Có nên dạy con làm việc nhà?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:41, 09/05/2023
Nuôi dạy con như “công chúa, hoàng tử”
Nhắc đến việc nhà, trước đây người ta vẫn thường nghĩ đây chỉ là việc dành cho những bé gái. Đã qua rồi cái thời nhà nào có con gái đều phải dạy “nữ công gia chánh”, làm việc nhà đỡ đần cha mẹ. Ngày nay, dù là trai hay gái, nhiều cha mẹ cho biết mối quan tâm hàng đầu là làm sao để trẻ được tập trung học hành, vui chơi. Không ít cha mẹ bày tỏ quan điểm nuôi dạy con: “Bây giờ học hành bài vở nhiều đã đủ mệt rồi, bắt con làm việc nhà nữa thì tội con” hoặc “nuôi con gái nên nuông chiều một chút. Thời nay cần gì làm việc nhà. Sau này cứ có tiền thuê người giúp việc là xong hết!”.
Gia đình anh Huân và chị Thắm (48 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TP. HCM) là một trong những gia đình có quan niệm như vậy. Vì lớn tuổi mới lập gia đình và sinh được một cô con gái hiện đã lên 10 nên anh chị rất nuông chiều con. Con gái không hề phải làm việc nhà vì đã có mẹ và người giúp việc phụ trách hết. Những việc cơ bản như phụ giúp mẹ xếp chén ra bàn ăn hay đơn giản như uống xong ly sữa và tự rửa ly của mình –đến giờ này bé vẫn không biết làm. Nói về điều này, anh Huân cho biết: “Người ta có câu nuôi con gái nên nuông chiều con như công chúa. Mấy việc này có người giúp việc làm, không quan trọng”.
Cũng chung quan điểm dạy con như anh Huân, tuy nhiên gia đình anh Đình Khang (53 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TP. HCM) không có điều kiện thuê người giúp việc nên người làm thay con hết mọi thứ sẽ là... anh và vợ. Gia đình hiện có 2 bé, con trai đầu đang học Đại học và con gái út hiện học lớp 8 nhưng đến giờ này hai con anh chưa biết cả thao tác hoạt động máy giặt. Chị Thùy, vợ anh sẽ là người làm hết mọi công việc cho con: từ gom quần áo bẩn vứt trong phòng, nấu ăn sẵn gọi con, dọn phòng cho hai con… Thậm chí, dây giày của con gái đi, giặt xong chị cũng sẽ là người xỏ sẵn cất lên kệ cho bé. Với cậu con trai, dù đã vào tuổi 20 nhưng chiếc xe máy đi học vẫn do ba đổ xăng, thay nhớt, bơm lốp. Mỗi lần nhà có giỗ, mọi người nhắc anh chị gọi hai con ra phụ thì anh lại gạt đi: “Cháu nó phải ôn bài, sắp thi bài vở nhiều”. Và vậy là mặc cho cha mẹ cùng các cô dì loay hoay ngoài bếp, hai con anh chị cứ đóng cửa phòng đợi đến giờ ăn, ăn xong lại vội về phòng mặc kệ cha mẹ dọn dẹp. Khi ai đó nhắc khéo anh chuyện nên dạy con, nhất là con gái biết làm ít việc nhà thì ông bố lại cười xòa: “Thời nào rồi còn bắt con gái bếp núc, dọn dẹp. Chỉ cần nó học cho giỏi, sau có tiền thuê người làm cho khỏe”.
Có cần dạy trẻ việc nhà?
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được sống hạnh phúc và làm đủ mọi điều chỉ để mang lại điều này cho con. Tuy nhiên, không dạy con những kỹ năng cơ bản để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một cá nhân là điều cực kỳ tai hại mà nhiều cha mẹ không nhận ra. Những việc nhà như: quét nhà, rửa chén bát, phụ giúp cha mẹ xếp quần áo, lau dọn trang trí lại phòng… giúp bé có ý thức về vai trò của mình đối với gia đình. Bản thân con trẻ là một thành viên trong gia đình, vì vậy dạy trẻ việc nhà không có nghĩa bắt trẻ phải chịu khổ cực mà là đang thể hiện sự tin tưởng vào đóng góp của trẻ, khơi gợi những trách nhiệm và tình cảm yêu thương, san sẻ nơi trẻ.
