Nhà giáo dành cả cuộc đời xây dựng trường học hạnh phúc

Nhịp sống - Ngày đăng : 17:10, 06/05/2023

Toàn bộ nội dung sách “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” là tâm huyết về giáo dục được chia sẻ dưới dạng lời tâm tình của nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hoà.

Là người đã từng nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhưng khi đọc cuốn “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” của TS Nguyễn Văn Hoà, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự giản dị, gần gũi, chân thực khi nói về quá trình xây dựng một ngôi trường hạnh phúc.

Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi những tư tưởng mà TS Nguyễn Văn Hoà đã đề xướng cùng với những việc ông làm để biến tư tưởng ấy trở thành hiện thực.

Hiện tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi trường mà TS Hoà đã dành nhiều công sức tạo dựng là trường học chất lượng cao, một ngôi trường hạnh phúc của quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là bệ phóng cho cuốn sách “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” ra đời. “Cuốn sách này xin được dành tặng cho các thầy, cô giáo kính mến, cũng xin trân trọng dành tặng các phụ huynh trên khắp Việt Nam”, trích lời đề sách.

Nhà giáo dành cả cuộc đời xây dựng trường học hạnh phúc - 1

Cuốn sách Xây dựng trường học hạnh phúc - con đường tôi đi của TS Nguyễn Văn Hoà.

Ông đã có những lời tâm huyết gửi tới bạn đọc ở đầu cuốn sách như thế! Chúng tôi xin trân trọng và tri ân tới TS Nguyễn Văn Hoà khi được ông trao gửi món quà quý giá đầy ý nghĩa này.

Đọc 10 chương với hơn 300 trang của cuốn “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi”, trước hết, tôi cảm nhận được một thái độ khiêm nhường của người viết, bởi tác giả chỉ coi đó “là những trải nghiệm và suy ngẫm cá nhân trong suốt cuộc đời làm giáo dục”. Khi lắng lại suy ngẫm tôi lại nhận ra cuốn sách có những đóng góp hữu ích vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Cuốn sách thuyết phục người đọc bằng cả những lí luận về giáo dục và những câu chuyện bình dị, những tâm sự rất đời thường tưởng như rất nhỏ bé, nhưng đã đem lại hạnh phúc thật lớn lao cho không ít con người, không ít gia đình.

Sự hấp dẫn của cuốn sách trước hết là niềm băn khoăn khôn nguôi về sứ mệnh giáo dục của nhà trường. Ông Hoà chủ trương giáo dục phải hướng tới số đông, ông trăn trở “80 -90% những đứa trẻ không có khả năng học giởi để thành nhân tài đáng ra mới phải là mục tiêu quan quan tâm hàng đầu của giáo dục mới phải”.

Những câu hỏi cứ trở đi, trở lại. “Tại sao giáo dục lại là đào tạo đỉnh cao? Và nhất thời chỉ nhìn vào đỉnh cao để đánh giá thành tích của giáo dục?”. Cuối cùng ông đã tìm ra câu trả lời rất thiết thực, có được sự đồng thuận của nhiều người nhất: “Giáo dục là phải nhìn vào mọi học sinh, cho mọi học sinh; nhìn nhận mỗi học sinh với tư cách là một con người – một cá thể riêng biệt.

Mục tiêu đầu tiên của giáo dục phải là nâng cao dân trí, mục tiêu thứ hai là đào tạo nhân lực cho đất nước. Rồi cùng với nó, mục tiêu thứ ba mới là đào tạo nhân tài”.

Và ông Hoà xây dựng “Trường học hạnh phúc” bắt đầu từ việc thay đổi cho mỗi cá nhân học sinh. Sự thành công trước hết đã đến với học sinh, giáo viên, ngôi trường mà ông tạo dựng rồi lan toả đến các trường khác, các địa phương khác. Có thể kể ra một vài trường hợp tiêu biểu mà cuốn sách đã đề cập tới.

Câu chuyện của em học sinh Đoàn Thanh Trang, từ “một đứa trẻ ngỗ nghịch... luôn cảm thấy mình lạc lõng”, có lúc bi quan đến mức tuyệt vọng “có những sáng thức dậy, con chỉ muốn được thiếp ngủ vĩnh viễn vì không muốn tiếp tục đối diện với những điều đang đợi con ở trường học”... đến lúc Trang đã hoàn toàn thay đổi “Than đá hoá kim cương”. Bé Trang đã trở thành con người hạnh phúc khi “Bố mẹ ngày càng tự hào về con”. Gia đình Trang cũng được hưởng niềm hạnh phúc bởi “đã tìm lại được đứa con đã đánh mất của mình”. Bản thân Đoàn Thanh Trang tự hào về ngôi trường mà mình đang học “Một ngôi trường hạnh phúc. Tất cả tiến lên không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhà giáo dành cả cuộc đời xây dựng trường học hạnh phúc - 2

TS Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1946.

