Vì sao phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên ăn rau ngải cứu?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 00:21, 08/05/2023
Ngải cứu là loại cây có vị đắng, được sử dụng trong nhiều thế kỷ cho mục đích y học để giảm đau, sưng và điều trị các vấn đề về tiêu hóa, giun đường ruột và nhiễm trùng da. Tuy nhiên, vì dược tính cao nên ngải cứu cũng có nhiều tác dụng phụ.
Công dụng của ngải cứu
Chống đau và viêm
Artemisinin, một hợp chất được tìm thấy trong ngải cứu, được cho là có tác dụng chống viêm mạnh. Ngải cứu có thể giúp giảm bớt các triệu chứng viêm nhiễm như đau, đỏ, ấm và sưng tấy.
Ngải cứu cũng được sử dụng để điều trị cơn đau do chuyển dạ, đau tiền kinh nguyệt, đau khớp và cơ.
Phần lớn các nghiên cứu về tác dụng chống viêm của cây ngải cứu tập trung vào việc sử dụng nó ở những người bị viêm xương khớp (viêm khớp do hao mòn) và viêm khớp dạng thấp (một dạng viêm khớp tự miễn).
Một nghiên cứu năm 2017 trên Tạp chí Y học Tích hợp Trung Quốc cũng báo cáo giảm đau ở những người bị viêm khớp dạng thấp khi chiết xuất cây ngải được sử dụng với leflunomide và methotrexate (hai loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp).
So với những người chỉ dùng leflunomide và methotrexate, những người trong nhóm dùng ngải cứu ít bị đau hơn và ít bị ảnh hưởng đến các khớp nói chung. Nghiên cứu không cho thấy rằng bản thân cây ngải cứu có bất kỳ tác dụng nào đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Chống lại ký sinh trùng
Tên của cây ngải cứu bắt nguồn từ việc người ta sử dụng nó trong lịch sử để điều trị ký sinh trùng, bao gồm cả giun sán như giun kim, giun tròn và sán dây gây ra bệnh đường tiêu hóa nghiêm trọng.
Cây ngải cứu từng được coi là một phương thuốc ưa thích để trị giun đường ruột. Các nghiên cứu xem xét việc sử dụng cây ngải cứu trong điều trị ký sinh trùng đã được tiến hành trên động vật và hầu hết kết quả đều tốt.
Hỗ trợ tiêu hóa
Cây ngải cứu từ lâu đã được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu, đầy hơi, viêm dạ dày và các triệu chứng của bệnh túi mật. Người ta cho rằng terpen trong cây ngải cứu kích thích nước bọt, chất nhầy dạ dày và dịch tiết ruột có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa.
Đồng thời, chúng có thể giúp giảm axit dạ dày góp phần gây loét dạ dày và trào ngược axit.
Ngải cứu dường như cũng làm tăng tiết mật từ túi mật, có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón.
Một đánh giá năm 2020 trên Phytotherapy Research cũng cho rằng, cây ngải cứu có thể hỗ trợ điều trị bệnh Crohn, một loại bệnh viêm ruột. Bằng cách giảm viêm và kích thích tiết dịch ruột, ngải cứu có thể làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc steroid thường được sử dụng để giảm viêm và đau ruột ở những người mắc bệnh Crohn.
Làm trắng da và trị mụn
Nếu làn da của bạn không được hồng hào, thường xuyên bị mụn bị cây ngải cứu sẽ giúp bạn cải thiện được tình hình. Lấy lá ngải cứu giã nhuyễn sau đó đắp lên mặt, lên những chỗ bị mụn để khoảng 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Bạn duy trì quá trình này trong vòng 1 tháng sẽ nhận thấy những tiến bộ và hiệu quả tích cực từ làn da.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng ngải cứu
Ngải cứu tương đối an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn ở người lớn và đã được sử dụng ở liều thấp mà không gặp sự cố nào trong tối đa 12 tuần.
Tuy nhiên, ngải cứu chứa một lượng đáng kể thujone, một chất hóa học thần kinh có thể gây độc ngay cả với một lượng nhỏ. Vì vậy, ngải cứu tươi nên được sử dụng một cách thận trọng do khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như nôn mửa, ảo giác và co giật.
Những người không nên ăn ngải cứu
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Ngải cứu là vị thuốc giúp lợi tiểu và nhuận tràng hiệu quả. Song chính tác dụng này sẽ gây bất lợi cho người mắc bệnh rối loạn đường ruột, khiến bệnh trở nên nặng và khó kiểm soát hơn. Ngoài ra những người bị sỏi thận cũng được khuyến cáo nên tránh xa rau ngải cứu.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là rau ngải cứu. Lý do là vì ngải cứu có nhiều hàm lượng dẫn đến co bóp tử cung, nếu ăn nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ làm mẹ bầu sảy thai.
Với một số mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm hoặc máu nóng thì cũng nên tránh xa ngải cứu trong 3 tháng đầu để tránh tình trạng bị co bóp tử cung, ra máu nhiều.
Người mắc bệnh viêm gan
Trong ngải cứu có loại tinh dầu dễ bay hơi. Tinh dầu trong cây ngải cứu tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Chất này sẽ đi vào gan và làm rối loạn chuyển hoá tế bào gan, gây viêm gan cấp tính do trúng độc, viêm gan vàng da, làm gan to, nước tiểu đục…
Nếu người bị viêm gan thường xuyên ăn ngải cứu thì tình trạng bệnh sẽ trở nên nặng hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số món ăn ngon từ ngải cứu
Trứng rán ngải cứu
Chuẩn bị:
- 2 đến 3 quả trứng gà lớn hoặc trứng vịt.
- 1 nhúm lá ngải cứu.
- Hành khô, tiêu, muối, nước mắm.
- Dầu ăn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lá ngải cứu rửa sạch, để lên rổ cho ráo nước.
- Bước 2: Thái nhỏ lá ngải cứu và hành khô.
- Bước 3: Trứng gà đập ra bát, dùng đũa đánh thật đều, thêm vào một thìa nhỏ nước mắm, nửa thìa nhỏ muối.
- Bước 4: Trộn ngải cứu với một nửa hành khô, vào bát trứng, dùng đũa trộn đều.
- Bước 5: Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, dùng nửa hành khô còn lại phi thơm, đổ trứng vào rán chín vàng hai mặt.
Gà hầm ngải cứu
Chuẩn bị:
- 1 con gà tầm 1–1,2kg.
- 3 đến 4 mớ ngải cứu.
- 1 gói gia vị thuốc bắc hầm gà.
- 1 nhánh gừng.
- Muối, hạt nêm.
Cách thực hiện:
- Gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn.
- Gừng rửa sạch đập dập, ướp chung với gà, muối, hạt nêm, gói gia vị thuốc bắc. Ướp trong 30 phút.
- Ngải cứu rửa sạch. Nhặt riêng phần lá non và phần cọng ra.
- Nhét lá ngải cứu non vào bụng con gà. Phần ngải cứu còn lại thì phủ phía trên.
- Đem gà đi hầm với 2-3 bát nước. Vớt bọt trong quá trình hầm. Sau đó hầm với lửa nhỏ trong 30-45 phút.
Theo GD&TĐ