Vùng đất Gandhara cổ xưa: Tượng Phật và Nghệ thuật Hy Lạp

Dòng chảy - Ngày đăng : 11:48, 11/05/2023

Khi những tín đồ sùng kính của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên đại diện cho “Đấng Giác Ngộ” dưới hình thức trực quan, đó là nghệ thuật Hy Lạp mà họ hướng đến, đã được Alexander Đại Đế mang đến khu vực Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ. Tại vùng đất được biết đến với tên gọi Gandhara, một nền văn hóa Phật Giáo hưng thịnh, họ đã tiếp thu chủ nghĩa tự nhiên của nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp nhưng lại thổi vào hình tượng vị Phật này một thần thái từ bi mà người Hy Lạp chưa từng nhìn thấy trước đó.
shutterstock_2015744594.jpg
Một trong những pho tượng đầu tiên của Đức Phật trong thời đại đế quốc Kushan (Quý Sương) (Năm 30-375) tại vùng đất lịch sử Gandhara, đất nước Pakistan. (Ảnh: Gumpanat/Shutterstock)

Một mẫu vật độc đáo được lưu giữ tại Viện bảo tàng Quốc gia Tokyo, Đức Phật đứng trên một đài hoa phía trước một vầng hào quang lớn. Tấm áo choàng xếp ly cách điệu giống như một tấm màn mỏng, trong khi toàn bộ đường nét cơ thể của ngài tinh tế ẩn mình bên dưới, chỉ có ngực, bụng và đầu gối trái là nhô ra. Có vẻ như những kỹ pháp tượng hình này chỉ là một hình thức phái sinh từ nghệ thuật Hy Lạp, vốn không thể so sánh với tỷ lệ cơ bắp của một vận động viên Athen hoặc là sự năng động của một người lính cổ Hy Lạp. Tuy nhiên đối với nghệ nhân ở Gandhara, phần thân thể tĩnh tại và hướng phía trước chỉ đóng vai trò như một nền tảng cho khuôn mặt của Đức Phật, thể hiện ra bên ngoài tinh thần siêu việt từ nội tâm. Nét mặt của ngài được lý tưởng hóa, đôi mắt hướng xuống; mặc dù không có những cảm xúc của con người, nhưng ngài tỏa ra một bầu không khí an hòa, thiện lương, và chính trực là những điều chỉ có thể được tìm thấy ở một vị giác giả, không vướng bận bởi gánh nặng thế gian.

Nghệ thuật Hy Lạp và hành trình về phương Đông

irca_440_bc_from_the_time_of_tiberius_14-37_ad_found_in_pompeii_moi_auguste_empereur_de_rome_exhibition_grand_palais_paris-1.jpg
Chuẩn tắc của Polykleitos (tiêu chuẩn tỷ lệ thẩm mỹ) được trình bày hoàn hảo nhất trong tác phẩm Doryphoros hoặc là “Spear-bearer” (Người mang giáo) của ông từ thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. (Ảnh: Hình ảnh được cắt bởi Following Hadrian/CC BY-SA 2.0)

Khi nghệ thuật điêu khắc lần đầu tiên đạt đến độ trưởng thành ở thời kỳ Hy Lạp cổ điển (năm 480-323 trước Công Nguyên), các nghệ sỹ đã có một bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho vẻ đẹp lý tưởng. Bị ảnh hưởng bởi các hình thức điêu khắc nghiêm ngặt của tượng thần Ai Cập và các vị pharaoh, các điêu khắc gia Hy Lạp đã đưa nghệ thuật này lên một tầm cao mới của chủ nghĩa tự nhiên bằng cách quan tâm đến những nét tinh tế của giải phẫu nhân thể và các tư thế tượng hình.

Ông Polykleitos, một nhà điêu khắc cổ đại ở thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, đã thiết lập một tiêu chuẩn nổi tiếng về sự cân bằng và tỷ lệ toán học lý tưởng hóa của mình. Điều này được minh họa rõ nét nhất trong tác phẩm Doryphoros hay còn gọi là “Spear-bearer” (Người mang giáo) được sao chép rộng rãi của ông — một chiến binh đứng khỏa thân hoàn toàn, với mỗi cơ bắp được định hình một cách rõ ràng nhưng toàn bộ cơ thể thì đang thả lỏng. Phần mông của pho tượng hơi nghiêng nhẹ, thả lỏng một chân trong khi dồn trọng tâm vào chân còn lại. Độ cong hình chữ S của cơ thể tạo nên một tư thế đứng “contrapposto” cổ điển, truyền tải một cảm giác thoải mái và tự nhiên của cơ thể. Đôi mắt nhìn vô định vào khoảng không trước mặt, thể hiện một sự miễn nhiễm khắc kỷ đối với những dục vọng thấp hèn của con người.