Học sinh tìm thấy niềm vui trong ngôi trường của mình, chắc chắn các thầy cô giáo, người dìu dắt các em cũng thấy hạnh phúc. Cô giáo Vũ Tuyết Nga đã làm được một điều kì diệu, biến một “cậu bé im lặng”, “một thời gian dài không nói chuyện với bất kì ai,... có thể nổi nóng mà chẳng cần lí do gì” trở thành một cậu học trò rất tình cảm, biết chia sẻ, hoà đồng với mọi người. Tôi hiểu cô cũng hạnh phúc từ cử chỉ thân thương dùng ngón tay “dí vào đầu cậu bé” như một người mẹ.

Nhắc lại một vài chuyện nhỏ (trong nhiều câu chuyện cuốn sách nói đến), tôi không giấu diếm sự tin yêu của mình với một ngôi trường cụ thể, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà TS Nguyễn Văn Hoà dày công gây dựng. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi, người viết những dòng này muốn đề cao, cổ vũ, khuyến khích một tư tưởng giáo dục mới “Xây dựng trường học hạnh phúc” và “con đường đi” để có một ngôi trường hạnh phúc. Tôi tin rằng, khi đọc cuốn sách này, mọi người cũng có những suy nghĩ như tôi.

Cuốn sách chỉ ra rằng “Xây dựng trường học hạnh phúc” không giới hạn ở những thành công của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm l(Cầu Giấy, Hà Nội), mà còn có những câu chuyện “Xây dựng trường học hạnh phúc” thành công và xúc động không kém ở những trường tại các địa phương khác, nơi mà điều kiện giáo dục còn hạn chế.

Thông qua những câu chuyện giáo dục bình dị, tác giả cuốn sách muốn truyền đến chúng ta một niềm tin mạnh mẽ rằng, bất kì một ngôi trường bình thường nào, ở một vùng quê bình thường nào chắc chắn cũng sẽ xây dựng được ngôi trường hạnh phúc, nếu thầy cô giáo ở đó quyết tâm thay đổi.

Đó là câu chuyện của Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập ở Vĩnh Phúc mà cuốn sách đã đề cập. Tuổi đời chưa cao (36 tuổi), sẵn bầu nhiệt huyết, lạc quan nhưng khi đối mặt với công việc của một Hiệu trưởng, sau một thời gian, bị bạn bè, thầy cô đồng nghiệp nhận xét là “nhàu đi trông thấy”.

Không cam chịu trong bế tắc, Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh đã mạnh dạn thay đổi khiến cho môi trường giáo dục của trường mình trở nên vui vẻ hơn, bản thân Hiệu trưởng cũng thấy mình nhẹ nhõm hơn, “soi gương thấy mình trẻ lại, đỡ nhàu hơn”. Từ kết quả ấy, người Hiệu trưởng trẻ tuổi “có niềm tin về hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, nơi mà ở đó giáo viên, học sinh... cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị”. Ngôi trường hạnh phúc, người đầu tiên cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy chính là Hiệu trưởng.

Nhiều thập kỉ gần đây, theo dõi những tin tức về giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít người chúng ta đã từng bi quan về giáo dục Việt Nam.

Mọi người quan tâm đến giáo dục chắc ít ai quên được có một vị học giả khá nổi tiếng đã phải thốt lên “nếu tôi được cử làm Bộ trưởng GD&ĐT thì việc làm đầu tiên là viết đơn xin từ chức”.  Mỗi lần nhắc lại chuyện này, tôi không khỏi cảm thấy xót xa, tuyệt vọng, bế tắc! Cho đến khi cầm trên tay và đọc hết cuốn “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” của TS Nguyễn Văn Hoà, tôi đã bừng tỉnh.

Ánh sáng của niềm tin đã trở lại chăng? Vâng, đúng vậy, những kinh nghiệm, những tâm sự của tác giả được chia sẻ trong hơn 300 trang sách đã đem lại sự tự tin cho tôi (và chắc không chỉ bản thân tôi). Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể tạo dựng được môi trường giáo dục hạnh phúc, không chỉ ở nhà trường mà còn ở gia đình, xã hội.

Thế hệ trẻ thay đổi tích cực sẽ khiến cho cái nhìn về giáo dục Việt Nam phấn chấn hơn, lạc quan hơn. Gấp lại trang cuối của cuốn sách, tôi quả quyết rằng “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” là cuốn sách rất cần cho các thầy, cô giáo ở mỗi nhà trường. Và không chỉ có thế, các bậc phụ huynh, cộng đồng xã hội cũng dễ dàng tìm được cho mình những bài học quý giá trong việc giáo dục con trẻ.

Cách lý giải mới mẻ, độc đáo về những vấn đề thường nhật, tưởng như không còn gì để nói của giáo dục cũng tạo ra sự lôi cuốn của cuốn sách.

Không đao to, búa lớn, “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” vẫn nói về những vấn đề muôn thuở: Mục tiêu của giáo dục, bắt đầu từ đâu, vai trò thực sự - bản chất cốt lõi của nhà giáo, chinh phục học trò, xây dựng mối quan hệ với phụ huynh,... cách nhìn mới, cách lí giải mới ở đây là tác giả luôn luôn hướng về số đông, chuyển tải một thái độ sống tích cực cho mọi người.

