Điểm tin công nghệ 15/5: iPhone 14 Pro Max rớt giá mạnh, thấp nhất từ trước đến nay

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 15/05/2023

TP.HCM sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về lưu trữ, bảo mật thông tin của người dân; Lý do Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam?

- iPhone 14 Pro Max rớt giá mạnh, thấp nhất từ trước đến nay

Giá iPhone 14 Pro Max liên tiếp thiết lập mức đáy mới, thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ trong nửa năm, smartphone của Apple mất giá gần 10 triệu đồng.

iPhone 14 Pro Max - model từng được săn đón nhất của Apple tại thị trường Việt Nam - đang rớt giá từng ngày theo cuộc đua "rẻ nhất" giữa các nhà bán lẻ.

Theo ghi nhận, giá iPhone 14 Pro Max liên tiếp thiết lập mức giá đáy mới, thấp nhất từ trước đến nay. Phiên bản iPhone 14 Pro Max 128GB hiện được nhiều đại lý rao bán với mức giá chỉ từ 26,39 triệu đồng.

So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, giá iPhone 14 Pro Max giảm khoảng 1 triệu đồng. Còn so với thời điểm đỉnh giá (cuối tháng 12/2022), người mua có thể đã mất tới 5-7 triệu đồng chỉ sau 5 tháng. Đây là mức tụt giá kỷ lục đối với một dòng máy nổi danh về mức độ giữ giá như iPhone.

- Lý do Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam?

Theo thông báo từ Apple mới đây, gã khổng lồ công nghệ này sẽ khai trương cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 18/5 tới, nhằm khai thác nhu cầu của đất nước với tầng lớp dân số trẻ, am hiểu công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng tại châu Á.

Theo các chuyên gia phân tích, khi doanh số bán hàng ở Trung Quốc đang gặp khó khăn do nhu cầu thấp hơn và sự ràng buộc trong sản xuất, Apple đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường mới nổi, như Ấn Độ, Brazil và Malaysia, để tăng doanh số bán hàng.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự bùng nổ công nghệ của Việt Nam mới là điều mà gã khổng lồ xứ Cupertino để mắt đến. Theo một báo cáo năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế internet hàng năm của Việt Nam lên tới 40%, điều này đã tạo ra giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam vào năm 2022 lên tới 23 tỷ USD và dự kiến đạt khoảng 50 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, số lượng người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam tính đến tháng 3 năm 2022 đạt con số 93,5 triệu người, theo Cục Viễn thông Việt Nam. Trong khi ước tính tỷ lệ người lớn ở Việt Nam có điện thoại thông minh tính đến tháng 3 năm 2022 cũng đạt con số rất cao, lên tới 73,5%.

Gần đây, chuỗi cung ứng của Apple cũng đang tăng cường quan hệ với Việt Nam. Foxconn, nhà cung cấp iPhone chính của Apple, đã công bố vào tháng 2 rằng họ sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư 300 triệu USD. Foxconn đã hoạt động ở tỉnh Bắc Giang được 15 năm.

Và trong bối cảnh Apple đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, việc mở rộng sang Việt Nam bằng cách khai trương cửa hàng trực tuyến là một phần trong chiến lược kinh doanh rộng lớn hơn của nhà sản xuất iPhone.

- TP.HCM sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về lưu trữ, bảo mật thông tin của người dân

"Hiện Sở đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về quản lý sim số, bảo vệ, lưu trữ thuê bao của người dân"- Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM trả lời về ý kiến lo ngại lộ, lọt thông tin cá nhân của cử tri.

Sáng 14/5, HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình “Dân hỏi- chính quyền trả lời” tháng 5-2023 với chủ đề “Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

"Về lo ngại thông tin của người dân bị lộ lọt, khai thác thì hệ thống giải quyết thông tin THCC của TP đã kết nối với hệ thống định danh của Bộ Công an, người dân hoàn toàn an tâm khi sử dụng hệ thống này", Giám đốc Sở TT&TT TP Lâm Đình Thắng khẳng định.

Qua rà soát, Sở TT&TT phát hiện có hai nguyên nhân chính khiến thông tin người dân bị lộ lọt.

Thứ nhất, một số dịch vụ của nhà nước, doanh nghiệp cung cấp tiện ích cho người dân của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin. Thứ hai, do người dân tự cung cấp thông tin của mình cho các nền tảng trực tuyến, khi tham gia mạng xã hội.

Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nêu hai nhóm giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này. Trước tiên là yêu cầu các cơ quan nhà nước tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân. Khi cung cấp cho bên thứ ba phải đảm bảo quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin của người dân cung cấp cho đơn vị đó vừa đủ để đảm bảo giao dịch.

Đồng thời, Sở TT&TT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các đơn vị sử dụng thông tin của người dân. "Hiện Sở đang tổ chức 6 đoàn thanh tra 6 doanh nghiệp viễn thông về quản lý SIM số, bảo vệ , lưu trữ thuê bao của người dân"- ông Thắng thông tin.

Việt Báo (Tổng hợp)