ASEAN 42: Quyết tâm khôi phục nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, bao trùm hơn
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 09:40, 07/05/2023
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu khởi động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023. (Nguồn: MOFA Indonesia) |
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (ASEAN 42) sẽ được tổ chức tại Labuan Bajo - một địa danh du lịch đẹp Indonesia từ ngày 9-11/5 với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự ASEAN 42 lần đầu tiên với tư cách quan sát viên.
Cấp cao “nội khối” - nâng cao tự cường
Theo Đại sứ Vũ Hồ, ASEAN 42 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nói chung còn thấp và bấp bênh.
Trong khi đó, ASEAN đang củng cố Cộng đồng, nỗ lực hoàn tất Kế hoạch Tổng thể 2025 trên cả ba trụ cột và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay như: phục hồi bao trùm, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… ASEAN đoàn kết và củng cố vai trò trung tâm, song cũng phải đối mặt nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài.
Với chủ đề "Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng", Indonesia - Chủ tịch ASEAN 2023, đưa ra nhiều ưu tiên, sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN và đưa ASEAN trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu. Đặc biệt, ưu tiên của nước chủ nhà là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế và đặt nền móng để đưa ASEAN thật sự trở thành vai trò trung tâm phát triển của khu vực.
Thông qua chủ đề ASEAN 42, nước chủ nhà đã phát đi thông điệp về sự phát triển của ASEAN, về quyết tâm của các nước ASEAN trong việc khôi phục nền kinh tế theo hướng bền vững hơn, bao trùm hơn. Ngoài ra, còn có thông điệp về một ASEAN phải ở trung tâm các sự kiện xẩy ra tại khu vực, ASEAN phải là lực lượng dẫn dắt tiến trình xây dựng hòa bình, ổn định cũng như tiến trình hợp tác hội nhập kinh tế của khu vực.
Đại sứ Vũ Hồ cũng khẳng định, các vấn đề trao đổi tại Hội nghị toát lên hơi thở của thời đại. Các vấn đề đang xẩy ra trên thế giới cũng như trong khu vực đều được phản ánh trong trao đổi của các lãnh đạo tại Hội nghị, thể hiện cần thiết, sự gần gũi của ASEAN đối với phát triển của khu vực, trong đó có hòa bình, ổn định của khu vực.
Vì vậy, có thể khẳng định, ASEAN 42 là cấp cao “nội khối” sẽ là dịp để Lãnh đạo các nước ASEAN thảo luận, đề ra định hướng củng cố Cộng đồng, nâng cao tự cường, khả năng thích ứng, và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trước những phức tạp, biến động hiện nay.
Nội dung thảo luận rộng mở
Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Vũ Hồ chia sẻ, các nhà lãnh đạo dự ASEAN 42 sẽ có lịch hoạt động khá dầy, đặc biệt là các nhà lãnh đạo sẽ có sự quan tâm, trao đổi với nhiều giới, mang tính rộng lớn hơn.
Các Bộ trưởng Ngoại giao tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 32 được tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN, Jakarta. (Nguồn: MOFA Indonesia) |
Các nhà lãnh đạo sẽ dự Phiên toàn thể để thảo luận về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Cùng với đó là Phiên họp hẹp để trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Dịp này cũng sẽ diễn ra các Phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Tại các sự kiện này, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, khuyến khích sự tham gia tích cực, đóng góp thực chất của các Nghị viện thành viên, đại diện Thanh niên, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường hiểu biết và sự gắn kết giữa nhân dân các nước, xây dựng bản sắc và ý thức cộng đồng, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Tại phiên đối thoại với Nhóm HLTF, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi và đưa ra chỉ đạo định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, hướng tới một ASEAN đoàn kết, tự cường, với năng lực ứng phó hiệu quả và thích ứng linh hoạt trước các chuyển động nhanh chóng của thế giới và khu vực.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng của các trụ cột Cộng đồng sẽ họp trù bị, cụ thể: Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh họp ngày 9/5 tại Labuan Bajo; Hội đồng Cộng đồng Kinh tế họp ngày 7/5 tại Jakarta; và Hội đồng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội họp ngày 9/5 tại Bali.
Đại sứ Vũ Hồ cũng cho biết, dự kiến các nhà lãnh đạo dự ASEAN 42 sẽ thông qua khoảng 10 văn kiện quan trọng trải đều trên các các lĩnh vực hợp tác trên cả 3 trụ cột cộng đồng chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Trong đó, đáng chú ý có các Tuyên bố về hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, ứng phó nạn mua bán người do sử dụng công nghệ trái mục đích, thiết lập hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN, thành lập Mạng lưới làng xã ASEAN và thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ.
Việt Nam chia sẻ quan điểm về các ưu tiên của ASEAN
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự ASEAN 42.
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo, Đoàn Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nước Chủ tịch Indonesia và các nước ASEAN đóng góp vào thành công chung của hội nghị.
Tại Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các ưu tiên của ASEAN, đưa ra các đề xuất củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với Lãnh đạo các nước để thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trao đổi các vấn đề cùng quan tâm tại các Hội nghị.
Thông điệp Việt Nam đưa đến ASEAN lần này là thông điệp về sự đoàn kết cả ASEAN, cũng là thông điệp về nhu cầu một ASEAN đổi mới, hiệu quả hơn, năng lực hơn, nhiều năng lượng hơn trong tham gia vào các sinh hoạt của khu vực.