Bên cạnh đó là những luận giải rất thực tế, dung dị, hóm hỉnh, lí thú về các vấn đề mọi người thường trăn trở: Thế nào là thành công - thất bại, mối quan hệ giữa chúng hay mối quan hệ giữa kiêm tiền và hạnh phúc, quan niệm về đúng - sai, học giỏi – học dốt... Tôi cho rằng, đây thực sự là những trang xuất thần của cuốn sách.

Những chuyện về giáo dục đến với mỗi người rất tự nhiên và ở lại lâu bền với người đọc là vì, tác giả nói bằng tất cả sự nồng nhiệt của trái tim mà không sa vào những kể lề, bàn luận lan man thường thấy. Điều mà người đọc cảm thấy sâu sắc bởi mỗi ý tưởng của tác giả đều xuất phát từ những cơ sở thực tiễn vững chắc được soi sáng bởi lí luận giáo dục hướng tới chân, thiện, mĩ.

Tôi rất thích một quan điểm được thể hiện khá hình tượng “Mỗi đứa trẻ đều là một hòn đá chứa ngọc” mà có thể nhiều người chưa quan tâm đúng mức. “Mỗi đứa trẻ đều là một hòn đá chứa ngọc”, vâng, đúng như vậy, suy nghĩ sâu hơn một chút sẽ thấy đây là một cách nhìn rất hiện đại, rất nhân văn về đối tượng của giáo dục.

Một quan niệm như thế sẽ đặt đứa trẻ vào trung tâm của hoạt động giáo dục, rất hiện đại mà vẫn không đoạn tuyệt với kinh nghiệm dạy người của ông cha ta “Ngọc có mài mới sáng”.

Với tư cách của một độc giả, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách giảng giải: “Trường học hạnh phúc” quyết không phải là một khái niệm chung chung hay một mô hình nặng tính lí thuyết mà là một môi trường có hoạt động giáo dục cụ thể. Ở đó có hoạt động dạy học được vận hành bởi 2 nhân vật chính là trò và thầy. Học sinh đến trường để học gì? Vai trò thực sự của giáo viên trong trường học hạnh phúc là gì?

Từ đó mà xác định nội hàm “Trường học hạnh phúc là nơi mà mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên đều được an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được có giá trị. Đó là khi họ cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường.

Đó cũng chính là động lực để học sinh hứng thú học tập và sáng tạo”. Một quan niệm về hạnh phúc nhất quán “Hạnh phúc không đến từ bên ngoài. Hạnh phúc đến từ bên trong con người chúng ta”. Tôi cảm nhận rõ ràng, khái niệm hạnh phúc tưởng như vô hình mà có thể cầm nắm được. Nhận thức của bản thân tôi đã được mở mang thêm rất nhiều khi đọc phần này.

Có thể nói “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi” là tâm huyết cả một đời dạy học của nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hoà. Điều đáng quý là ông chỉ ra bí quyết nhưng không giữ riêng cho mình mà muốn tư tưởng “Xây dựng trường học hạnh phúc” phải được lan toả rộng rãi, đến với nhiều người.

Tác giả đã không ngần ngại chia sẻ chuyện “bếp núc” của “con đường tôi đi”. Những chuyện “chinh phục học trò’; “xây dựng mối quan hệ với phụ huynh”; “phương pháp giáo dục – dạy học tích cực”; “cách tổ chức nhà trường hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”;... được nói ra như những lời chia sẻ tâm tình muốn có được sự cộng hưởng của những người quan tâm đến giáo dục.

Tôi rất muốn nói nhiều hơn đến những thành công của TS Nguyễn Văn Hoà về những vấn đề ông trình bày trong sách của mình “Xây dựng Trường học hạnh phúc, Con đường tôi đi”, nhưng thôi, hãy để cho bạn đọc chiêm nghiệm và chia sẻ hạnh phúc cùng ông.

Với tất cả sự trân trọng, tôi mong mọi người hãy đọc chậm, đọc kĩ cuốn sách “Xây dựng Trường học hạnh phúc, Con đường tôi đi”, cuốn sách của một con người từng có 14 năm tuổi trẻ trong quân ngũ, thường phải đối mặt với quân thù ở những chiến trường ác liệt nhất, góp phần giữ gìn và bảo vệ nền độc lập, tự do cho tổ quốc. Toàn bộ nội dung cuốn sách là tâm huyết về giáo dục được chia sẻ dưới dạng những lời tâm tình của nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hoà.

Bản thân ông đã là một tấm gương về sự miệt mài học tập, về tinh thần dấn thân, trăn trở tìm tòi ra con đường vận hành hoạt động giáo dục trong nhà trường một cách khả thi nhất, hiệu quả nhất.

Đọc cuốn sách “Xây dựng trường học hạnh phúc, con đường tôi đi”, tôi thấy TS Nguyễn Văn Hoà đã sẵn sàng đồng hành cùng mọi người đến bến bờ hạnh phúc trong sự nghiệp giáo dục. Còn chần chừ gì nữa, các bạn đọc, hãy cầm sách lên đọc và suy ngẫm. Con đường dẫn đến hạnh phúc đang chờ chúng ta!

TS Phạm Văn Nam(Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)