Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội

Nhịp sống - Ngày đăng : 18:29, 06/05/2023

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với công nhân, người lao động, nhiều người bày tỏ việc khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Chiều 6/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng các đại biểu Quốc hội TPHCM tham dự buổi tiếp xúc chuyên đề với cử tri là công nhân lao động tại quận 7. Ngoài nội dung chính xoay quanh dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, các cử tri đã góp ý nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.

Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự buổi tiếp xúc cử tri đối với công nhân, người lao động (Ảnh: Q.Huy).

Công nhân, người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội

Cử tri Phạm Thị Hồng Phượng, Công ty Dịch vụ công ích quận 7, cho rằng, các chính sách về nhà ở hiện tại chưa tạo nhiều cơ hội cho chị và các đồng nghiệp. Nữ công nhân chỉ rõ, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định đối tượng hưởng hỗ trợ chính sách về nhà lưu trú công nhân là lực lượng làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều người làm việc bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có nhu cầu, quan tâm và mong muốn được tiếp cận chính sách này. Do đó, cử tri mong muốn dự thảo luật tạo điều kiện để công nhân, người lao động dù làm việc ở đâu cũng có thể thụ hưởng.

Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội - 2

Cử tri là người lao động của Công ty Dịch vụ công ích quận 7 (Ảnh: Q.Huy).

Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong khu công nghiệp phải thuộc diện "không phải nộp thuế thu nhập cá nhân". Chị Phượng cho rằng tiêu chí này là chưa thỏa đáng và công bằng.

"Tôi không có người phụ thuộc, mức thu nhập phải đóng thuế nhưng không có nghĩa là thu nhập của tôi cao hơn những người có người phụ thuộc. Hơn nữa, với mức tính thuế thấp như hiện nay, dù thu nhập của tôi trên 11 triệu/tháng cũng không dư dả với mức sống tại thành phố này và khó có cơ hội để tiếp cận nhà ở xã hội", cử tri Phượng bày tỏ.

Tại hội nghị, bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, đặt vấn đề về việc khó tiếp cận gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai. Đến nay, các cơ quan chưa ban hành thủ tục, điều kiện cụ thể để thực hiện gói vay này.

"Không những người lao động mà cán bộ công đoàn tiếp cận gói này cũng cực khó. Chủ trương rất hay nhưng điều quan trọng là làm sao đến được với công nhân", bà Vân nêu rõ.

Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội - 3

Tại hội nghị, nhiều cử tri cho rằng các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân còn khó tiếp cận (Ảnh: Q.Huy).

Khi tổ chức công đoàn đặt vấn đề, các ngân hàng nói công nhân phải tự ra ngân hàng và trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM nêu thực tế, đặc thù công việc của công nhân rất khó để ra ngân hàng làm thủ tục vào giờ hành chính, mà chưa chắc làm một lần đã có thể tiếp cận gói vay.

"Các anh chị làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, xin được ngày nghỉ rất khó. Ngoài trừ ngày lương còn bị trừ nhiều loại tiền khác", bà Vân nêu thực trạng.

TPHCM xem xét bình ổn giá thuê nhà trọ

Sau 18 góp ý, kiến nghị của các cử tri công nhân trong hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ sự đồng cảm và cảm ơn nỗ lực của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, công nhân trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng. Vị lãnh đạo thành phố mong muốn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức công đoàn, MTTQ, chính quyền các cấp sẽ đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội - 4

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin, tình hình kinh tế quý II/2023 được dự báo có khởi sắc (Ảnh: Q.Huy).

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động khi nguồn thu nhập bị ảnh hưởng. Sắp tới, TPHCM sẽ tiếp tục các hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hiện vật đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều.

Ông Mãi cũng cho rằng, thành phố vẫn đang xử lý cục bộ đối với việc hỗ trợ tiền thuê nhà của công nhân, người lao động, chưa hình thành được chính sách ở giai đoạn khó khăn này. Qua buổi tiếp xúc cử tri hôm nay, địa phương sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách này, đặc biệt đối với những công nhân, người lao động bị ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập.

Ngoài ra, ngành công thương cùng các đơn vị chủ lực, các doanh nghiệp sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM để tổ chức các chương trình phiên chợ công nhân, mang hành bình ổn giá tới tay người lao động với giá chấp nhận được. Lãnh đạo TPHCM cũng cho rằng, các vấn đề về nhà ở cũng cần nghiên cứu để đưa vào bình ổn giá trong thời gian tới.

"TPHCM đang tập trung và sẽ có chính sách đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân, hỗ trợ các nhà trọ, tăng khả năng tiếp cận với người lao động với giá cả phù hợp. Thành phố sẽ tập trung hình thành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ở gần khu công nghiệp, khu có nhiều nhà máy, xí nghiệp", ông Mãi cam kết.

Gặp Chủ tịch TPHCM, công nhân than lương 11 triệu khó mua nhà ở xã hội - 5

Chủ tịch TPHCM cho biết sẽ nghiên cứu để đưa vấn đề nhà ở vào chương trình bình ổn giá (Ảnh: Q.Huy).

Trong nội dung này, thành phố sẽ nghiên cứu, phát triển đa dạng loại hình nhà ở. Đặc biệt, phương án sử dụng nhà tiền chế, có khả năng di dời sau 10 năm hoặc 20 năm cũng được Chủ tịch UBND TPHCM thông tin tới các cử tri.

Liên quan tới gói tín dụng 120 nghìn tỷ, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để thúc giục công khai điều kiện, quy trình tiếp cận nhưng còn nhiều điểm vướng mắc. Các đơn vị này cam kết sẽ sớm hoàn thiện để có thông báo chính thức về gói vay này.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu thực trạng, nhiều công nhân trong một số trường hợp cần vài chục triệu để lo việc nhà hoặc việc đột xuất không thể vay được ai nên đã phải vay tín dụng đen. Do đó, UBND TPHCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thành phố nghiên cứu các chính sách thấu chi cho công nhân, người lao động.

Q.Huy