Vụ cô giáo lĩnh 5 năm tù vì 45 triệu đồng: Vì sao phải tạm giam?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:53, 06/05/2023
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 24/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung, 51 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên, 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Liên quan đến vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, cựu kế toán Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên) bị tuyên phạt 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo cũng vì tội danh trên.
Phán quyết này được đưa ra sau phiên tòa kéo dài trong các ngày 7, 10, 11, 17/4.
Bị cáo Lê Thị Dung bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên cáo buộc đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh trong giai đoạn 2012-2017. Thời điểm này bị cáo Dung là Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên.
Cụ thể, nội dung thanh toán: Bí thư Chi bộ, hỗ trợ học cao học và tập huấn, bị cáo Lê Thị Dung đã thanh toán lần một theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong năm học 2014-2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng, năm học 2015-2016 hơn 13,8 triệu đồng.
Tổng số tiền hơn 44,7 triệu đồng này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Lê Thị Dung.
Cùng với bản án hình sự, tòa cũng buộc truy thu số tiền hơn 44,7 triệu đồng trả lại cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên.
Sau phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên và kêu oan. Vụ án đang được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Sau khi phiên xét xử sơ thẩm kết thúc với bản án nêu trên, đã có nhiều luồng dư luận xã hội về tội danh, mức án đối với bị cáo Lê Thị Dung cũng như việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo.
Bà Dung bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam từ ngày 28/3/2022, khi vụ án bị khởi tố và bản thân bà bị khởi tố bị can về tội danh nói trên. Việc thực hiện biện pháp ngăn chặn này được kéo dài đến hôm xét xử. Kết thúc phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên gia hạn tạm giam bị cáo Lê Thị Dung thêm 45 ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết phải thực hiện biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bà Lê Thị Dung bởi trước khi vụ án xảy ra, bà Dung có nhân thân tốt, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật, có nơi cư trú rõ ràng...
Nguồn tin từ đại diện gia đình cho biết, đã nhiều lần làm đơn bảo lãnh tại ngoại cho bà Dung nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Đại diện gia đình thông tin bà Dung có tiền sử bị bệnh đau dạ dày, mỡ máu cao, suy tim độ 3...
Về nội dung này, ông Lâm Quốc Tú - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã có thông tin lý giải cụ thể. Theo ông Tú, đối với các trường hợp tội phạm nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 3 năm trở lên thì cơ quan chức năng có quyền tạm giam để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử.
"Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam hay không thì cơ quan công an sẽ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Như trường hợp của bà Lê Thị Dung, việc tạm giam được thực hiện từ giai đoạn điều tra để ngăn chặn việc tẩu tán các tài liệu chứng cứ", ông Lâm Quốc Tú thông tin.
Trước câu hỏi sức khỏe của bà Lê Thị Dung có đảm bảo cho việc tạm giữ, tạm giam hay không, ông Lâm Quốc Tú cho rằng, ở trại giam có chế độ nằm viện đối với bị can, bị cáo bị bệnh.