Vị tướng tài ba chỉ huy trận sân bay Cát Bi thời Pháp có 1 không 2
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 12:09, 07/05/2023
Nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023), VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết về cố Trung tướng Đặng Kinh (1921 - 2019), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, một trong những nhà chỉ huy quân sự tài ba về lối đánh du kích "lấy ít địch nhiều","lấy yếu thắng mạnh". Trận tập kích sân bay Cát Bi mà ông trực tiếp chỉ huy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trung tướng Đặng Kinh (tên khai sinh là Đặng Văn Rợp) quê gốc tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định. Đây là mảnh đất vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng. Hiện ngôi làng có 13 người quê gốc mang quân hàm từ Thiếu tướng trở lên.
Ông Đặng Kinh từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại xã Kim Sơn, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng và trở thành vị chỉ huy lực lượng vũ trang chống Nhật bảo vệ căn cứ Kim Sơn.
Ông trực tiếp tham gia với tư cách chỉ huy nhiều trận đánh suốt từ tháng 7/1945 cho đến tháng 7/1954 (tức là cả sau chiến thắng Điện Biên Phủ).
Tập kích sân bay Cát Bi
Khi nhớ về những chiến công của vị chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An (Hải Phòng) Đặng Kinh, không thể không nói đến trận đánh sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 do ông trực tiếp chỉ đạo, vạch ra phương pháp và kế hoạch tấn công.
Đó là trận đánh sân bay thắng lợi nhất trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp tại mảnh đất Đông Dương.
Lực lượng vũ trang của ta chỉ với 32 cán bộ, chiến sĩ do Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh trực tiếp chỉ đạo đã làm quân đội Pháp tổn thất vô cùng lớn - 59 máy bay các loại bị phá huỷ, dù địch bố phòng hết sức cẩn mật với 3.000 binh lính và sỹ quan.
Cố Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Tổ trưởng một tổ trinh sát sân bay Cát Bi năm xưa từng kể: "Xung quanh sân bay Cát Bi năm ta tấn công có 78 đồn bốt, tháp canh chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai, bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày, một con chuột nhắt chạy qua cũng bị phát hiện.
Cứ 15 phút lại có 1 trung đội Âu - Phi được trang bị cơ giới và chó nghiệp vụ tuần tra quanh sân bay. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng Pháp và cố vấn Mỹ. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sân bay, bọn địch đã dựng một “vành đai trắng” xung quanh. Hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn cũng là một lực lượng bảo vệ sân bay chiến lược này từ xa".
Ngoài ra, có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ bay và 50 cố vấn Mỹ. Chúng được trang bị 25 trọng liên, 15 khẩu cối 81mm. Sân bay này khi đó được coi thuộc dạng lớn nhất nước. Nó có sức chứa 500 máy bay, nhưng lúc đó, Pháp cũng chỉ có 277 chiếc đậu nơi đây, cách nhau 50m...
Trận tập kích đã khiến sân bay Cát Bi biến thành một biển lửa cháy liền suốt 17 giờ. 59 chiếc máy bay các loại bị quân ta tiêu diệt cùng nhiều phương tiện kỹ thuật khác.
Trận đánh đã góp phần quan trọng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn sau đó chỉ 7 ngày (13/3). Do bị tổn thất quá nặng nề, kẻ địch không còn đủ mạnh để bảo vệ cho cứ điểm Điện Biên Phủ.
Để có chiến công vang dội và kỳ tích đến vậy, kế hoạch trên được giữ bí mật tuyệt đối khi ông Đặng Kinh cùng thuộc cấp bàn thảo và tổ chức tập luyện trong suốt 8 tháng ròng.
Theo hồi kí của Đại tá Đỗ Tất Yến, nguyên Chỉ huy phó trận tập kích Cát Bi, quá trình luyện tập ấy rất vất vả: họ tập chạy bộ gần 30km/ngày với trang bị đầy đủ súng đạn, yêu cầu không phát ra tiếng động; tập đánh máy bay trong khi chưa mấy ai biết hình thù cụ thể, cấu tạo, tính năng từng bộ phận của nó như thế nào.
Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và bí mật tuyệt đối, các chiến sĩ đều xác định được tư thế, động tác, khối lượng thuốc nổ đánh máy bay đỗ sẽ như thế nào…
Đánh giá về vai trò của trận tập kích sân bay Cát Bi đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: "Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 và Khu ủy, Bộ Tư lệnh Tả Ngạn đã động viên mọi lực lượng, tập trung sức người, sức của chi viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Những trận đánh ‘xuất quỷ, nhập thần’ xung kích sân bay Gia Lâm, đặc biệt là sân bay Cát Bi, đánh thẳng vào trung tâm quân sự của giặc, đã phá hủy một bộ phận quan trọng Không quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến trường toàn quốc và chiến trường chính Điện Biên Phủ”…
Cứ mỗi dịp kỷ niệm cũng là lúc chúng ta hồi tưởng công lao của các bậc lão thành và nguyện luôn “uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công ơn to lớn ấy bằng những cách làm thiết thực nhất có thể. Ví dụ như việc Đảng và Nhà nước ta nên xem xét truy tặng, khen thưởng các danh hiệu cao quý cho các bậc tiền bối sao cho xứng đáng nhất, dù họ đã đi xa, thì thật quý biết bao.
"Tôi đã nhiều lần tiếp xúc và làm việc với anh Đặng Kinh. Anh là một đảng viên trung kiên, một vị tướng có đức, có tài, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và quân đội giao phó. Anh là con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội..." (Lời tựa cuốn hồi ký ‘Giọt nước của dòng sông’ của Trung tướng Đặng Kinh) Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ngày 12/7/2004 |
Năm 1994, Trung tướng Đặng Kinh vinh dự nhận huân chương Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được tặng thưởng huân chương Quân công hạng nhất (tháng 12/1953) và hạng nhì (tháng 8/1954) cùng nhiều huân chương trong kháng chiến chống Mỹ... Từ tháng 1/1955, ông giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Từ năm 1960 -1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu rồi Cục trưởng Cục liên lạc đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Tháng 2/1966, ông vào chiến trường làm Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên-Huế. Tháng 4/1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Tháng 3/1977, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Từ 1978-1988, ông là Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được phong Trung tướng năm 1982. |