Giá bồi thường đất làm dự án vành đai 3 qua TP Thủ Đức ở mức nào?
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:00, 08/05/2023
Sáng 8/5, hơn 300 hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức được hướng dẫn hoàn thành thủ tục để nhận tổng số tiền bồi thường 2.300 tỷ đồng.
Bà Ngô Xuân Thu (75 tuổi, hiện ngụ tỉnh Long An, có đất ở phường Long Trường, TP Thủ Đức) có mặt tại trụ sở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) TP Thủ Đức để bổ sung một số hồ sơ nhận tiền bồi thường hơn 13 tỷ đồng cho hơn 2.200m2 đất vướng quy hoạch dự án vành đai 3.
Bà Thu cho hay, mảnh đất trên thuộc sở hữu từ thời ông bà. Muốn di chuyển đến đây phải đi qua sông bằng ghe và tùy con nước, do vậy không phù hợp để ở.
Đất này được gia đình bà cho trồng lúa, cây ăn trái dài hạn nên được đền bù theo diện đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
"Tôi vui lòng ủng hộ dự án giao thông của thành phố. Nếu không nằm trong diện GPMB, miếng đất nhà tôi cũng chỉ để đó cho bà con trồng trọt, nay đóng góp cho thành phố có đường mới để đi cũng là điều tốt", bà Xuân Thu chia sẻ.
Ngoài bà Thu còn có 20 hộ dân khác nằm trong danh sách chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phần lớn mặt bằng thuộc diện đất nông nghiệp, với diện tích lớn nhất gần 4.100m2, ít nhất khoảng 18m2.
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, địa phương có mức giá bồi thường cao nhất so với 3 huyện đường vành đai 3 đi qua.
Đơn giá cao nhất là đất ở, hơn 73 triệu đồng/m2 mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh). Trong khi đó, giá đất nền rộng 30m mặt tiền ở khu tái định cư giá 55 triệu đồng/m2.
"So sánh giữa giá đất bồi thường và tái định cư, khi người dân nhận đất tái định cư thì vẫn còn dư một phần chi phí có thể dùng để xây dựng nhà, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống", Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói.
Ngoài ra, giá bồi thường đất ở một số vị trí khác trên địa bàn là khoảng 33,2-69 triệu đồng/m2 trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình); 37,5-44,7 triệu đồng/m2 trên đường Trần Trọng Khiêm (phường Long Trường); 29,1-59,9 triệu đồng/m2 trên đường Tam Đa (đoạn từ Nguyễn Duy Trinh đến cầu Hai Tý, phường Long Trường)...
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tính đến ngày 8/5 đã có 111 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đồng thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đăng ký bàn giao mặt bằng và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, với số tiền dự kiến chi trả 900 tỷ đồng.
Địa phương cũng đã chuẩn bị 239 nền đất tại khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ (khu Long Bửu, giai đoạn 2) và 150 căn hộ tại chung cư C8 Man Thiện để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Ngoài ra, UBND TP Thủ Đức còn hỗ trợ tặng bản vẽ xin phép xây dựng nhà mới và cải tạo nhà cũ, tháo dỡ và di chuyển đồ đạc cho người dân đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Tuyến vành đai 3 TPHCM đi qua TP Thủ Đức có chiều dài 14,75km (gồm thành phần 1A với 72 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa và cấu phần 1B, 2B với 556 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa).
Cấu phần 1B, 2B được tiến hành chi trả BTGPMB hôm 8/5 có chiều dài 12,5 km với tổng diện tích đất thu hồi là 99,18ha, tương ứng số tiền dự kiến 6.500 tỷ đồng.
"TP Thủ Đức sẽ tiếp tục vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, phấn đấu hoàn thành công tác thu hồi đất bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6 năm nay", Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ khẳng định.
Cuối năm 2022, TP Thủ Đức từng được Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đánh giá đã đạt kỷ lục về tiến độ đối với khâu khó nhất trong các dự án giao thông, vì đã thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc vành đai 3 TPHCM (giai đoạn 1, trên địa bàn TP Thủ Đức).
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, tổng diện tích giải phóng mặt bằng làm vành đai 3 trên địa bàn thành phố là khoảng 410ha với hơn 1.700 trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, đến nay tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đang được sở và 4 địa phương đảm bảo bàn giao hơn 70% diện tích đất cho dự án kịp khởi công đúng tiến độ vào trước tháng 6.
Cũng theo ông Trực, để thực hiện nhanh chóng về tiến độ, TPHCM áp dụng thu hồi đất nông nghiệp trước với khả năng người dân đồng thuận cao; còn đối với hộ dân có nhà ở, đất ở thì các chính quyền địa phương đồng thời vận động người dân.
Lãnh đạo Sở TNMT cũng nêu thông tin, những hộ có nhà, đất trong dự án bị giải tỏa trắng mà không đủ điều kiện bố trí tái định cư, thì sẽ có chính sách và chuẩn bị đủ quỹ căn hộ chung cư cho người dân. Các trường hợp không đủ tiền trả một lần khi mua căn hộ cũng được xem xét cho trả chậm trong 15 năm.
Từ ngày 5-7/5, hai địa phương đầu tiên của TPHCM là huyện Củ Chi và Hóc Môn đã chi BTGPMB cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 3. Còn huyện Bình Chánh sẽ thực hiện từ ngày 9/5.
Dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, dài 47,51 km, diện tích đất chiếm dụng khoảng 410,439 ha. Trong đó, TPHCM có gần 1.700 hộ bị ảnh hưởng (559 trường hợp ở TP Thủ Đức; 408 trường hợp huyện Củ Chi; huyện Bình Chánh 393 trường hợp và 332 trường hợp huyện Hóc Môn).