14011847043_bb25804417_o.jpg
Hình thể đường cong chữ S được gọi là contrapposto trên tư thế của pho tượng “Spear-bearer.” (Người mang giáo) (Ảnh: Jerry/CC BY-SA 2.0)

Tuy nhiên, những lý tưởng nghệ thuật như vậy của kỷ nguyên cổ điển đã bị biến chuyển sau khi Alexander Đại Đế thống nhất các thành bang của Hy Lạp và mang nghệ thuật Hy Lạp đến mọi nơi trên khắp đế chế xuyên lục địa của ông. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa này (323-31 trước Công Nguyên), hành động và cảm xúc thường xuyên được mô tả, đặc biệt là trong các tác phẩm điêu khắc phù điêu thể hiện những cảnh chiến đấu. Trên một chiếc quan tài bằng đá được tìm thấy ở Lebanon ngày nay, Alexander được mô tả cưỡi trên một chú kỵ mã đang lồng lên, bị mắc kẹt giữa cuộc chiến nảy lửa. Cánh tay đang giơ lên của ông chuẩn bị tấn công một người lính Ba Tư có con ngựa đã khụy chân xuống trong sự thất bại rệu rã. Cảm xúc bi thương của chiến trận xuyên suốt khung cảnh liên hoàn này không chỉ được miêu tả qua từng gương mặt của các nhân vật mà còn thông qua cách vặn xoắn kịch tính và chiều hướng của những thân thể quấn lấy nhau của họ.

shutterstock_1663838488.jpg
Cỗ quan tài đá Alexander ở Istanbul minh họa Trận Chiến Issus (năm 333 trước Công Nguyên) đã miêu tả Alexander ở góc rìa bên trái cưỡi trên một chú kỵ mã đang lồng lên. (Ảnh: nathings/Shutterstock)

Là kết quả từ các cuộc chinh phạt của Alexander trên khắp các lục địa Âu Châu, Phi Châu và Á Châu, nghệ thuật Hy Lạp bắt đầu ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, lan xa đến tận miền bắc của Ấn Độ. Tuy nhiên sau khi ông băng hà sớm, đế chế của Alexander đã lập tức sụp đổ. Các vương quốc ở Trung Á và Trung Đông sớm giành được độc lập, mặc dù họ vẫn còn duy trì nhiều ảnh hưởng của Hy Lạp cổ đại, bao gồm ngôn ngữ, chữ viết, và tiền đúc. Do đó, khi những Phật tử ở Gandhara bắt đầu tìm cách khắc họa người thầy tâm linh của mình dưới hình tướng vật chất, thì các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đã tỏ ra sẵn sàng cho sự chuyển thể.

Phật Giáo ở Gandhara

shutterstock_781461829.jpg
Pho tượng cổ Đức Phật trong tư thế ngồi từ thế kỷ thứ hai và ba, đế quốc Kushan ở Gandhara, Pakistan. (Ảnh: Gumpanat/Shutterstock)

Tuy nhiên việc chuyển thể phương thức biểu đạt tượng hình đặc trưng Hy Lạp cho một dạng thức tâm linh mới đòi hỏi một phương thức diễn đạt nghệ thuật mới. Mặc dù tiếp thu các kỹ pháp tượng hình và điêu khắc xếp nếp, nhưng các nghệ sĩ ở Gandhara đã loại bỏ những cường điệu về cảm xúc và sự thờ ơ, đồng thời tìm cách biểu đạt tinh thần nội tại của Đức Phật thông qua các hình tướng biểu hiện, tỏa ra một hào quang vô song của sự thanh tĩnh và chính trực.

Tinh thần nội tại được tạc bởi nhà điêu khắc chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng giáo lý của Đức Phật. Là một vị hoàng tử sống ở miền Bắc Ấn Độ (ngày nay là quốc gia Nepal) vào giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, Phật Thích Ca Mâu Ni đã đau lòng trước những nỗi thống khổ của con người như bệnh tật, già yếu, và tử vong, và ngài đã quyết định từ bỏ mọi của cải thế gian để tìm kiếm một trạng thái siêu việt vượt thoát khỏi những chu kỳ tất yếu đó. Không dao động trước những dục vọng và khổ nạn, ngài đã đạt đến giác ngộ thông qua thiền định và nhận ra rằng những thăng trầm của kiếp nhân sinh là kết quả bởi những việc làm trong quá khứ của chính mình. Từ đó ngài bắt đầu truyền dạy cho con người một con đường để vượt qua những khổ đau bằng việc thấu hiểu vòng luân hồi, loại bỏ những ham muốn bất thiện, và tu dưỡng tâm trí và hành vi ngay chính của một người.

Có được một số lượng lớn đệ tử, Phật Thích Ca Mâu Ni được biết đến với danh hiệu tiếng Phạn là “Phật” (Bậc Giác Ngộ), và phương pháp thăng hoa tinh thần mà ngài truyền dạy bắt đầu được gọi là “Đạo Phật,” lan truyền rộng rãi dọc theo Con Đường Tơ Lụa xa đến tận các nước Iran và Nhật Bản. Nằm bên trong mạng lưới văn hóa và thương mại rộng lớn này, Gandhara đã phát triển rực rỡ dưới thời trị vì của những vị hoàng đế hùng mạnh theo Phật Giáo và trở thành một trung tâm trọng yếu của tôn giáo và thương mại trong gần sáu thế kỷ.

Ngày nay, nhiều bức tượng Phật và Bồ Tát được chế tác bởi nền văn minh độc đáo này nhắc nhở chúng ta về sự đa dạng văn hóa và nghệ thuật của thời kỳ phương Đông thời Hy lạp hóa và là minh chứng cho việc tâm linh Phật Giáo đã chuyển biến các bức tượng điêu khắc Hy Lạp thành một hình ảnh thiêng liêng mới — đó là hình ảnh của lòng từ bi vĩ đại.

Sưu tầm