Nhiều người làm du lịch đổi nghề vì Nha Trang vắng khách
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:56, 10/05/2023
Nha Trang đón khoảng 3.700 du khách đi tour biển đảo ngày 29/4. Ảnh: Xuân Hoát. |
Ngành du lịch tại Việt Nam nói chung và tại Nha Trang nói riêng đều bị chững lại do đại dịch Covid-19. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2019 - thời điểm trước dịch - là thời điểm tăng trưởng tốt của du lịch tỉnh khi lượng khách quốc tế, cụ thể là thị phần khách Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc đông hơn số lượng khách nội địa.
Thái An (30 tuổi, TP Nha Trang) - có 4 năm kinh nghiệm dẫn các đoàn khách Pháp, Hàn Quốc - cho biết mức lương nhận được từ công việc hướng dẫn viên cao nhưng không ổn định. Trước dịch, lượng tour đều đặn, anh không nghĩ phải tìm sinh kế khác ngoài công việc hiện tại.
“Tôi phải làm hai công việc cùng một lúc. Tôi dẫn đoàn khi có khách, thời gian còn lại tôi hành nghề mua, bán điện thoại. Trong hai năm trở lại đây, nguồn thu nhập chính của tôi đến từ công việc kinh doanh”, anh An chia sẻ.
Làm hai nghề cùng lúc
Đợt lễ 30/4-1/5 vừa qua, tuy thị trường du lịch ở tỉnh Khánh Hòa ghi nhận lượng khách tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhìn chung lại thấp hơn dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người trước đây hành nghề hướng dẫn viên du lịch, nay lại phải làm thêm một nghề song song để trang trải cuộc sống.
Tương tự Thái An, Văn Hậu (29 tuổi, TP Tuy Hòa), quản lý đặt phòng của một công ty lữ hành tại Nha Trang, cho biết làm việc trong lĩnh vực du lịch không ổn định như các mảng khác. Đặc thù du lịch là lượng khách sẽ phân bổ theo mùa. Mùa đông khách, những người làm du lịch có thu nhập ổn hơn và ngược lại.
“Vào mùa mưa, người dân ít có xu hướng đi du lịch nên thời tiết cũng được xem là một trở ngại lớn đối với người làm du lịch”, người này cho hay.
Du khách check-in tại bãi đá cạnh Hòn Chồng. Ảnh: Mai Huỳnh Trân. |
Chia sẻ thêm với Zing, Văn Hậu cho biết hiện tại không có ý định quay lại công việc cũ vì đã quen việc ở môi trường mới (không thuộc mảng du lịch).
Chị Ái (23 tuổi, ngụ tại huyện Diên Khánh) cho biết thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến chị chuyển nghề. Theo chị Ái, vào thời điểm 2020-2021, lượng khách đến phố biển tương đối đông nhưng mức lương cơ bản của một nhân viên buồng phòng chỉ 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để chị chi trả phí sinh hoạt như phí xăng xe di chuyển từ huyện Diên Khánh đến trung tâm TP Nha Trang (khoảng 10 km), phí điện, nước,... cộng thêm thời gian làm việc không phù hợp nên chị quyết định chuyển sang làm nhân viên spa. Mặc dù cơ sở chị làm việc vẫn phục vụ khách du lịch, thu thập có phần ổn định hơn.
Ngoài ra, một số quán ăn trên trục đường chính Trần Phú buộc phải sang nhượng vì không thể cầm cự qua mùa dịch.
Vắng khách vì thiếu chỗ chơi
Nguyễn Tấn Phong (TP.HCM), du khách vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ tại Nha Trang, cho biết phố biển đẹp nhưng thiếu điểm chơi cho người trẻ. “Tôi cảm thấy sinh hoạt vào những ngày ở Nha Trang như người lớn tuổi. Tôi dậy sớm, ăn uống rồi về lại khách sạn, mới 21h đã buồn ngủ vì không còn biết đi chơi đâu”.
“Vịnh Nha Trang sở hữu nhiều hòn đảo được lòng du khách như Hòn Mun, Hòn Tre, đảo Robinson... nhưng tôi bị chứng say sóng biển nên không thể tham gia các hoạt động trên đảo. Còn các địa danh nổi tiếng ở trung tâm thành phố, tôi chỉ mất hai ngày là khám phá hết, trong khi kỳ nghỉ lễ tận 5 ngày”, Tấn Phong chia sẻ.
Trao đổi với Zing, du khách Mai Anh (Hà Nội) cho biết giá hải sản ở một quán ăn nằm tại đường Trần Phú đã “mềm” hơn so với thời điểm trước dịch. “Dịp lễ 30/4-1/5 vừa rồi tôi có quay lại quán hải sản năm 2019 từng ăn. Gia đình tôi đi 5 người ăn no nê nhưng hóa đơn chỉ hơn một triệu đồng. Tôi có ghé thêm một quán nướng cũng nằm tại Trần Phú, giá có nhỉnh hơn nhưng đồ ăn ngon nên tôi không thấy vấn đề gì”.
Từng chia sẻ với Zing, bà Trần Lâm Phương, Trưởng phòng kinh doanh khách sạn Sun Kiss, cho biết hai năm trở lại đây, khách sạn chỉ đông khách vào cuối tuần, dịp lễ. Kết thúc lễ, khách sạn lại quay về tình trạng vắng khách.