Đúng là có những phụ huynh không cho con làm việc nhà vì họ dành hết thời gian cho con học.. .từ sáng đến tối. Điều đó không sai, nhưng vô cùng phiến diện, gây nên những cú ‘sốc phản vệ’ thật nặng nề. Khi ra đời, bước vào cuộc sống, kỹ năng tự lập và biết cách xử lý tình huống là kỹ năng cao nhất. Những ý thức tự lập, tự lo cho bản thân đáp ứng nhu cầu cơ bản của bản thân lại bắt nguồn từ những “bài tập” gắn liền với các việc nhà cơ bản: tự giặt được quần áo cho mình, tự nấu được bữa ăn đơn giản cho bản thân,… Những điều này vô cùng nhỏ nhưng lại rất quan trọng vì cần thiết cho cuộc sống thay vì trẻ chỉ biết học. Chưa kể, nếu chỉ xoay quanh việc học, trẻ ngồi mãi bên bàn học sẽ mệt mỏi, tiếp thu kém. Làm mọi việc nhà giúp con chính là cha mẹ đang tước đoạt đi sự tôn trọng dành cho trẻ.
Các chuyên gia giáo dục còn cho rằng về mặt xã hội, bé cần tự phục vụ được nhu cầu tối thiểu của mình. Khi bé không đủ kỹ năng để tự phục vụ mình và phục vụ người khác, thì tính ích kỷ - tự ái do quen có người phục vụ sẽ khiến bé trở thành một “người thừa” trong chính cuộc sống của bé. Có biết bao gia đình cho con đi du học nhưng vì kỹ năng sống của con quá kém, không tự phục vụ được bản thân nên đành bỏ dang dở quay về tìm cha mẹ.
Ngoài ra, thiếu kỹ năng quán xuyến việc nhà còn là một nguyên nhân sâu xa khiến cho tình trạng ly hôn ở những gia đình trẻ hiện nay đang ở mức rất cao: những bạn trẻ này đều là những cục cưng, không bao giờ biết chăm sóc ai, nên khi kết hôn cũng không hề có kỹ năng chăm sóc gia đình để tiếp tục tạo ra sự yêu thương - gắn bó.
Để trẻ hứng thú với việc nhà
Nếu muốn con trẻ có thể vững vàng kỹ năng tự lập tốt cho bản thân, cha mẹ đừng quên dạy trẻ những điều sau để trẻ hứng thú với việc nhà:
- Tập cho con những việc nhà tùy theo độ tuổi. Ba mẹ hãy tập cho con làm việc nhà càng sớm càng tốt. Từ 8 tháng tuổi, bé đã có thể bò đi lấy giúp cha mẹ ông bà những món đồ an toàn như tờ báo, cái khăn; đã có thể tự đi lấy tã sạch cho mình. 9 - 10 tháng đã có thể dọn quần áo mẹ đã xếp sẵn vào tủ của mình, cất đồ chơi vào thùng gọn ghẽ. Lớn hơn chút, 3 tuổi trẻ đã biết làm những điều cơ bản vệ sinh cá nhân và cất gọn đồ đạc cho cha mẹ. Những bạn nhỏ lớn tuổi hơn, mẹ có thể nhờ con lau bàn, quét nhà… Việc nhà sẽ là một phần trách nhiệm của tất cả các thành viên để san sẻ cùng nhau. Hãy giúp trẻ nhận thức được điều này.
- Hãy tạo cho con không khí làm việc vui vẻ. Cha mẹ cần làm gương cho trẻ để trẻ noi theo.
- Hãy trân trọng những việc con làm dù có thể vụng về, quét nhà chưa sạch, lau bàn còn bẩn, gấp áo quần còn chưa gọn… Thái độ ôn hòa tích cực, không chê cười, trịch thượng kiểu “hồi bằng con mẹ không đoảng thế đâu”!?! Hãy luôn tạo cơ hội cho bé thành công và khen thưởng những thành công của bé - dù những thành công đó là do bạn trợ giúp một phần.