Thủ tướng nhắc Hà Nội tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:29, 06/05/2023
Phát biểu kết luận khi chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả Hà Nội đạt được trong thời gian qua.
Theo đó, tỷ lệ đóng góp của Hà Nội vào GDP, thu ngân sách của cả nước có chiều hướng tăng lên. Hà Nội cũng rất quyết liệt trong triển khai dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Hà Nội cần cải thiện nhiều chỉ số về cải cách hành chính; thắt chặt kỷ luật, kỷ cương và tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các quy định phòng cháy, chữa cháy...
Thủ đô phải là hình mẫu cho cả nước
Nhận định tình hình sắp tới vẫn có khó khăn, thách thức còn kéo dài và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của cả nước.
"Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo ông, Chính phủ và Hà Nội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển; tìm cách phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Lãnh đạo Chính phủ lưu ý Hà Nội tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính và đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, vì nhân dân phục vụ… cũng là một vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội tập trung làm tốt.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Hà Nội cũng được giao khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; tổ chức quy hoạch đô thị thật tốt để mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Để phát triển kinh tế, Thủ tướng nhắc Hà Nội thực hiện nghiêm các chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai giải pháp miễn, giảm thuế; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ…
Trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, Hà Nội cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.
Bên cạnh nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc Hà Nội chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh thành phố cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp); đầu tư công - quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác); đầu tư tư - sử dụng công (ví dụ tư nhân xây dựng trụ sở, cơ quan Nhà nước sử dụng)…
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hà Nội chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu.