mối quan hệ này tác động trực tiếp đến sự hình thành cảm xúc, kỹ năng xã hội, kết quả học tập... của trẻ trong suốt cuộc đời.
Tại sao nó quan trọng như vậy? Nếu cha mẹ hiểu rõ thì việc nuôi dạy con cái sẽ cực kỳ thành công.
Lý thuyết về "sự gắn bó" này lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào những năm 1960. Sau đó, nó đã được mở rộng và chứng minh sâu rộng hơn bởi Mary Ainsworth trong "thí nghiệm tình huống kỳ lạ". Theo "phản ứng của bé khi bị tách khỏi mẹ" trong thí nghiệm, mô hình gắn bó giữa mẹ và con có thể được chia thành ba loại:
Gắn bó an toàn
Trẻ mới biết đi có được sự gần gũi, an toàn về thể chất và cảm xúc, đồng thời phát triển mối quan hệ chủ động với mẹ của chúng.
Gắn bó lo lắng - tránh né
Chúng lẩn tránh và không thể thiết lập mối quan hệ gắn bó với mẹ nên còn được gọi là "những đứa trẻ không gắn bó". Bé ít lo lắng hơn khi bị tách khỏi mẹ và khi có người lạ xuất hiện, bé có thể nhanh chóng thích nghi và cố gắng tương tác với người lạ.
Gắn bó lo lắng - nổi loạn
Nổi loạn và khóc khi bị tách khỏi mẹ, kém thích nghi với môi trường mới.
Con bạn thuộc kiểu gắn kết nào?
Quan sát cẩn thận sẽ thấy rằng, học sinh mẫu giáo ngày đầu tiên đến trường có biểu hiện rất khác khi phải xa cha mẹ.
Một số trẻ không khóc mà hoàn toàn bị thu hút bởi sự mới lạ của trường mẫu giáo và chúng nhanh chóng hòa nhập và chơi đùa với bạn bè đồng trang lứa. Đây là một "secure attachment" (tạm dịch: sự gắn kết an toàn).
Một số trẻ thờ ơ với việc bị tách khỏi cha mẹ và rất cảnh giác với mọi thứ xung quanh. Đây là "avoidant attachment" (tạm dịch: sự gắn kết né tránh).
Cũng có những em khóc um và chỉ muốn về nhà với phụ huynh. Kiểu phản ứng này được xếp vào loại "rebellious attachment" (tạm dịch: sự gắn kết nổi loạn).
Trong ba loại trên, loại đầu tiên được gọi là "secure attachment" (tạm dịch: Gắn kết an toàn) và hai loại sau được gọi chung là "insecure attachment" (tạm dịch: Gắn kết không an toàn).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người thuộc nhóm 1 - "secure attachment" có cảm xúc ổn định, tính cách vui vẻ, nhân cách hoàn thiện và khả năng học tập, xã hội nổi bật hơn so với những đứa trẻ thuộc nhóm 2 - "insecure attachment".
Mối quan hệ gắn bó quan trọng như thế nào?
1. Ảnh hưởng đến kỹ năng xã hội
Kỹ năng xã hội rất quan trọng đối với trẻ em.
Nếu bạn có thể hòa đồng tốt với trẻ, điều đó không chỉ giúp con ổn định tính cách mà còn thích nghi tốt hơn với môi trường mới khi bước vào tiểu học hoặc trung học cơ sở. Những đứa trẻ này có kỹ năng xã hội tốt, có khả năng sở hữu nhiều mối quan hệ giữa các cá nhân và tiềm năng lãnh đạo hơn khi chúng lớn lên.
Tôi tin rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình có được phẩm chất này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lớn lên trong mối quan hệ cha mẹ và con cái lành mạnh, trẻ có nhiều khả năng hình thành "sự gắn kết an toàn", có khả năng thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường và có các kỹ năng xã hội mạnh mẽ hơn. Ngược lại, dễ hình thành "sự gắn kết không an toàn".
Không khó để hiểu: Khi được cha mẹ quan tâm đầy đủ, trẻ sẽ cảm thấy mình đang được yêu thương và từ đó tự tin hơn. Những đứa trẻ như vậy sẽ chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn và biết cách đáp ứng nhu cầu của người khác, vì vậy chúng thường nổi bật hơn trong các nhóm.
Ngược lại, nếu trẻ thường xuyên bị cha mẹ phớt lờ, phủ nhận, không được yêu thương, trẻ sẽ dễ cảm thấy bất an. Càng hoang mang, bồn chồn, mất lòng tin, gặp khó khăn trong xã hội, cha mẹ và con cái càng dễ xích mích.
2. Ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái
Người hạnh phúc dùng tuổi thơ để sưởi ấm cuộc đời, còn người bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Một số học giả đã phát hiện ra rằng mô hình mối quan hệ gắn bó trong thời thơ ấu về cơ bản vẫn tiếp tục có hiệu quả cho đến tuổi trưởng thành.
Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn không thiết lập mối quan hệ gắn bó với cha mẹ khi còn nhỏ thì sau này sẽ khó gần gũi với họ hơn. Khi trẻ lớn lên, ngay cả khi cha mẹ tăng cường kết nối và tương tác một cách tích cực, khoảng cách cảm xúc vẫn khó có thể thu hẹp vào được.
Có một chủ đề gây tranh cãi trên Internet: "Tại sao bạn không muốn liên lạc với cha mẹ của mình?".
Nhiều cư dân mạng cho rằng, họ từ nhỏ đã không được cha mẹ yêu thương, lớn lên không liên lạc hỏi thăm họ cũng chẳng sao. Không phải họ thờ ơ mà là họ muốn bày tỏ tình cảm nhưng không biết làm thế nào.
3. Tác động đến đời sống học tập
Hồi còn đi học, trong lớp lúc nào cũng có mấy học trò cá biệt không thích học, chỉ thích quậy phá và lúc nào cũng ồn ào thật đau đầu. Tôi từng tự hỏi, họ sống trong gia đình như thế nào? Tại sao lại hình thành tính cách như vậy?
Sau đó, những câu hỏi này đã được trả lời.
Các nhà khoa học đã xác nhận rằng những đứa trẻ có "sự gắn kết an toàn" có thể thích nghi tốt hơn với cuộc sống ở trường, thiết lập mối quan hệ tốt với giáo viên và nhiệt tình trong học tập.
Một số học giả đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với học sinh trung học và nhận thấy rằng, chất lượng của mối quan hệ với cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của họ:
Đối với những trẻ thiếu "sự gắn kết an toàn" với gia đình, hầu hết các em nghiện game khi học cấp 2, cấp 3 hoặc có học lực sa sút, bỏ học. Chúng thường sử dụng sự im lặng hoặc nổi loạn để chống lại cha mẹ. Mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái từ đó tương đối căng thẳng. Lúc này, phụ huynh muốn lại gần con nhưng con lại chỉ muốn đẩy mọi thứ đi xa.
Do đó, điều quan trọng là thiết lập một "sự gắn kết an toàn" ngay từ khi còn nhỏ. Đừng để quá muộn vì lúc đó sẽ thật khó để bù đắp cho con.
Gần đây, tôi đọc một số tài liệu về khoa học thần kinh và thấy rằng việc làm tốt những điểm sau đây là rất quan trọng.
Làm thế nào để hình thành một sự gắn kết an toàn?
1. Người mẹ phải thực sự làm cho mình hạnh phúc trước hết
Các bà mẹ nhớ rằng: Hãy tự làm cho mình hạnh phúc! Suy cho cùng làm sao bạn có đủ kiên nhẫn để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con bạn khi bạn đang kiệt quệ về tinh thần và gần như suy sụp về mặt cảm xúc?
Vì vậy, nếu chúng ta muốn tạo cho con một mối quan hệ gắn bó tốt đẹp, trước tiên chúng ta phải học cách làm cho bản thân hạnh phúc. Bạn không phải siêu nhân, làm không tốt cũng không sao, đừng vội lo lắng, khi gặp khó khăn hãy chủ động tìm đến sự an ủi, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.
Hãy học cách chuyển sự chú ý của bạn ra khỏi gia đình và chuyển hướng sang con cái thông qua các công việc như: Ăn uống, đi dạo, đọc sách... Chỉ khi hạnh phúc về thể chất và tinh thần, chúng ta mới có thể yêu thương con cái thật tốt và hình thành mối quan hệ gắn bó.
2. Tích cực đáp ứng nhu cầu của trẻ
Nghiên cứu khoa học về não bộ cho thấy cách nuôi dạy con thiếu sự ấm áp, quan tâm và phản ứng tích cực sẽ mang đến những thay đổi tiêu cực không thể đảo ngược đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
Vì vậy, cha mẹ cần có những phản ứng tích cực trong giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn hình thành mối quan hệ gắn bó.
Một bà mẹ hỏi tôi: Khi con mình được một tuổi, cháu thỉnh thoảng khóc hoặc la hét khi muốn chơi với thứ gì đó mà không hài lòng. Người lớn muốn cho bé cảm giác an toàn, nhưng cũng không muốn để bé nổi loạn. Bậc phụ huynh này nên làm gì?
Trước tình huống này, tôi nói với cô ấy rằng phản ứng của con lúc này có thể đang thể hiện sự không hài lòng thông qua việc khóc và la hét. Bạn có thể đáp ứng nhu cầu của con trước, ôm con và sau đó hướng dẫn con diễn đạt chính xác, trẻ sẽ từ từ học được.
Trên thực tế, bé cáu kỉnh hay quấy khóc đều có lý do, đói, buồn ngủ, bất an... Điều chúng ta phải làm là tìm ra nguyên nhân và giải quyết, nhẹ nhàng xoa dịu cảm xúc của con... Những hành động này sẽ khiến bé cảm thấy được tình yêu thương của bố mẹ, từ đó tạo cảm giác an toàn, tin tưởng ở bố mẹ và hình thành mối quan hệ gắn bó tốt đẹp.
Nếu vì lý do công việc không thể ở bên con suốt, cha mẹ có thể thường xuyên gọi điện hoặc trò chuyện video với con để tương tác, để con cảm nhận được tình yêu thương đủ đầy của bạn, đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài.
3. Tương tác tăng cường mối quan hệ cha mẹ và con cái
Các nghiên cứu hiện tại đã phát hiện ra rằng, việc tương tác trò chơi thường xuyên với trẻ em và đọc sách có thể nâng cao cảm xúc giữa cha mẹ và con cái. Từ đó cải thiện chất lượng của mối quan hệ gắn bó lâu dài.
Trò chơi ở đây không phải là trò chơi điện tử mà là những trò chơi mà cha mẹ và con cái có thể cùng tham gia như: vẽ tranh vui nhộn, lego, bắn bóng rổ... Ngoài ra, hãy cố gắng đọc sách cùng con. Khi đọc, bạn cũng nên chú ý tương tác với con nhiều hơn và trả lời "10 vạn câu hỏi vì sao" của chúng.
4. Người cha cũng nên tích cực tham gia nuôi dạy con cái
Nói đến mối quan hệ gắn bó, nhiều người chỉ chú ý đến vai trò của người mẹ. Trên thực tế, cha cũng rất quan trọng. Sự thật là cha càng tham gia nhiều vào việc nuôi dạy con cái thì chất lượng của mối quan hệ gắn bó càng cao.
Người cha nên thay đổi quan niệm sai lầm “dạy dỗ là việc của mẹ” và tích cực đồng hành cùng con. Ngay cả khi bận rộn với công việc, người cha cũng có thể sử dụng một chút thời gian lúc đi ngủ, cuối tuần và ngày nghỉ để dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Bạn cũng có thể phát huy hết lợi thế của bản thân, đưa con trải nghiệm nhiều hoạt động ngoài trời hơn, giúp con hình thành sự tự tin, dũng cảm. Các bà mẹ cũng được yêu cầu kiên nhẫn và thường xuyên khuyến khích con thay vì thúc ép.
Những đứa trẻ được gắn bó an toàn có tương lai hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, điều này không phải là tuyệt đối. Quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Điều chúng ta phải làm là buông bỏ lo lắng và tạo ra một môi trường tốt để cùng con phát triển.
Nhấn mạnh cảm xúc của con bạn, nuôi dưỡng những kết nối tích cực và dành cho con tình yêu thương vô điều kiện.
Theo PNVN