Hàng loạt doanh nghiệp phải bán tài sản để cầm cự

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:54, 13/05/2023

Khó khăn kéo dài khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải bán tài sản để tồn tại. Thậm chí còn có trường hợp phải bán cả doanh nghiệp.

Sau khi trải qua đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng từ biến động kinh tế toàn cầu, sức mua hầu hết mặt hàng đều dần thu hẹp. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất.

Do đó, chuyện bán bớt tài sản hay thậm chí bán luôn cả doanh nghiệp không còn hiếm khi doanh nghiệp ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, thiếu vốn.

Bán từ cổ phần đến tài sản

Mới đây nhất, Tập đoàn FLC cho biết sẽ chuyển nhượng 21,7% vốn nắm giữ tại Bamboo Airways cho Thành viên HĐQT Lê Thái Sâm, đổi lại là thanh lý toàn bộ nghĩa vụ nợ giữa hai bên.

Song song đó, ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để tập đoàn thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp.

Hiện cá nhân ông Sâm cũng đang sở hữu trực tiếp 243,7 triệu cổ phần BAV tại Bamboo Airways, tương ứng 12,53% vốn. Như vậy, gộp cả phần FLC dự kiến chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm có thể nắm giữ hơn 34% vốn hãng bay này và trở thành cổ đông lớn nhất.

Xác nhận với Zing hồi đầu tháng 3, ông Nguyễn Hữu Đường (tức đại gia Đường bia), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình, đồng thời là chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake cho biết sẽ chào bán cạnh tranh khách sạn này trong tháng 3 với giá khởi điểm 250 triệu USD nhằm giải quyết thanh khoản về dòng tiền.

Theo ông Đường, đối tác đang đàm phán mua khách sạn là những doanh nhân tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Doanh nghiep ban tai san anh 1
Khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake mới khai trương từ tháng 7/2020, nay được rao bán với giá 250 triệu USD. Ảnh: Phạm Hưng.

Không riêng khách sạn dát vàng nói trên, theo ghi nhận của Zing, từ đầu tháng 4 đến nay, có hàng trăm lượt rao bán khách sạn tại Đà Nẵng và TP.HCM, với mức giá dao động từ 30 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

"Nhiều khách sạn sau thời gian dài đóng cửa cần phải chi số tiền lớn để bảo trì, sửa chữa rồi mới mở cửa lại được. Nhưng mở cửa lại thì doanh thu cũng không đảm bảo vì du lịch chưa phục hồi. Các chủ khách sạn đều phải tính một bài toán rất khó để duy trì", một môi giới khách sạn tại Đà Nẵng nói với Zing.

Mới đây, Tập đoàn Egroup (đơn vị sở hữu Apax Leaders) do ông Nguyễn Ngọc Thủy là Chủ tịch HĐQT đã thông báo "cấn trừ nợ" 75 lô đất ở Thanh Hóa, mỗi lô có diện tích 100-194 m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Số lô đất này dành cho "chủ nợ" có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Nhà đầu tư được gán nợ với số dư 100-200 triệu đồng sẽ phải đóng tiền mặt.

Nói với Zing, đại diện một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cũng cho hay doanh nghiệp vừa bán thành công một vài lô đất ở TP.HCM. Bên cạnh việc cắt giảm khoảng 60% quy mô nhân sự và tiết giảm các chi phí vận hành khác, nguồn tiền từ những giao dịch này đã giúp công ty thanh toán được các khoản nợ vay và mua lại một số lô trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay.

Chia sẻ với báo chí tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trước tiên là dòng tiền. Trong đó, chính sách điều hành tiền tệ hiện có vấn đề "lúc thả nhanh, lúc phanh gấp" khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

"Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Đây là câu chuyện thâu tóm, chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần", vị này nói.

Nếu tính riêng TP.HCM, theo đánh giá DDCI, có đến 50% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết đang gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh cầm chừng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm do cầu thị trường bị thu hẹp cả trong lẫn ngoài nước.

"Hiện nay tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự giữ đơn hàng và trông chờ vào tìm kiếm khách hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ bởi họ không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc đơn vị bị mất uy tín trong vấn đề thanh toán", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.

"Phải cắt máu để tồn tại"

Đại diện một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cho biết công ty đã bán hầu hết quỹ đất ở TP.HCM và chỉ còn lại quỹ đất ở các tỉnh vùng ven, phù hợp triển khai bất động sản nghỉ dưỡng.

“Giữa lúc thanh khoản thị trường khó khăn, lẽ ra giữ lại những quỹ đất ở TP.HCM để phát triển dự án thì sẽ đem lại doanh số tốt hơn những quỹ đất nghỉ dưỡng ở vùng ven. Nhưng thực tế, những khu đất không phục vụ nhu cầu ở thực lại quá khó bán trong lúc này".

Người này đồng thời khẳng định đây là thời điểm cần chấp nhận "cắt máu" để tồn tại, do đó phương án nào có thể đem về nhiều tiền trong thời gian ngắn sẽ được ưu tiên. Thực tế, sau khi bán những quỹ đất vừa qua, ông tự tin rằng doanh nghiệp có thể duy trì vận hành đến hết năm. Đặc biệt, không còn lô trái phiếu đến hạn nào khác trong năm nay.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam, cho rằng chúng ta không nên nghĩ các thương vụ thâu tóm này là điều tiêu cực, bởi mọi giao dịch đều hướng tới "đôi bên cùng có lợi".

"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, họ không soát xét kỹ họ vẫn thất bại. Đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi, còn nếu liên doanh liên kết không có lợi sẽ không bền", ông nói.

Tuy nhiên, ông cho biết nguồn cung tài sản để những nhà đầu tư quốc tế này tiếp cận lại không nhiều. Đây là lý do số vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại vẫn chưa cao, nếu so với các thị trường khác họ đã góp mặt.

“Trước đây, các chủ đầu tư bất động sản Việt Nam thường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Cộng với khoản tiền thu trước từ người mua, họ không mấy mặn mà với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, dưới sức ép từ hàng loạt khó khăn về pháp lý lẫn nguồn vốn, họ bắt đầu chào mời nhà đầu tư ngoại với cơ chế uyển chuyển hơn. Tuy nhiên, không nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý để nhà đầu tư yên tâm xuống tiền", TS Sử Ngọc Khương nói.