Đề xuất phải có giám định y khoa mới được rút BHXH một lần
Xã hội - Ngày đăng : 17:35, 11/05/2023
Dự thảo sửa đổi quy định các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm: Tới tuổi nghỉ hưu nhưng đóng bảo hiểm dưới 15 năm; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm tính mạng (bệnh hiểm nghèo) như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, bệnh phong, lao nặng, AIDS; mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế; sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục .
Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Y tế cho rằng, việc quy định cụ thể các bệnh hiểm nghèo được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như dự luật (ung thư, bại liệt, xơ gan, lao, AIDS…) sẽ không bao quát hết được các trường hợp để hưởng chế độ này.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất, người mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng phải dựa trên kết quả giám định y khoa. Cụ thể, người mắc các bệnh, tật phải có kết quả giám định không đủ khả năng lao động và trong hồ sơ phải có bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Giám định Y khoa.
Giai đoạn 2016-2021, số trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần do mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng là hơn 2.700 người.
Về chế độ bảo hiểm ốm đau, Bộ Y tế đề nghị ban soạn thảo dự luật trên cân nhắc bổ sung trường hợp được hưởng quyền lợi này khi mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A điều trị hoặc được cách ly tại nơi không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như tại nhà, tại khu cách ly tập trung...
Về một số trường hợp không được hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, có quy định trường hợp nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bộ Y tế cho rằng, thực tế rất khó xác định như thế nào là điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bộ này đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích làm rõ cụm từ này để xác định đúng đối tượng không được giải quyết chế độ ốm đau.
Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã bổ sung quy định về hình thức điều trị ban ngày và bỏ quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Từ đó, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội về thủ tục hưởng bảo hiểm ốm đau: Trường hợp người bệnh chuyển viện khám chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú, điều trị ban ngày thì thay bằng bản chính hoặc bản sao giấy chuyển viện.
Với trường hợp điều trị ngoại trú, hồ sơ hưởng bảo hiểm ốm đau phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, hoặc bản chính/bản sao Giấy ra viện hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có ghi thời gian cần điều trị ngoại trú sau thời gian điều trị nội trú.